Mai một làng nghề chiếu cói Tam Thăng

H.LIÊN - P.PHƯƠNG 15/06/2019 08:07

Trước sự phát triển của nền công nghiệp và áp lực của quá trình đô thị hóa, làng nghề chiếu cói Tam Thăng (Tam Kỳ) với hơn 500 năm tuổi cũng chịu chung số phận như bao làng nghề truyền thống khác, dần mai một theo thời gian...

Bà Huỳnh Thị Huệ là một trong số ít người giữ lửa nghề chiếu cói Tam Thăng. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Bà Huỳnh Thị Huệ là một trong số ít người giữ lửa nghề chiếu cói Tam Thăng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Làng nghề trước biến động

Làng Thạch Tân (xã Tam Thăng) được biết đến với di tích lịch sử Địa đạo Kỳ Anh - di tích lịch sử cấp quốc gia và là nơi lưu giữ nghề dệt chiếu cói truyền thống, hình thành cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 và tồn tại tới nay. Đáng tiếc khi trong cơn biến động của thời cuộc, những người giữ lửa cho làng nghề phần lớn ở ngoài độ tuổi lao động và người cao tuổi, còn người trẻ không mặn mà duy trì, tiếp nối nghề truyền thống vì thu nhập từ nghề quá thấp, không đảm bảo đời sống.

Biểu hiện rõ nhất của sự mai một nghề dệt chiếu là diện tích trồng cói, lác ở làng Thạch Tân và các ngôi làng lân cận đã thu hẹp dần qua các năm, từ hơn 20ha nay chỉ còn lại 6ha nằm rải rác. Do lượng lác, cói tại chỗ không đủ sử dụng, nhiều người phải nhập cây lác, cói nguyên liệu từ nơi khác về làm chiếu. Thạch Tân có 260 hộ làm chiếu thì nay chỉ còn 80 hộ giữ nghề, gồm dệt chiếu truyền thống lẫn công nghiệp. Song thực sự bám nghề khoảng mười hộ, phần lớn có độ tuổi trên 60, còn lại các hộ chỉ làm chiếu lúc rỗi, thời điểm nông nhàn. Trước, người làng có thể làm được các loại: chiếu trổ, chiếu in, chiếu trắng và chiếu nê, chiếu nôi (lót nôi trẻ em) nhưng nay chiếu in đã không còn vì công đoạn sản xuất quá tốn kém, ít người giữ nghề; ngay cả chiếu nôi cũng ít người cần.

Ông Huỳnh Kim Ta - Trưởng thôn Thạch Tân cho biết, cả làng có tới 98% hộ làm chiếu nhưng nay giảm còn 30 - 40% số hộ và tiếp tục giảm trước cơn lốc đô thị hóa và sự thu hút lao động vào các khu công nghiệp trên địa bàn. “Lao động trong độ tuổi đổ xô vào các nhà máy. Nghề dệt chiếu vì vậy cũng dần co cụm, duy trì cầm chừng. Nguy cơ trong 10 năm tới làng nghề này không còn người bám trụ với nghề là không tránh khỏi” - ông Ta nói.

Nỗi niềm người giữ lửa

Bà Huỳnh Thị Niệm (60 tuổi), người từng làm chiếu cói lâu đời ở Thạch Tân nhưng đến nay đã bỏ nghề bởi thu nhập quá thấp (50.000 đồng/ngày công), các công đoạn làm chiếu quá cực nhọc. Bà kể, 6 - 12 tháng mới thu hoạch lác một lần, lác đem về phải chẻ sợi, nhuộm màu trước khi đan, dệt. Để dệt được chiếc chiếu cần 2 người mới làm được. “Con cháu tôi giờ không đứa nào chịu học nghề cả vì không muốn cực. Cả làng chỉ còn cô Huỳnh Thị Huệ là làm được chiếu trổ (bắt chữ trên chiếu), còn lại chỉ làm chiếu trắng đơn giản” - bà Niệm nói.

Bà Huỳnh Kim Nhan (67 tuổi), một trong những người giữ lửa nghề Thạch Tân cho biết thêm: “Tôi làm chiếu từ lúc 15 tuổi đến nay. Nếu trước đây nghề này nuôi mấy miệng ăn gia đình thì nay tôi chỉ làm chiếu mỗi khi rảnh rỗi, chủ yếu kiếm nguồn phụ thu mắm muối. Mỗi ngày, 2 công lao động cật lực làm nhưng cũng chỉ lãi chừng 100 - 150.000 đồng sau khi trừ chi phí nên nhiều người bỏ nghề là vậy”...

Ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng nhìn nhận, làng nghề mai một là lẽ đương nhiên. Song bỏ thì không bỏ mà phát triển thì không được. Dù thành phố, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư cho làng nghề với nhiều loại máy móc, kỹ thuật hiện đại, cho người dân đi tập huấn kỹ thuật dệt chiếu ở Hà Nội, hỗ trợ mua cói nguyên liệu… nhưng người dân không duy trì được khi hết nguồn hỗ trợ.

Theo ông Thắng, cái chính vẫn là do người dân không còn mặn mà với nghề. Xã Tam Thăng đang xin nguồn vốn phục vụ giữ gìn làng chiếu 2018 - 2019 từ nguồn khuyến công 50 triệu đồng. Hiện đang xây dựng dự án nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn dệt chiếu phục vụ du lịch, kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn Tam Kỳ và vùng lân cận, nhưng dự án vẫn nằm trên giấy vì thiếu người có tâm huyết.

H.LIÊN - P.PHƯƠNG