Chật vật lữ hành địa phương

QUỐC TUẤN 20/03/2019 07:42

Phần lớn các hãng lữ hành địa phương tại TP.Hội An và vùng lân cận đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường, do đó chưa thể chiếm lĩnh được thị phần du lịch đang ngày càng phát triển mạnh tại Quảng Nam.

Phần lớn các đơn vị lữ hành tại Hội An chuyên về du lịch Cù Lao Chàm nên chưa khai thác toàn diện tiềm năng của du lịch địa phương.  Ảnh: Q.T
Phần lớn các đơn vị lữ hành tại Hội An chuyên về du lịch Cù Lao Chàm nên chưa khai thác toàn diện tiềm năng của du lịch địa phương. Ảnh: Q.T

Nhiều hạn chế

Trong vài năm gần đây, lượng khách du lịch từ vùng Đông Bắc Á đến Hội An tăng đột biến. Điều này giúp Hội An trở thành một trong những địa điểm thu hút khách quốc tế nhiều nhất của nước ta. Bên cạnh các lợi ích khai thác được từ dòng khách này thì nó cũng đem đến khó khăn cho các hãng lữ hành trong nước, nhất là lữ hành địa phương khi phần lớn thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc… chỉ sử dụng dịch vụ lưu trú, còn lại các dịch vụ khác hầu như không sử dụng. “Họ tự liên hệ đến các nhà cung cấp, cùng nhau tổ chức và cùng nhau đi các tour khép kín dạng như tour 0 đồng” - ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chủ tịch Hội Lữ hành Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành Hội An (Hoi An Travel) thông tin.

Lượng tăng trưởng dòng khách từ châu Âu, Bắc Mỹ đến Hội An thời gian qua có dấu hiệu chững lại, cùng với đó là xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn khiến các tour tại Hội An cho dòng khách này của các hãng lữ hành bị giảm sút mạnh. Ngoài ra cũng khiến các cơ sở bán đồ lưu niệm, cơ sở may mặc bị ảnh hưởng đáng kể. Được biết, tại Hội An hiện có hơn 50 đơn vị kinh doanh lữ hành nhưng đã có khoảng 40 đơn vị là công ty du lịch chuyên về Cù Lao Chàm. “Hầu hết đơn vị lữ hành trên địa bàn không khai thác được dòng khách trực tiếp mà làm các tour dịch vụ kiểu như “global tour” và những tour làm lại cho các công ty lữ hành, dẫn đến việc chưa khai thác được nhiều tour xuyên Việt hoặc đi ra nước ngoài cung cấp cho dòng khách ở hai miền đất nước” - ông Nguyễn Trọng Tuấn chia sẻ. Trong khi đó một khó khăn khách quan được nhiều đơn vị lữ hành địa phương phản ánh nằm ở chỗ khi có nhu cầu tổ chức tour, tâm lý của người dân Hội An nói riêng và cả Quảng Nam nói chung muốn chọn các đơn vị lữ hành ở TP.Đà Nẵng, tuy công ty lữ hành địa phương vẫn tổ chức được các đoàn khách tốt với giá cạnh tranh.

Cải thiện năng lực

Một thực trạng đáng buồn đối với ngành lữ hành địa phương là việc các đơn vị tự phá giá, nhất là các đơn vị lữ hành ở Cù Lao Chàm, dẫn đến giá cả biến động, dịch vụ không đảm bảo chất lượng khiến khách hàng mất lòng tin. Ông Nguyễn Trọng Tuấn cho rằng các đơn vị kinh doanh, lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan cần có sự kết nối để có mức giá phù hợp, tạo ra lợi thế thu hút khách hàng. Các đơn vị lữ hành địa phương nên có những nhóm để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi về giá thành thì mới tăng được sức cạnh tranh. “Trong thời gian tới chúng ta phải ngồi lại để bàn bạc định hướng cụ thể hơn bởi sản phẩm du lịch Cù Lao Chàm là sản phẩm rất đặc trưng nhưng hiện bị khai thác quá “nóng”, chưa mang tính bền vững” - ông Tuấn nói. Trong khi đó, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định: “Các doanh nghiệp lữ hành ở địa phương hiện mới chỉ khai thác được phần “ngọn” và bỏ ngỏ rất nhiều tiềm năng. Ngoài phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm hay Mỹ Sơn, các đơn vị lữ hành cần chủ động khai thác các điểm du lịch phía tây của tỉnh để giảm áp lực cho di sản, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú của du khách”.

Bên cạnh các rào cản tự thân các đơn vị lữ hành địa phương cần cải thiện, có thể thấy được không ít vướng mắc về cơ sở hạ tầng, dịch vụ là trở ngại chung cho ngành du lịch của địa phương. Về các khu nghỉ dưỡng tại Hội An, thị trường khách 3 sao khá ít (các khách sạn chủ yếu 4 đến 5 sao hoặc dưới 3 sao), nên khi làm tour các hãng lữ hành khá khó khăn trong việc lựa chọn dòng khách 3 sao đến Hội An. Việc thiếu hụt và biến động đội ngũ lao động lành nghề trong kinh doanh lữ hành, khách sạn cũng là một vướng mắc để phát triển bền vững hoạt động lữ hành. Trong khi đó, tác động của tự nhiên dẫn đến bồi lấp, xói lở một số đoạn sông, rạch, biển cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thiết kế tour, tuyến du lịch đặc trưng của địa phương. Theo ông Lê Hồ Phước Vĩnh - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Lê Nguyễn (Hội An), với xu hướng khách du lịch đường sông ngày càng tăng thì việc khơi thông sông Cổ Cò trong tương lai sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành tạo thêm một lộ trình, sản phẩm độc đáo và giúp đa dạng thêm sản phẩm cho cả địa phương lẫn đơn vị.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN