Bánh tráng Phú Triêm cần thêm "chất xúc tác"
Những năm qua, nhiều hộ dân ở xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn) vẫn duy trì và phát triển làng nghề tráng bánh truyền thống Phú Triêm. Tuy nhiên, để đưa bánh tráng trở thành sản phẩm OCOP, còn không ít việc phải làm.
Vào đầu thế kỷ XX, làng nghề bánh tráng Phú Triêm bắt đầu hình thành. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, hiện người dân ở các thôn Triêm Đông, Triêm Trung (xã Điện Phương) vẫn giữ lửa của nghề truyền thống này. Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế Điện Bàn, đến tháng 6.2019 tại làng nghề bánh tráng Phú Triêm còn khoảng 170 hộ tham gia hoạt động. Theo kinh nghiệm của nhiều người dân trong nghề, để tráng một chiếc bánh thơm ngon, đảm bảo chất lượng, yêu cầu bắt buộc là phải ngâm gạo từ 2 - 3 tiếng đồng hồ, sau đó gạo được vuốt sạch qua nhiều nước, đem đi xay mịn thành bột nước. Ngoài ra, bánh phải được phơi dưới nắng đẹp, khoảng 2 - 3 giờ là khô. Nhờ vậy, bánh tráng Phú Triêm để được lâu nên thị trường khá ưa chuộng.
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, hiện nay tại làng nghề bánh tráng truyền thống Phú Triêm, bình quân mỗi tháng 1 cơ sở tráng được hơn 600kg bánh và thu lãi khoảng 5 - 7 triệu đồng. Tại làng nghề bánh tráng Phú Triêm đã hình thành tổ hợp tác với 25 hộ dân tham gia, bước đầu hoạt động khá hiệu quả, sản phẩm tạo ra chủ yếu bán cho các đầu mối lớn để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn, đại lý ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Ông Chơi nói: “Hiện làng nghề đang tạo việc làm ổn định cho 300 lao động, chủ yếu là nữ, có độ tuổi 40 trở lên, thu nhập bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng”.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi, khó khăn lớn nhất trong sản xuất bánh tráng ở làng Phú Triêm hiện nay là việc áp dụng công nghệ, máy móc còn quá hạn chế. Cùng với đó, sản xuất bánh tráng phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, bởi thiếu trang thiết bị máy móc hiện đại như máy sấy. Ngoài ra, quy mô sản xuất còn rất nhỏ lẻ nên số lượng sản phẩm không đủ cung ứng trên thị trường, nhất là vào mùa mưa. Mặt khác, phần lớn cơ sở sản xuất bánh tráng của người dân nằm xen kẽ trong các khu dân cư, chưa có hệ thống xử lý chất thải và nước thải. Đặc biệt, sản phẩm chưa có tem chứng nhận, chưa sử dụng nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, ông Chơi cho rằng, với những thuận lợi về nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động dồi dào, nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, thị trường tiêu thụ đang mở rộng, đặc biệt đây là một trong những sản phẩm được thị xã Điện Bàn lựa chọn tham gia Chương trình OCOP nên làng nghề bánh tráng Phú Triêm hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới, nhất là khi làng nghề đã lên kế hoạch xây dựng nhãn hiệu độc quyền “Bánh tráng Phú Triêm”.
Ông Chơi cũng cho biết thêm, sắp tới Phòng Kinh tế Điện Bàn sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ các hộ sản xuất ở làng nghề bánh tráng Phú Triêm tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô và mua sắm máy móc, dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất đạt sản lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.