Gian nan chống gian lận thương mại
Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh (Ban chỉ đạo 389) đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên công tác chống gian lận thương mại để bảo vệ người tiêu dùng còn không ít gian nan.
Lực lượng chức năng tiêu hủy nhiều hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: QUANG VIỆT |
Tiêu hủy hàng hóa
Cuối tuần qua, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tổ chức tiêu hủy khối lượng lớn hàng cấm, thuốc lá ngoại nhập lậu, hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu trị giá gần 2 tỷ đồng. Đáng nói, số lượng lớn hàng hóa này được các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh buôn bán với thủ đoạn rất tinh vi. Phải qua quá trình trinh sát dài ngày, lực lượng quản lý thị trường, công an, biên phòng, cảnh sát biển mới có thể bắt quả tang, bắt giữ, xử phạt. Trong đó có trường hợp của bà Ngô Thị Khương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), Nguyễn Hoàng Ly Na, Nguyễn Thị Điệp (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn), Nguyễn Thị Liên (Tam Quang, Núi Thành). Theo đánh giá, tình hình buôn lậu, vận chuyển, mua bán thuốc lá nhập lậu vẫn đang diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, mất trật tự an toàn xã hội, thất thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, các đối tượng buôn lậu thuốc lá đã sử dụng hóa đơn chứng từ quay vòng để hợp thức hóa hàng nhập lậu, xé lẻ hàng hóa nhập lậu để vận chuyển vào nội địa, thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng để tránh sự kiểm soát.
Hàng loạt rượu giả, rượu lậu đã được các ngành chức năng Quảng Nam phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý. Trong đó, có rất nhiều loại rượu giả mạo các thương hiệu lớn như Jim Beam, Bacardi, Hanava, Macallan... Theo cảnh báo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các loại rượu giả nói trên đầu độc người tiêu dùng, tác nhân dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm về tim mạch, gan, thần kinh, ung thư. Nguy hiểm hơn, các vụ việc buôn bán rượu lậu, rượu giả bị phát hiện mới chỉ là “tảng băng nổi”, không ai biết chắc chắn còn bao nhiêu cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn Quảng Nam. Thực phẩm, mỹ phẩm các loại, hàng hóa dùng trong lĩnh vực y tế cũng đã bị xử lý, tiêu hủy.
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, tiêu hủy hàng hóa nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong tố giác, đấu tranh chống gian lận thương mại và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Tạo chuyển biến
Sở Y tế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 30 cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh, xử phạt 7 vụ việc sai phạm với số tiền 42,5 triệu đồng; thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực an toàn thực phẩm, xử lý 24 vụ với số tiền 25,5 triệu đồng. Trong đó, đã đình chỉ 1 cơ sở kinh doanh thuốc đông y, tiêu hủy 12,5kg thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ. |
Trong tháng 3 này, các lực lượng chức năng đã xử lý 131 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng. Công an tỉnh đã xử lý 12 đối tượng, thu nộp ngân sách hơn 334 triệu đồng. Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an tỉnh, trong thời gian gian đến, sẽ tăng cường nắm tình hình, thông tin về tội phạm để kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các lĩnh vực được chú trọng gồm ngân hàng, thuế, bảo vệ rừng, khoáng sản, kinh doanh thương mại điện tử... Ông Đoàn Ngọc Sơn cho biết, Quảng Nam có địa hình đa dạng nên sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, công thương để tập trung kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới, cửa khẩu, các đường tiểu ngạch, các cảng, khu vực hải đảo để truy quét tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn, trong thời gian đến, các ngành chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh quản lý, kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung kiểm tra các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, các lĩnh vực có hiện tượng nổi cộm, phức tạp để tạo chuyển biến lớn trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác quản lý giá cũng được chú trọng hơn, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý. “Các cơ quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa tin về những vụ việc điển hình trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần ổn định thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, qua đó tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa ở thị trường trong nước và quốc tế” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.
VIỆT NGUYỄN