Thận trọng với thị trường thịt khô
(QNO) - Tết Nguyên đán đang cận kề, nhiều người bắt đầu đi mua những món tiện dụng như khô gà, bò khô, heo sấy... Tuy nhiên, trên thị trường tràn lan những thực phẩm không rõ nguồn gốc và có giá rất rẻ mà người dân cần cân nhắc trước khi mua.
Hầu hết tiểu thương ở chợ Tam Kỳ đều không biết nguồn gốc của loại thực phẩm khô mình đang bán. Ảnh: PHAN VINH |
Ghi nhận ở chợ Tam Kỳ, có đến hơn 20 quầy hàng bày bán sản phẩm thịt khô, đa số đều không có nhãn mác và với giá bán rất đa dạng. Cụ thể, sản phẩm khô gà có nhiều loại, dao động 160 - 200 nghìn đồng/kg; sản phẩm bò khô thì nhiều loại hơn, giá 110 - 650 nghìn đồng/kg.
Một tiểu thương ở chợ Tam Kỳ cho biết, khô gà loại rẻ tiền ăn sẽ bở và nhạt vị hơn loại đắc tiền; còn bò khô thì rất nhiều loại, nhưng bò búp nguyên lát là tốt nhất vì thịt dai và ngọt. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc của những sản phẩm này, đa số tiểu thương đều không biết vì mua qua thương lái, ai bán rẻ hơn thì lấy hàng của người đó.
Bà L.T.L. - chủ một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) cho biết, có loại bò khô giá mua vào chỉ 90 nghìn đồng/kg. “Tôi biết chắc chắn đây không phải là bò, có thể là thịt heo được sấy khô và tẩm gia vị giống như thịt bò, nhưng vẫn lấy hàng để bán vì nhu cầu khách hàng” - bà L. nói.
Để phục vụ nhu cầu của khách, tiểu thương phải nhập hàng giá rẻ để phân ra bán lẻ. Ảnh: PHAN VINH |
Được biết, trên thị trường hiện nay, giá 1kg thịt gà là 60 nghìn đồng, 1kg thịt heo 90 nghìn đồng, 1kg thịt bò nạt 250 nghìn đồng, 1kg bò búp 180 nghìn đồng. Một điều vô lý, để làm 1kg bò khô thì cần ít nhất 3kg thịt bò tươi, nhưng trên thị trường vẫn có loại bò khô khá rẻ, chỉ 110 nghìn đồng/kg.
Chị Nguyễn Thanh Thảo (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) chia sẻ, ngày tết, gia đình thường chọn thịt khô để đãi khách vì tiện dụng. Nhưng thay vì mua những sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, trích xuất nguồn gốc với giá cao thì chị lại chọn mua hàng với giá mềm hơn ở chợ. “Túi tiền của mình như vậy nên mua loại nào phù hợp. Tôi cũng rất muốn mua sản phẩm tốt nhưng không đủ khả năng. Với lại cả năm chỉ có vài ngày tết, dọn đãi khách cho phong phú chứ có ăn nhiều đâu” - chị Thảo nói.
Được biết, vừa qua tại các tỉnh phía Bắc, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm heo sấy, bò khô bị các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động vì không có giấy phép và sản xuất không đúng quy trình. Trong đó, có hành vi sử dụng thịt heo chết do dịch bệnh để làm các sản phẩm bò khô, heo sấy. Theo thông tin điều tra, thị trường chủ yếu của các cơ sở nói trên là các tỉnh vùng cao phía Bắc và các tỉnh miền Trung.
Một 1kg bò khô chỉ có giá 110 nghìn đồng, trong khi 3kg bò tươi để làm nên 1kg bò khô đã có giá hơn 700 nghìn đồng. Ảnh: PHAN VINH |
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, cứ mỗi dịp gần ngày lễ, đặc biệt là cuối năm, đơn vị thường tổ chức ra quân và chỉ đạo các địa phương chủ động ra quân kiểm tra hàng hóa về nguồn gốc, xuất xứ, nhất là thực phẩm. Tuy nhiên, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đại lý, cơ sở sản xuất vẫn qua mắt được cơ quan chức năng để đưa thực phẩm bẩn, kém chất lượng ra thị trường tiêu thụ.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức sử dụng thực phẩm, trong đó đặc biệt là thực phẩm khô vì qua nhiều khâu chế biến để khác với thịt tươi ban đầu. Nên mua và sử dụng những sản phẩm có bao bì, nhãn mác, dù có đắt hơn nhưng vẫn an toàn với sức khỏe của bản thân và gia đình” - ông Sơn nói.
PHAN VINH