Hiệu quả từ những mô hình sinh kế
Sau 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu dữ trữ sinh quyển thế giới (2009 - 2019), nhiều mô hình sinh kế cộng đồng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong khu sinh quyển.
Tour câu cá và khám phá san hô Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.H |
Mô hình sinh kế
Những ngày đầu năm mới, nông dân Lê Nhương (thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh) bận bịu với đoàn khách đến từ Hà Nội. Vừa sản xuất rau hữu cơ, ông vừa làm hướng dẫn viên cho du khách trồng rau và tham quan cụm di tích quanh làng. “Tôi là nông dân trực tiếp tham gia tour du lịch cộng đồng này. Phát triển du lịch cộng đồng đem lại lợi ích cho nông dân trong khu vực, kể cả bản thân và gia đình có thu nhập tăng thêm trong phần sản xuất nông nghiệp. Mô hình phát triển phù hợp với địa phương, chủ trương của thành phố là phát triển du lịch cộng đồng, quan tâm đến đời sống của bà con nông dân” - ông Lê Nhương chia sẻ.
Nhiều năm qua, với lợi thế về cảnh quan, các hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học tại khu vực rừng dừa nước, người dân địa phương đã phát huy thế mạnh và sức cạnh tranh trong việc tổ chức các dịch vụ du lịch sinh thái gắn liền với thiên nhiên. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trong rừng dừa nước Cẩm Thanh đã và đang tạo sinh kế bền vững. Không những thế, tại các làng quê sinh thái và trong khu phố cổ, mô hình lưu trú trong nhà dân được cộng đồng chú trọng phát triển. Đây là một nét độc đáo trong chiến lược thu hút và tăng giá trị trải nghiệm của khách khi đến với khu sinh quyển. “Tôi trở lại lần thứ 2 vì khung cảnh nơi đây quá tuyệt vời. Còn Hội An là một nơi yên lành đến lạ, tôi thích nơi này với cuộc sống bình an, con người thân thiện” - bà Daniel, du khách Canada lưu trú tại một homestay ở Cẩm Châu chia sẻ.
Để xây dựng các mô hình sinh kế, địa phương và các ngành chức năng đã tổ chức tập huấn cho cộng đồng các kỹ năng tổ chức dịch vụ du lịch, đăng ký kinh doanh, hướng dẫn viên, tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương… “Nhiều tổ cộng đồng đã được thành lập, từ cộng đồng “Nói không với túi ny lon” khởi đầu tại đảo Cù Lao Chàm đến việc phân loại rác tại nguồn trên toàn thành phố đã góp phần gìn giữ môi trường xanh sạch đẹp, tạo được sự cảm mến và ấn tượng cho du khách” - TS.Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) nói.
Phát triển bền vững
Với sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu và Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai, người dân Cù Lao Chàm đã tự đứng ra thành lập tổ cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua đá dưới sự quản lý của chính quyền và sự tư vấn của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn. Đến nay, sản phẩm cua đá Cù Lao Chàm được niêm yết giá bán ra thị trường và được tuân thủ quy trình khai thác, quản lý rất chặt chẽ. Còn một mô hình đầu tiên của Việt Nam trong việc giao quyền quản lý, khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng, đó là mô hình Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương - Cù Lao Chàm. Thành lập từ đầu năm 2011 đến nay, cộng đồng thôn Bãi Hương đã được tập huấn, đào tạo về các kỹ năng truyền thông, kỹ năng làm du lịch sinh thái, đặc biệt là làm chủ được quy trình phục hồi san hô cứng bằng phương pháp tách ghép tập đoàn, vừa phục hồi san hô vừa mở tour du lịch khám phá cho du khách. Ông Trần Hoàn - Phó Ban quản lý Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương - Cù Lao Chàm cho rằng, phải giữ gìn đa dạng hệ sinh thái mới có thể khai thác đạt hiệu quả bền vững: Giữ được rạn san hô thì du khách mới đến tham quan, du lịch. Thứ hai là bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Khi bảo tồn thì bà con có lợi ích kinh tế, từ đó sẽ tích cực tham gia bảo tồn. Trước đây, ai dám mơ có thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng đâu.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố - Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, sau 10 năm được UNESCO công nhận danh hiệu, Ban Quản lý khu sinh quyển đã cùng với cộng đồng thực hiện tốt các kế hoạch bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, đồng thời phát triển kinh tế thủy sản theo hướng tiếp cận bảo tồn hệ sinh thái tối ưu. Ba trụ cột quan trọng tạo lập giá trị đặc trưng độc đáo của khu sinh quyển là tài nguyên và sinh cảnh thủy sinh biển, tài nguyên và sinh cảnh rừng tự nhiên, phong phú các di sản văn hóa bản sắc phố cổ và làng chài trên đảo, ngày càng được bảo tồn, tôn tạo và gia tăng giá trị. “Đã có những bước chuyển mình tốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua phát triển du lịch, đến bây giờ đời sống và thu nhập của bà con trên đảo Cù Lao Chàm nằm trong nhóm cao nhất của Quảng Nam. Bên cạnh sự phát triển kinh tế cũng như sự thịnh vượng của người dân thì công tác bảo tồn trong khu sinh quyển được đặc biệt quan tâm” - ông Nguyễn Thế Hùng nói.
QUỐC HẢI