Kết tinh giá trị phở sắn
Cộng hưởng, lan tỏa là những giá trị kết tinh để sản phẩm phở sắn của huyện Quế Sơn khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất.
Giá trị mang lại
Việc sản xuất phở sắn của gia đình bà Trần Thị Thu Thủy (khu dân phố Thuận An, thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) thuận tiện nhờ vào ứng dụng hệ thống sấy phở tự động. Bà Thủy cho biết, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường được chừng 50kg phở sắn, thu lợi chừng 500 nghìn đồng sau khi trừ chi phí. Trước đây, do phải phơi khô phở nhờ nắng nên quá trình sản xuất của gia đình bị gián đoạn mỗi khi trời mưa. Nhờ ứng dụng công nghệ mới, gia đình bà Thủy đã tăng quy mô sản xuất, khối lượng phở thành phẩm gấp đôi trước đây. Sử dụng máy móc nên năng suất sản phẩm cũng tăng lên, hàng hóa bán ra thị trường nhiều hơn, lợi nhuận thu được lớn hơn. “Phở sắn là nghề truyền thống của huyện Quế Sơn nói chung, thị trấn Đông Phú nói riêng nên gia đình tôi luôn tâm niệm giữ nghề sản xuất truyền từ đời này sang đời khác. Nỗi khổ phải ngưng sản xuất phở mỗi khi trời mưa đã được giải quyết khi chúng tôi được Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy phở tự động. Rất mừng là được thao tác chế biến phở quanh năm và thu nhập của gia đình đã tăng lên rất đáng kể” - bà Thủy nói.
Làng nghề phở sắn Đông Phú hiện có khoảng 15 hộ gia đình và hơn 50 lao động tham gia sản xuất. Trước đây, do sản xuất thủ công, người sản xuất chỉ có thể chế biến khoảng 15kg phở sắn/ngày, với giá bán mỗi ký chỉ vài nghìn đồng nên giá trị kinh tế đem lại không cao. Cách đây vài năm, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Quế Sơn đã hỗ trợ kinh phí để hộ gia đình ông Dương Ngọc Xinh (thị trấn Đông Phú) đầu tư hệ thống chế biến phở bán tự động trị giá 60 triệu đồng, giải phóng sức lao động, tăng năng suất, sản lượng gấp hơn 2 lần, sản phẩm phở cung cấp ra thị trường nhiều hơn, thu nhập cao hơn. Sau đó, các hộ sản xuất phở sắn ở Đông Phú đã học hỏi, nhân rộng và đầu tư thêm máy cắt phở bán tự động để phở sắn đều, đẹp, bắt mắt hơn.
Ông Trần Vũ Tánh - Phó Phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn cho biết, phở sắn đã được gắn 3 sao, là sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Quế Sơn. Phở sắn được thị trường đón nhận ngày càng giúp các hộ sản xuất nâng cao thu nhập. Làng nghề chế biến phở sắn Đông Phú đã có được diện mạo mới, tràn đầy sinh lực. “Phở sắn đã được bán rất chạy ở hệ thống siêu thị toàn quốc. Ưu điểm là thơm, ngon, giá phải chăng lại loại bỏ đường, mỡ trong quá trình xử lý tinh bột, rất có lợi cho sức khỏe, hạn chế bệnh tiểu đường và mỡ máu” - ông Tánh nói.
Hiệu ứng tích cực
Anh Dương Ngọc Ảnh - con trai ông Dương Ngọc Xinh là người hơn ai hết hiểu rõ sản phẩm phở sắn đặc trưng của quê hương mình. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), anh Ảnh đã cùng nhóm khởi nghiệp của mình lập nên thương hiệu phở sắn Caromi từ phở sắn Quế Sơn. Thay vì làm phở sắn từ sắn khô như truyền thống, anh Ảnh đã nghiên cứu, sử dụng sắn tươi giúp sợi phở dai, trong và ngon hơn so với quy trình sản xuất cũ. Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu, nhiều sản phẩm phở sắn mới cũng đã ra đời. Nếu như sản phẩm truyền thống chỉ có phở sắn nguyên chất thì phở sắn Caromi có thêm phở sắn nghệ và phở sắn gấc bằng cách kết hợp với bột nghệ, màu gấc giúp sản phẩm đa dạng về màu sắc cũng như tăng giá trị dinh dưỡng. Trong thời đại cách mạng 4.0, hầu như các dự án khởi nghiệp đều theo đuổi các trào lưu phát triển công nghệ mới thì Dương Ngọc Ảnh lại quay về với nguồn cội là cây sắn truyền thống. Việc nâng cao giá trị cây sắn, phát triển làng nghề phở sắn Quế Sơn, đưa sản phẩm ra toàn cầu với mong muốn được thế giới biết đến chất lượng hàng hóa Quảng Nam đã truyền cảm hứng đặc biệt đến những người gắn bó, ngày đêm miệt mài tìm hướng phát triển làng nghề xứ Quảng.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết, rất tâm đắc với quá trình sản xuất phở sắn của người dân huyện Quế Sơn nói riêng cũng như mọi làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh nên thôi thúc ý tưởng tìm cách hỗ trợ để các làng nghề phát huy giá trị. Thành công của sản phẩm phở sắn Quế Sơn đã góp phần liên kết giữa sản xuất và thương mại, tiêu dùng, khơi thông dòng chảy hàng hóa, tạo sức lan tỏa sản xuất, kinh doanh đến các địa phương trong phạm vi cả nước và vươn ra thị trường quốc tế. “Chúng tôi muốn tạo đòn bẩy, động lực để khơi dậy tiềm năng của các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Khi đó, hàng hóa, sản phẩm Quảng Nam sẽ được mở rộng thị trường, khẳng định sản phẩm, vị thế, thương hiệu. Sẽ chú trọng gắn kết với các làng nghề để ứng dụng thêm các thành quả công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Cùng với đó, kết nối giao thương, kích cầu để người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm nhiều hơn, nâng cao giá trị kinh tế thu được từ sản xuất, hàng hóa” - ông Phúc nói.