Doanh nghiệp chuyển đổi số còn dè dặt

QUẾ LÂM 14/08/2019 14:26

Trong những năm gần đây, tinh thần “tiến quân” của Việt Nam vào cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế số lên rất cao. Cùng khát vọng, những bước đi ban đầu đã được triển khai với sự hoàn thiện dần hạ tầng số, chính phủ điện tử...

Trong 5 năm (2014 - 2018), Việt Nam là một trong 10 quốc gia có bước đi nhanh trong cải thiện chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc (EGDI). Xã hội số hình thành với hơn 54 triệu người sử dụng internet; 120 triệu thuê bao di động; 340 trang mạng xã hội; gần ½ doanh nghiệp sở hữu trang web và khoảng 1/3 thiết lập quan hệ với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến.

Kinh tế số thực sự khởi sắc, đóng góp quan trọng cho kinh tế Việt Nam, hiện có 30 nghìn doanh nghiệp ICT với tổng doanh thu 91,6 tỷ USD (năm 2017); trong đó 85% doanh thu thuộc ngành công nghiệp phần cứng. Thiết bị ICT chiếm khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu, trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Công nghiệp phần mềm tăng trưởng 15 - 25%/năm, với doanh thu 3,7 tỷ USD năm 2017, vượt Ấn Độ trở thành điểm đến gia công phần mềm lớn thứ hai của Nhật Bản. Thương mại điện tử phát triển 35%/năm với doanh thu 8 tỷ USD năm 2017 và dự đoán đạt 20 tỷ USD năm 2020...

Tuy vậy, bức tranh kinh tế số vẫn có không ít gam màu xám. Trước hết, đó là việc thiếu niềm tin vào các hệ thống trực tuyến. Ví dụ liên quan đến mục tiêu không dùng tiền mặt trong nền kinh tế (90% vào năm 2020) khó đạt. Hay áp dụng thanh toán điện tử và thậm chí cả dịch vụ ngân hàng; hiện chỉ có khoảng 50% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, vẫn thấp...

Nhìn kỹ hơn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong “ăn chia chiếc bánh” doanh thu kinh tế số; vai trò chi phối của các tập đoàn FDI như Công ty điện tử Samsung, Intel... là rất nổi trội. Hơn thế nữa, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Theo điều tra năm 2018 của Bộ Công Thương, tỷ lệ này chiếm tới 82% doanh nghiệp, và có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp dù phần lớn có ý thức “số”. Khảo sát công nghiệp chế tác trong Ueki (2019) cho thấy 35% doanh nghiệp Việt Nam chưa có kế hoạch ứng dụng ICT cho quản lý chuỗi cung ứng (Thái Lan: 38%) và 77% doanh nghiệp không chia sẻ dữ liệu về hoạt động nhà máy với khách hàng hoặc nhà cung ứng (Thái Lan: 40%); mức áp dụng ITC cho giám sát sản xuất, quản lý dây chuyền cung ứng và kiểm soát chất lượng thấp.

Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của doanh nghiệp cùng cách hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước có ý nghĩa quyết định để doanh nghiệp ngày càng trưởng thành. Một khu vực tư nhân năng động, có sức cạnh tranh cao, luôn có khát vọng lớn, đủ bản lĩnh làm chủ và sáng tạo công nghệ trong “sân chơi” toàn cầu là một bảo đảm vững chắc cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.

QUẾ LÂM