Nghề mộc thời công nghệ

VĂN VIỆT 27/03/2019 08:47

(QNO) - Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian, nhiều cơ sở mộc đã mạnh dạn áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại.

Sự xuất hiện của máy CNC được coi là cuộc cách mạng với nghề mộc. Ảnh: VĂN VIỆT
Sự xuất hiện của máy CNC được coi là "cuộc cách mạng" với nghề mộc. Ảnh: VĂN VIỆT

Cơ sở điêu khắc của anh Đỗ Đức Kiêm (thôn Phú Quý, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) áp dụng công nghệ từ rất sớm. Anh Kiêm cho biết, trước đây khi làm thủ công, sản phẩm điêu khắc của anh thường mất rất nhiều thời gian. Trung bình mỗi sản phẩm phải mất vài ngày đến một tuần, nhưng không đáp ứng được sự đòi hỏi của khách hàng. Sau nhiều thời gian tìm hiểu, anh biết đến máy điêu khắc gỗ CNC (viết tắt của Computer Numerical Control) và bắt đầu áp dụng. Hiệu quả mang lại rõ rệt khi sản phẩm đạt độ tinh xảo rất cao, đa dạng mẫu mã, tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Với máy CNC người thợ chỉ cần lập trình các sản phẩm trên máy tính. Ảnh: VĂN VIỆT
Với máy CNC, người thợ chỉ cần lập trình các sản phẩm trên máy tính. Ảnh: VĂN VIỆT

Anh Hồ Văn Công - chủ tiệm mộc Thành Công (thôn Tam Mỹ, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) cho biết, máy CNC ra đời như một "cuộc cách mạng" đối với nghề mộc, làm thay đổi tư duy của nhiều người thợ dù có tay nghề lão luyện. Anh Nguyễn Được (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) có thâm niên nhiều năm trong nghề mộc thì cho biết: "Mặc dù tốn nhiều chi phí trong việc đầu tư máy CNC, nhưng bù lại sản phẩm tạo ra đáp ứng được nhu cầu rất cao của khách hàng hiện nay".

Tuy vậy, với không ít người, việc làm chủ được những chiếc máy điêu khắc gỗ hiện đại rất khó khăn. Trước đây chỉ quen với cái đục, cái cưa, nay họ phải làm quen với các phần mềm lập trình trên máy tính nên cảm thấy không hề đơn giản. Như anh Hồ Văn Công, dù đã làm quen với máy CNC được 4 năm nay nhưng vẫn chưa khám phá hết chức năng của máy. Những người thợ này mong muốn được tham gia các lớp bồi dưỡng về kỹ thuật, công nghệ để nghề mộc có thể đứng vững, bắt kịp xu thế hiện nay.

Các sản phẩm nhờ công nghệ 4.0 có độ tinh xảo rất cao. Ảnh: VĂN VIỆT
Áp dụng công nghệ nên sản phẩm có độ tinh xảo rất cao. Ảnh: VĂN VIỆT

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam cho biết: "Việc đầu tư công nghệ vào nghề mộc là một tín hiệu đáng mừng, qua đó cho thấy sự hòa nhập tốt của các cơ sở mộc với cuộc sống, thị trường hiện nay. Thời gian tới, trung tâm xem xét có kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học - công nghệ vào nghề mộc".

VĂN VIỆT

VĂN VIỆT