Tín dụng chính sách xã hội: Siết chặt kiểm soát nợ

VIỆT NGUYỄN 25/01/2019 07:02

Kiểm soát, xử lý nợ quá hạn, nợ khoanh đang đặt ra nhiều giải pháp thiết thực để Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam nâng cao chất lượng tín dụng CSXH.

Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam làm việc với UBND phường An Mỹ để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: QUANG VIỆT
Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam làm việc với UBND phường An Mỹ để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: QUANG VIỆT

Áp lực nợ quá hạn

Vốn vay CSXH trên địa bàn thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) có 2 trường hợp nợ quá hạn nhưng không thể khoanh nợ, thu hồi nợ vào thời điểm này. Hộ ông Nguyễn Quý (khối phố Thuận An, thị trấn Đông Phú) vay 40 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quế Sơn để đầu tư sản xuất nhưng không may qua đời đột ngột. Suốt thời gian dài, ngành chức năng của huyện, thị trấn vận động các con của ông Quý trả nợ thay cha nhưng không thu được kết quả. Cũng ở khối phố Thuận An, gia đình bà Nguyễn Thị Châu còn nợ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quế Sơn 33 triệu đồng nhưng không trả nợ bấy lâu nay. Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND thị trấn Đông Phú cho biết, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh tiếp tục vận động các con ông Quý trả nợ trong thời gian đến còn trường hợp bà Châu đã phải kiện ra tòa án cấp huyện.

Tại phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ), có 6 hộ dân vay vốn CSXH với tổng số tiền là 45 triệu đồng nhưng đã không trả nợ và bỏ đi khỏi địa phương. Cả 6 hộ trên đã được Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam khoanh nợ. Ông Trương Ngọc Hải - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường An Mỹ cho biết, qua phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, địa phương đã tìm ra địa chỉ của 2 trong số 6 hộ dân nói trên, vận động họ trả nợ ngân hàng nhưng rất khó vì ở xa xôi. “Địa phương đề xuất tỉnh có cơ chế xử lý rủi ro đối với tín dụng CSXH. Các hộ đã bỏ đi, địa phương không biết tìm địa chỉ của họ ở đâu để vận động trả nợ” - ông Hải nói.

Trong năm 2018, toàn tỉnh chỉ có các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn và TP.Hội An là không có nợ quá hạn. Ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, nợ quá hạn trên địa bàn chỉ chiếm 0,075%, thấp so với quy định chung là 2%. Để xử lý nợ quá hạn, nợ khoanh, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng và các hội, đoàn thể tiếp tục nhắc nhở các hộ dân trả nợ đúng hạn trong thời gian đến. Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, tổng nợ quá hạn, nợ khoanh trong năm 2018 của toàn tỉnh là gần 6 tỷ đồng, chiếm 0,13% tổng dư nợ, trong đó, nợ quá hạn là xấp xỉ 1,6 tỷ đồng chiếm 0,04% tổng dư nợ. Năm qua, đã thu hồi nợ của 128 hộ dân bỏ đi khỏi nơi cư trú với số tiền gần 3 tỷ đồng. Đến nay, vẫn còn 178 khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú, chưa trả số nợ gần 3,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,07% tổng dư nợ.

Xử lý nợ

Theo ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam, năm qua đã tập trung nhiều giải pháp để xử lý nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan. Qua đó, tham mưu tỉnh, Trung ương quyết định xóa 144 nợ vay với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, xóa nợ gốc hơn 1,4 tỷ đồng. Đồng thời khoanh 107 nợ vay với số tiền gốc khoanh nợ vay hơn 3 tỷ đồng. Trong năm 2019, công tác kiểm tra, giám sát sẽ được tiến hành thường xuyên ở 18 huyện, thị xã, thành phố nhằm nắm bắt chặt chẽ tình hình sử dụng vốn vay của các hộ dân, phân tích nguyên nhân các hộ dân để nợ quá hạn, có giải pháp sát với từng khoản nợ xấu. Các hộ dân để nợ lãi tồn đọng cao, các hộ chây ỳ trả nợ sẽ được vận động trả nợ trong thời gian đến. “Đề nghị các cấp chính quyền ở huyện, xã cần vào cuộc mạnh mẽ hơn cùng với Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam quản lý chặt tín dụng CSXH nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp khách hàng còn dư nợ, không chịu trả nợ, bỏ đi khỏi nơi cư trú. Đối với các trường hợp bỏ đi khỏi nơi cư trú, đơn vị phối hợp với các cấp xác minh địa chỉ của họ để thu hồi vốn vay” - ông Lam nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng tín dụng CSXH, giảm dần số nợ quá hạn, nợ khoanh. Bởi nguồn vốn này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Qua đối chiếu phân loại nợ, toàn tỉnh còn 357 hộ dân có dư nợ gần 5,5 tỷ đồng không có khả năng trả nợ, chiếm tỷ lệ 0,13%. Tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt thấp, mới chỉ chiếm tỷ lệ 74,1%. Các hộ đi khỏi nơi cư trú có địa chỉ không ổn định, sinh kế khó khăn nên khó trả được nợ. “Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể của nông dân, phụ nữ, thanh niên... đẩy mạnh hoạt động giao dịch ở các cấp. Các tổ tiết kiệm và vay vốn cần củng cố, kiện toàn lại, tăng nhiệt huyết để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nợ, thu hồi nợ, gửi tiết kiệm, tạo quay vòng nguồn vốn vay của người dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN