Tăng giá bán điện bình quân: Doanh nghiệp chủ động ứng phó
Trước thông tin về việc Bộ Công Thương quyết định tăng giá bán điện bình quân, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó để không tăng giá thành sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp lo lắng việc tăng giá điện sẽ tác động mạnh đến chi phí sản xuất. Ảnh: D.L |
Hộ kinh doanh lo lắng
Giá điện tăng tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, từ hộ kinh doanh nhỏ đến các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lâm - chủ nhà may Ngọc Lâm (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) cho biết: “Cơ sở may mặc phải sử dụng bàn là để ủi quần áo, máy may quần áo công nghiệp. Mỗi tháng tiền điện tôi phải đóng gần 2 triệu đồng. Đợt cao điểm lễ tết là 3 triệu đồng”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thái - Trưởng ban Quản lý chợ Ái Nghĩa, việc tăng tiền điện sẽ gây nhiều khó khăn cho các tiểu thương. Bởi ngoài tiền thuê mặt bằng, tiền thuế môn bài, tiền bảo vệ, tiền thuê nhân công…, tiểu thương phải tiếp tục trả tiền điện với giá cao, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của họ. Trong khi đó, với những người buôn bán ở vỉa hè, lòng lề đường và các khu vực công cộng khác, họ sẽ không phải đóng bất kỳ một khoản chi phí nào khiến tiểu thương có tâm lý so sánh.
Theo Quyết định số 28/2014 của Thủ tướng Chính phủ, biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang. Mức thấp nhất 92% giá bán lẻ bình quân và cao nhất tới 159%. Giá bán lẻ điện cho kinh doanh được áp ở mức khá cao, giờ cao điểm tối đa 248% và thấp điểm 75% giá bình quân, tùy theo cấp điện áp. Khách hàng sản xuất giờ thấp điểm được tính 52% và cao nhất 167% so với giá điện bình quân vào thời gian giờ cao điểm. Theo ước tính của các chuyên gia, việc tăng giá điện thêm 8,36% sẽ làm tăng CPI 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15 - 0,19%. |
Ông Nguyễn Văn Long - chủ cơ sở cơ khí tại xã Tam Dân (Phú Ninh) cho biết, vì cơ sở sử dụng nhiều thiết bị điện, nên giá điện tăng sẽ khiến chi phí sản xuất tăng. Mỗi tháng, cơ sở của ông đóng tiền điện hơn 4 triệu đồng. Đầu năm 2019, ông có nhận đơn hàng cửa sắt của một công trình, giá cả đã hợp đồng xong, nay giá điện tăng khiến ông rất lo lắng.
Ông Long nói: “Khi hợp đồng thì tôi đã tính mọi chi phí theo giá điện từ cuối năm 2018. Đầu năm 2019 giá sắt thép có tăng nhẹ, giờ thêm giá điện tăng nữa thì tôi sợ không bù nổi chi phí. Có lẽ tôi sẽ thương lượng lại với chủ thầu, bởi đây là yếu tố tôi không lường trước được”.
Doanh nghiệp ứng phó
Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung (Điện Bàn) là đơn vị sản xuất giày da không khỏi lo lắng trước thông tin tăng giá điện. Ông Lê Châu Khương - Giám đốc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung cho biết: “Với ngành dệt may, giày da, đến 70% nguyên liệu phải nhập khẩu, chi phí rất cao. Nay giá điện tăng lên nữa thì ước tính chi phí sản xuất tăng thêm từ 3 - 4%, trong khi đó giá thành sản phẩm không thể tăng được. Bởi chúng tôi sản xuất theo hợp đồng với đối tác ổn định về giá cho đến mùa xuân năm sau. Chính vì thế chúng tôi chỉ còn cách phải cải thiện năng suất lao động nhằm đảm bảo ổn định giá thành sản phẩm. Hiện nay công ty chủ yếu cải thiện năng suất ở bộ phận máy lập trình, để cùng một thời gian có thể sản xuất được 2 đôi giày, thay vì trước đây chỉ 1 đôi giày”.
Ngoài ra, ông Khương thông tin thêm, tay nghề của người lao động cũng liên tục được kiểm tra nâng cao, có chế độ lương tăng theo trình độ tay nghề để động viên người lao động. Với hơn 4,4 triệu sản phẩm phải hoàn thành cho đối tác trong năm này, công ty đang cố gắng xoay xở giữ vững giá thành sản phẩm để không ảnh hưởng đến đơn hàng.
Ông Chung Hoàng Kính - Giám đốc Chi nhánh Công ty MTV Môi trường đô thị Quảng Nam tại Đại Lộc chia sẻ, đơn vị vẫn chưa thể hạch toán về giá điện và mức ảnh hưởng vì là đơn vị trực thuộc công ty. Tuy nhiên, chi nhánh nỗ lực tiết giảm lượng tiêu thụ điện năng, hạn chế bơm giờ đêm để hạn chế lượng điện tiêu thụ. Chi nhánh hiện có 7 máy vận hành với công suất lớn nên cũng sẽ cân đối, hạn chế vận hành các tổ máy vào các khung giờ cao điểm, tập trung vận hành lấy nước, bơm về khuya nhằm giảm bớt lượng tiêu thụ điện năng phát sinh.
Trong khi đó, bà Ung Thị Thanh Thủy - Trưởng phòng Hành chính Công ty May Tuấn Đạt (TP.Tam Kỳ) chia sẻ, ngành may sẽ chịu tác động mạnh, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Công ty đã có kế hoạch tuyên truyền nhân viên sử dụng thiết bị điện tiết kiệm, hiệu quả, giảm lượng tiêu hao điện năng bằng việc lắp đặt bóng điện nhỏ, thay hệ thống điện chiếu sáng bằng hệ thống đèn led, chỉ cần đủ ánh sáng vận hành là được.
DIỄM LỆ - HOÀNG LIÊN