Dự án khai thác vàng Bồng Miêu: Tiền mất, tật mang
Tài sản của nhà máy vàng Bồng Miêu (thuộc Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu) sau khi tuyên bố phá sản đến thời điểm này các con nợ vẫn chưa thu hồi; trong khi đó việc đóng cửa mỏ phục hồi môi trường gặp khó khăn do chưa đủ kinh phí.
Chậm đóng mỏ, Bồng Miêu là điểm nóng của khai thác vàng trái phép. |
Mất trắng tài sản
Theo báo cáo tài chính, tổng tài sản của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu hơn 302 tỷ đồng, trong khi tổng nợ doanh nghiệp này phải trả hơn 1.200 tỷ. Cuối năm 2018, TAND tỉnh đã thông qua nghị quyết về phương án phá sản đối với doanh nghiệp này. Kết quả kiểm kê gồm cơ sở hạ tầng, nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị đã qua sử dụng, hàng tồn kho, phế liệu có khả năng thu hồi có giá trị hơn 34,8 tỷ đồng (gồm tài sản đảm bảo hơn 25,4 tỷ đồng và tài sản không đảm bảo hơn 9,4 tỷ đồng). Với việc thông qua phương án phá sản, doanh nghiệp này sẽ bị thanh lý tài sản để trả cho các chủ nợ, nhưng trên thực tế tài sản của doanh nghiệp này không còn đáng giá bao nhiêu so với số nợ của họ.
Chính quyền xã Tam Lãnh (Phú Ninh) xác nhận, sau khi tuyên bố phá sản, công ty hầu như không có một hoạt động nào để khắc phục hiện trạng, hoàn thổ môi trường theo đúng quy định đối với 230ha khai thác lộ thiên. Theo giấy phép, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu được cấp 365ha, nhưng có hơn 100ha không quản lý, bảo vệ trên thực tế nên bị người dân địa phương và đối tượng lợi dụng khai thác vàng trái phép. Riêng tiền nợ thuế hơn 108 tỷ đồng của công ty, theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh là không có khả năng thu hồi. Món nợ hơn 800 tỷ đồng với hàng chục chủ nợ của doanh nghiệp này cũng khó được thanh toán.
Ông Bùi Ngọc Lượng - Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhật Minh, chủ nợ của Công ty Bồng Miêu cho biết, tài sản sau khi phá sản của công ty được định giá gần 35 tỷ đồng nhưng trên thực tế không dễ thu hồi được tài sản. Theo quy định, những chủ nợ có bảo lãnh, bảo đảm sẽ được thanh toán trước; còn thừa mới đến lượt các chủ nợ không có bảo đảm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm này vẫn chưa có chủ nợ nào thu hồi một phần tài sản của công ty.
Chậm đóng cửa mỏ
Tháng 12.2018, Bộ TN&MT có công văn đề nghị UBND tỉnh có ý kiến đối với đề án đóng cửa mỏ sau khi đơn vị tư vấn đã chỉnh sửa; đồng thời đề nghị tỉnh bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2019, trình HĐND cùng cấp thông qua làm cơ sở bổ sung kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ, mức kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Và cuối năm 2018, tỉnh tổ chức lấy ý kiến về giải pháp kỹ thuật và đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ các hạng mục cần thiết và đơn giá sử dụng trong đề án. UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ TN&MT bố trí ngân sách để đảm bảo thực hiện đề án vì đây là đề án do bộ này làm chủ đầu tư. Theo quy định, cơ quan nào cấp phép đương nhiên là chủ đầu tư dự án. Bộ TN&MT là cơ quan cấp phép nên phải bố trí ngân sách thực hiện đề án (19 tỷ đồng). Khó khăn chậm đóng cửa mỏ thời gian qua do kinh phí chưa biết lấy từ đâu. Tiền ký quỹ phục hồi môi trường (trong đó có hạng mục đóng cửa mỏ) của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu chỉ có 6,4 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề xuất: “Tỉnh kiến nghị xin ý kiến Chính phủ theo hướng đồng ý cho sử dụng nguồn sự nghiệp môi trường của Bộ TN&MT, bổ sung 13 tỷ đồng để đảm bảo đủ kinh phí để đóng cửa mỏ vàng”.
Ngày 6.3, UBND tỉnh có Công văn (số 1120) gửi Bộ TN&MT, nội dung cho rằng, đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đang được Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt. Qua các đề án đã gửi lấy ý kiến, UBND tỉnh xét thấy đề án đã đưa ra nhiều hạng mục, khối lượng công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường khá đầy đủ, xử lý gần như triệt để các vấn đề về môi trường, chất thải nguy hại... Tuy nhiên, trên cơ sở số tiền ký quỹ của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu tại Kho bạc Nhà nước huyện Phú Ninh không đủ so với mức tổng kinh phí đề án đưa ra (hơn 6,4 tỷ đồng/hơn 19 tỷ đồng), UBND tỉnh đề nghị Bộ TN&MT quan tâm, xem xét, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh các hạng mục, khối lượng công tác đóng cửa mỏ, trong đó chỉ để lại các hạng mục thật sự cần thiết, những hạng mục có thể để địa phương tái sử dụng như cơ sở vật chất, văn phòng làm việc... có thể cắt giảm nhằm giảm bớt chi phí đóng cửa mỏ. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng thống nhất việc xử lý, cải tạo khu vực đập thải thành hồ dự trữ nước phục vụ tưới tiêu vào mùa khô như đề án đã nêu để hạn chế chi phí đóng cửa mỏ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng cho rằng, đối với việc bổ sung ngân sách để thực hiện đề án, UBND tỉnh đề nghị Bộ TN&MT là cơ quan chủ đầu tư dự án bố trí ngân sách để đảm bảo thực hiện đề án; đồng thời xét thấy đây là khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được xử lý chất thải nguy hại (từ các bãi thải và các khu vực khai thác khoáng sản trái phép). Chính quyền tỉnh đề nghị Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường cấp cho bộ sử dụng trong việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để bổ sung kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.
Không ít ý kiến không đồng tình việc dùng tiền ngân sách thực hiện đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, bởi để đưa nhà máy vàng hoạt động, doanh nghiệp chịu giám sát bởi nhiều cơ quan chức năng. Vì vậy, để xảy ra tình trạng này là lỗi của các cơ quan giám sát.
TRẦN HỮU