Chiếu cói Duy Vinh
Gắn bó với nghề dệt chiếu hơn 40 năm, bà Trần Thị Giang (thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) cho biết, ngoài việc canh tác vài sào lúa để đảm bảo lương thực, tranh thủ thời gian rảnh rỗi gia đình bà tham gia dệt chiếu. Trước đây dệt thủ công, mặc dù thu nhập không cao nhưng nghề này cũng đã góp phần trang trải cuộc sống. Còn sau này, nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất nên sản lượng và chất lượng chiếu cói ở Duy Vinh được cải thiện đáng kể. Trước đây, trung bình mỗi ngày một lao động chỉ dệt được khoảng 2 chiếc chiếu thì hiện nay nhờ đầu tư máy móc nên mỗi người có thể dệt 8 - 10 chiếc. Như gia đình ông Đỗ Văn Phú ở thôn Vĩnh Nam đầu tư 4 máy dệt hiện đại, xây dựng lò hấp, sấy và mua nguyên liệu từ các nơi khác về dự trữ để phục vụ cho việc sản xuất chiếu cói. Hằng tháng, cơ sở của ông Phú dệt được khoảng 700 - 900 chiếc chiếu đủ kích cỡ, màu sắc, hoa văn cung ứng ra thị trường. Bình quân mỗi tháng ông Phú lãi ròng khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở của ông còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương với mức thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù vậy, hiện nay nghề dệt chiếu cói ở Duy Vinh đang phải đối diện với không ít khó khăn. Trước đây, địa phương có không dưới 100ha đất chuyên canh cây cói để phục vụ nghề dệt chiếu. Tuy nhiên, hiện giờ diện tích cói ở địa phương đã giảm xuống còn dưới 30ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Trà Đông, Vĩnh Nam, Hà Thuận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là những năm qua rất nhiều cánh đồng cói bị ngăn nước mặn - cấp nước ngọt khiến các loại cỏ dại mọc um tùm. Dự báo, thời gian tới rất nhiều khả năng diện tích đất trồng cói của Duy Vinh sẽ tiếp tục giảm mạnh và nghề dệt chiếu truyền thống bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu chắc chắn sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, hiện toàn xã có khoảng 100 hộ dân làm nghề dệt chiếu, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương. Phần lớn người dân dệt chiếu ở Duy Vinh sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún tại hộ gia đình chứ chưa liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, vì thế đầu ra của sản phẩm vẫn còn bấp bênh, dẫn đến nguồn thu nhập chưa được cải thiện. “Trong thời gian đến, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các ngành liên quan ở huyện Duy Xuyên tăng cường quản lý, khai thác nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tích cực tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ… để các sản phẩm chiếu cói tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Bên cạnh đó, mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm giúp người dân nâng cao tay nghề, đa dạng hóa mẫu mã và hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư mua sắm máy móc tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất. Đặc biệt, Duy Vinh cũng sẽ tiến hành đăng ký nhãn hiệu và quyết tâm xây dựng chiếu cói trở thành sản phẩm của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương vừa duy trì, phát triển nghề truyền thống vừa phục vụ du lịch, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân” - ông Sáu cho hay.
NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH