Hội chợ thương mại Festival Di sản Quảng Nam năm 2019: Được và chưa được
Hội chợ thương mại Festival Di sản Quảng Nam năm 2019 được Sở Công Thương tổ chức tại TP.Hội An từ tối 5.9 đến hết ngày 11.9 có ý nghĩa kết nối giao thương, rộng mở thị trường tuy nhiên lại có những “hạt sạn” đáng tiếc.
Sự kiện lớn
Hội chợ có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và nước bạn Lào. Có hơn 300 gian hàng bày bán các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, thực phẩm chế biến, may mặc - thời trang, điện - điện tử, điện gia dụng, máy móc và thiết bị công nghiệp, công nghệ thông tin, đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, du lịch, dịch vụ, thương mại, vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất, nước giải khát, ẩm thực… Chị Vũ Thị Quỳnh Như - chủ cơ sở Như Sâm (xã Trà Mai, Nam Trà My) chuyên bán các mặt hàng sâm Ngọc Linh, chuối rừng, giảo cổ lam, mật ong rừng, khổ qua rừng, sơn tra, chè dây... cho biết, đây là dịp để quảng bá, buôn bán các sản phẩm, kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp khác. “Các điều kiện buôn bán ở huyện Nam Trà My gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua do trở ngại về địa hình, hạn chế giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, sức mua của người dân yếu. Tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng để buôn bán thuận tiện hơn trong thời gian đến. Các sản phẩm của chúng tôi rất chất lượng nên có được sự tin tưởng của khách hàng” - chị Như nói.
Huyện Thăng Bình có 14 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), làng nghề tham gia với các sản phẩm phong phú chủng loại, đa dạng mẫu mã như nước mắm, nhang hương, yến sào, phở khô, dầu tràm, bánh tráng, ngũ cốc, đồ gỗ điêu khắc và mỹ nghệ... Ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, đã gửi thư mời, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hội chợ và nhận được sự hưởng ứng tích cực. “Hơn ai hết, doanh nghiệp biết rõ tầm quan trọng của hội chợ là dịp quảng bá thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm để kết nối giao thương được thông suốt hơn. Vị thế của các làng nghề, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ được tăng lên qua hội chợ lần này” - ông Hòe nói.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, hội chợ là cơ hội để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh, tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng dịp để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương hàng hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại. “Hội chợ là điểm đến hấp dẫn để người dân TP.Hội An, khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, mua sắm, kích cầu tiêu dùng. Đây là cơ hội để thúc đẩy sản xuất, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh và nước bạn Lào” - ông Thử nói.
“Sạn” không đáng có
“Hội chợ Thương mại Festival Di sản Quảng Nam năm 2019 là hoạt động thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019 được Bộ Công Thương phê duyệt. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô cấp khu vực và quốc tế, có ý nghĩa kinh tế và chính trị quan trọng. “Hội chợ là kênh xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành trong phạm vi cả nước và tỉnh Savanakhet của nước bạn Lào. Ngoài ra, các bên còn trao đổi, hợp tác, liên kết về thương mại, du lịch, dịch vụ, thắt chặt tình hữu nghị đã gắn kết chặt chẽ trong thời gian qua”.
Bà Doãn Thị Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).
Nhiều ý kiến cho rằng, vì hội chợ có quy mô lớn, quá nhiều chủng loại hàng hóa, dịch vụ nên ban tổ chức đã không quán xuyến hết chất lượng của tất cả sản phẩm tham gia, có những sản phẩm kém chất lượng trà trộn gây bức xúc trong người tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm súng, kiếm bằng nhựa được doanh nghiệp bày bán với giá 20 nghìn đồng gây phản cảm, mất mỹ quan. “Gia đình tôi rất tâm đắc với nhiều hàng hóa, sản phẩm chất lượng nên mua về sử dụng lâu dài, nhất là các sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, không ít các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hàng hóa mà không có tem nhãn, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, doanh nghiệp nào sản xuất, chế biến thì làm sao người tiêu dùng có thể tin tưởng mua sắm và dùng” - chị Lữ Thị Mai Tâm (phường Sơn Phong, TP.Hội An) nói.
Khi đi kiểm tra vào đêm khai mạc hội chợ, ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã nhắc nhở một số doanh nghiệp không được bày bán các sản phẩm súng, kiếm dù là đồ chơi. Nhiều mặt hàng là đồ chơi cho trẻ em được các doanh nghiệp bày bán mà không hề có nhãn mác, xuất xứ, thời điểm sản xuất, không đáp ứng các quy định về hàng hóa lưu thông trên thị trường cũng đã được ngành chức năng nhắc nhở lần đầu. Tương tự, các sản phẩm ví da, nịt da, hàng may mặc, các sản phẩm giày dép, túi xách cũng không có nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. “Chúng tôi nhắc nhở doanh nghiệp ở lần đầu phát hiện khi kiểm tra. Ở lần sau, nếu doanh nghiệp còn buôn bán hàng cấm, hàng không đủ chuẩn thì chúng tôi sẽ phạt rất nặng để đủ sức răn đe. Lực lượng quản lý thị trường có mặt thường xuyên ở hội chợ để tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm về kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng, giúp hội chợ thực hiện đúng các mục đích, ý nghĩa” - ông Sơn nói.