Chè dây Ra zéh
Ngay sau khi hình thành, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Tư (xã Tư, Đông Giang) đã tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn là kinh doanh sản phẩm chè dây Ra zéh làm “đầu tàu” cho các mảng sản xuất kinh doanh tiếp theo.
Vào tháng 12.2017, một tổ chức kinh tế hợp tác ra đời lấy tên gọi là HTX Nông nghiệp xã Tư. Đến tháng 8.2018, đơn vị này đăng ký lần 2 sau khi thay đổi, bổ sung nhân sự lãnh đạo. Cán bộ phụ trách nông thôn mới xã Tư, ông Lê Duy Trường (đội viên đề án 500) được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX. Ông Trường cho biết, đơn vị hiện gồm 10 thành viên, ngành nghề hoạt động chủ yếu cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất trong nông - lâm nghiệp, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Muốn có sự ổn định, ban lãnh đạo đang tập trung vào việc trồng, kết hợp thu mua, chế biến từ chè dây Ra zéh (nhãn hiệu độc quyền) nhằm tạo nền tảng cho bước tiếp theo. Sản phẩm đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển theo chuỗi giá trị và được UBND tỉnh xếp hạng 3 sao.
Về quy trình sản xuất từ chè dây Ra zéh, sau khi thu mua chè dây tươi do xã viên trồng, HTX đem về phân loại, rửa sạch, băm nhỏ và cho vào máy chế biến. Ủ lên lớp men trong 8 giờ đồng hồ, chè tiếp tục được phơi dưới nắng (hoặc sao qua máy nếu trời mưa) và đóng gói. Giá thu mua 1kg chè tươi là 12 nghìn đồng; 4kg chè tươi được 1kg chè thành phẩm. Giá bán sỉ cho các đại lý là 95 nghìn đồng/kg và bán lẻ 140 nghìn đồng/kg. HTX đã mang sản phẩm tham gia giới thiệu tại nhiều hội chợ do Sở KH-CN, huyện Quế Sơn… tổ chức.
Theo nghiên cứu khoa học, chè Ra zéh có tác dụng điều trị loét dạ dày, hành tá tràng, giúp thanh nhiệt và giải độc gan. Loại chè này dùng để uống có tính năng tiêu hóa tốt, ngủ được và ăn được. Mùa nắng nóng, nước nấu xong để nguội cho vào bình rồi bỏ trong tủ lạnh sẽ uống được nhiều ngày mà vẫn đảm bảo chất lượng và hương vị. Với những công dụng đặc biệt, Ra zéh không chỉ là đặc sản sinh trưởng trên vùng đất xã Tư, mà còn mang lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều người. Họ cho hay, 1 héc ta trồng chè dây cho thu hoạch trung bình 10 tấn tươi/năm. Chính vì vậy, địa phương đã vận động người dân trồng chè dây trong vườn đồi, vườn nhà, khoanh nuôi dưới tán rừng và cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Toàn xã hiện có khoảng 50 hộ trồng, khoanh nuôi chè dây. Còn theo ông Trường, tổng hộ là xã viên HTX đang sở hữu gần 3ha, nhiều nhất là hộ Lâm Văn Thông (thôn Ga Dong) với 1,5ha.
Thời gian đến, HTX sẽ huy động vốn từ các thành viên trồng riêng 3ha. Hộ dân nào có nhu cầu sẽ kết nạp làm thành viên, nếu không có khả năng canh tác thì cho HTX thuê đất sản xuất, đồng thời thu mua từ hộ khác nhằm có nguyên liệu đầu vào lớn để dễ tìm đối tác. Một thuận lợi là HTX được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ về máy móc (máy xao chè: 60 triệu đồng, máy vò chè: 18 triệu đồng), bao bì (30 triệu đồng). Dự kiến trong năm nay, HTX sẽ cho ra sản phẩm chè búp và năm 2020 là chè túi lọc từ chè dây Ra zéh.