Điện Bàn đa dạng sản phẩm OCOP
Với tiềm năng và lợi thế vốn có, thị xã Điện Bàn hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.
Sản phẩm mây tre đan của Hợp tác xã Thương mại Điện Thọ rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: H.N |
Thế mạnh mây tre đan
Hiện nay các sản phẩm từ tre ở Điện Bàn sản xuất chủ yếu ở khối phố Câu Nhi Đông (phường Điện An) rất được ưa chuộng trên thị trường, nhất là tại những khu du lịch sinh thái do mẫu mã đẹp và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, những năm gần đây, khi du lịch phát triển mạnh, du khách nước ngoài thường ghé đến tham quan, người dân địa phương này sản xuất chủ yếu các mặt hàng tre mỹ nghệ, bình quân 400 - 600 sản phẩm/tháng, mang về doanh thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 lao động. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người dân khối phố Câu Nhi Đông mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, thay đổi tư duy sản xuất để cho ra đời những sản phẩm mới lạ.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc sản xuất các loại sản phẩm từ tre là nguồn nguyên liệu ở địa phương đang giảm dần, vì thế người dân phải thu mua tre từ các tỉnh khác khiến giá đầu vào của sản phẩm tăng. Cạnh đó, quy trình sản xuất vẫn còn thô sơ nên giảm tính cạnh tranh, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp. Do vậy, thời gian đến, chính quyền thị xã Điện Bàn sẽ phối hợp với các ngành liên quan mở các khóa đào tạo thiết kế mẫu mã sản phẩm và tích cực hỗ trợ người dân tìm kiếm, tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm...
Trong khi đó, những ngày cận Tết Kỷ Hợi này, không khí làm việc tại cơ sở sản xuất mây tre đan của Hợp tác xã Thương mại Điện Thọ cũng hết sức khẩn trương. Mỗi người mỗi công đoạn khác nhau từ phơi, chẻ nan, luộc hoặc sấy mây đều rất thuần thục. Để cho ra đời một sản phẩm tinh xảo từ mây tre phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn của người thợ. Thêm vào đó, mây dễ bị mọt ăn nên khâu xử lý nguyên liệu cũng hết sức quan trọng. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hợp tác xã liên tục đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc để cắt mây, nhuộm vành nhằm tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, giữ được lâu, bền, đẹp theo thời gian. Nhờ vậy, những sản phẩm mây tre đan do Hợp tác xã Thương mại Điện Thọ sản xuất đã tạo chỗ đứng nhất định trên thị trường và được cấp con dấu xác thực. Những sản phẩm của đơn vị không chỉ phục vụ cho nhu cầu nội địa mà còn có mặt ở nhiều tỉnh thành, các khu resort, khách sạn, nhà hàng trong cả nước như Huế, Đà Nẵng, thậm chí là xuất khẩu sang các nước châu Âu. Hiện nay, bình quân mỗi năm Hợp tác xã Thương mại Điện Thọ sản xuất khoảng 38.000 sản phẩm, đạt tổng doanh thu gần 2 tỷ đồng.
Xây dựng sản phẩm OCOP
Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, việc sản xuất mây tre đan đã có từ khá lâu, tập trung ở các xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện Phong. Do thị hiếu của thị trường nên cách đây hơn 5 năm, các cơ sở tiếp nhận và bổ sung sản xuất các sản phẩm từ sợi nhựa giả mây được thu mua từ TP.Hồ Chí Minh, đảm bảo sản xuất ổn định quanh năm. Nghề này đang thu hút gần 200 lao động tham gia, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ có sản phẩm từ tre hay bàn ghế bằng mây, Điện Bàn hiện có khá nhiều mặt hàng có thể xây dựng, phát triển thành sản phẩm OCOP như bánh tráng Phú Triêm, nước mắm Hà Quảng, đúc đồng Phước Kiều, chiếu chẻ Triêm Tây, đất nung Lê Đức Hạ, dầu phụng Đất Quảng…
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho rằng, OCOP là chương trình rất thiết thực, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Để thực hiện thành công chương trình này, thời gian tới địa phương sẽ quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và quản lý chất lượng theo chu trình OCOP. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và tập trung phát triển thị trường gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả cho những chủ thể tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. “Hiện nay, sản phẩm đúc đồng Phước Kiều và chiếu chẻ Triêm Tây nằm trong Đề án phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020. Ngoài ra, các loại sản phẩm khác đều được gắn kết với các điểm và nhiều tuyến du lịch khác nhau. Để phát huy lợi thế này, sắp đến thị xã Điện Bàn sẽ tiếp tục nâng chất hệ thống hạ tầng nông thôn, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của khách du lịch, góp phần tạo điều kiện tốt để tiêu thụ, thúc đẩy các sản phẩm OCOP của địa phương phát triển, hướng đến phục vụ xuất khẩu” - ông Chơi nói.
HOÀI NHI