Cùng đi tìm thị trường nông sản
Bắt đầu có những tín hiệu tích cực với ngành sản xuất, chế biến nông sản xứ Quảng khi nhiều loại hàng hóa sạch được tiêu thụ ở thị trường khó tính. Nông dân giờ đây đã biết “chiều chuộng” thị trường và chủ động bắt tay, cùng kết nối để nông sản có đầu ra ổn định.
Lấy thị trường làm mục tiêu
Có hơn 3 sào đất ruộng, lâu nay ông Mai Phước Chiến (xã Điện Thọ, Điện Bàn) trăn trở về chuyện làm lúa sạch. Vậy nên ông Chiến cùng người hàng xóm là Nguyễn Văn Kiệt (vừa được tuyên dương gương điển hình “Nông dân sản xuất giỏi của tỉnh”), rất phấn khởi khi nghe tin về ý tưởng sản xuất lúa hữu cơ từ Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn. Hai ông cùng hàng chục nông dân địa phương quyết tâm bắt tay nhau để liên kết với công ty này, tổ chức sản xuất lúa hữu cơ ngay trên đồng đất của mình. Từ phía Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn, ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc công ty, cho rằng dù sẽ khá gập ghềnh, nhưng gạo sạch sẽ là sản phẩm của tương lai. Những hạt lúa trên đồng muốn đạt tiêu chí sạch, phải nhờ vào tay nông dân. Không tổ chức liên kết với nông dân thì coi như thua. Vụ đầu tiên - vụ hè thu 2017, chỉ có hơn 3ha đất tại xã Điện Hòa được chọn để triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ. Nhưng đến vụ xuân hè này, đã có hơn 20ha đất trồng lúa hữu cơ từ hơn 130 hộ nông dân của xã Điện Thọ cùng chung tay làm lúa sạch với ông Nguyễn Phước Thiện.
Đây cũng chính là câu chuyện về quá trình hình thành “Gạo quê Phong Thử” - sản phẩm khá được ưa chuộng tại Hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp năm 2019 vừa diễn ra tại TP.Tam Kỳ. Bao bì bắt mắt, sản phẩm có chứng nhận rõ ràng, hơn nữa, nó được chính những người nông dân chân chất Điện Bàn đứng ra giới thiệu. Họ nhìn nhận rõ ràng về làm nông nghiệp thời buổi kinh tế thị trường, đã đến lúc cần phải lấy thị trường làm mục tiêu, tiêu chuẩn thị trường làm thước đo nếu như muốn ổn định đầu ra, tăng giá trị cho nông sản do mình làm ra. “Gạo quê Phong Thử” đang bắt đầu được tin tưởng ở thị trường TP.Đà Nẵng và các vùng lân cận. Tiếp tục chủ động đặt vấn đề với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng, các trường bán trú... sẽ phải là nhiệm vụ tiếp theo của ông Nguyễn Phước Thiện.
Trên cánh đồng khác, một nhóm nông dân cũng tự đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý (Thăng Bình). Câu chuyện lúa tím Bình Quý cùng hành trình đi học trồng lúa sạch của những người như ông Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tấn Chiến... đã được truyền tai từ nhiều năm nay. Điều khác biệt do chính những người nông dân xứ Quảng này làm được, là tự họ nắm bắt được thị trường cho sản phẩm của mình. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý tìm đến Hiệp hội Thực phẩm minh bạch tại TP.Hồ Chí Minh. Được bảo chứng về chất lượng sản phẩm, cũng đồng thời được tạo điều kiện tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại khá quy mô, lúa đen, lúa tím, lúa hữu cơ Bình Quý từng bước có mặt trên thị trường tại các cửa hàng, siêu thị uy tín về nông sản sạch.
Và những kết nối
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói rằng, gần 1 năm sau ngày chợ phiên Hội An hằng tháng thành lập, đến bây giờ, mức độ lan tỏa của hoạt động này không chỉ ở trong phạm vi người dân, người sản xuất tại TP.Hội An. Nhiều mặt hàng từ nông sản, ẩm thực, mỹ nghệ... tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, vào Chủ nhật của mỗi tuần cuối tháng, đều tựu về Hội An. Một hoạt động nhỏ, nhưng ý nghĩa đủ lớn để tạo động lực cho những người làm sản phẩm sạch. Điều thú vị hơn, theo như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hiền - chủ xưởng sản xuất nước mắm Hai Hiền (Cửa Khe, Bình Dương, Thăng Bình) chính là sự kết nối giữa những người sản xuất hàng nông sản, tiêu dùng tại nhiều địa phương. Đó cũng chính là kênh quảng bá khá tin cậy để các sản phẩm sạch mở rộng thị trường.
Trong khi đó, ở một góc độ khác, ông Trương Cảm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) chia sẻ, đầu ra sản phẩm sẽ thông thoáng nếu như sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của thị trường khó tính. Năm 2018, sản phẩm bánh tráng Đại Lộc của HTX này được sự hỗ trợ của Tổ chức Agriterra (Hà Lan) tư vấn về mẫu mã bao bì cũng như cách làm thương hiệu. Sản phẩm trước khi xuất ra thị trường đều được đóng gói, dán logo, ghi thành phần, hạn sử dụng và ghi rõ địa chỉ “Sản xuất tại HTX Ái Nghĩa”. Đáng chú ý, sản phẩm nào cũng gắn mã số của hộ sản xuất, giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc và ràng buộc các thành viên sản xuất sạch. Chính từ đây, bánh tráng Đại Lộc của HTX Ái Nghĩa sản xuất đã có mặt ở các siêu thị, nhà hàng trên cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, châu Á.
Ông Harm Haverkort - Giám đốc Agriterra Việt Nam, tổ chức đang có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho biết, việc kết nối quan trọng nhất chính là những cam kết của thành viên trong một tổ chức cho cùng một mục đích hướng đến. Đối với ngành nông nghiệp, tổ chức hiệu quả nhất với nông dân là HTX. Đây cũng là lý do mà ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng, HTX chính là cầu nối, cũng là nút thắt quan trọng nhất để tiến hành các hoạt động sản xuất theo chuỗi cũng như liên kết phát triển, mở rộng thị trường. Nông sản hiện tại không còn quẩn quanh theo kiểu sản xuất, tiêu dùng tại chỗ nữa mà cần phải tính đến chuyện đường dài, từ lên sàn thương mại điện tử cho đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Làm được điều này không chỉ cần sự bắt tay từ chính người sản xuất mà còn cần đến sự trợ lực của chính quyền và doanh nghiệp.