Bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nghề mắm

VIỆT NGUYỄN 10/01/2019 02:35

Ngoài các thương hiệu nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) hay xã Tam Thanh (Tam Kỳ) đang thu hút khách hàng thì các làng nghề sản xuất nước mắm các xã Bình Minh (Thăng Bình), Duy Hải (Duy Xuyên), Điện Dương (Điện Bàn) lại khó cạnh trạnh trên thị trường vì không được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Nước mắm Cửa Khe đã bảo hộ sở hữu trí tuệ, được thị trường đón nhận. Ảnh: QUANG VIỆT
Nước mắm Cửa Khe đã bảo hộ sở hữu trí tuệ, được thị trường đón nhận. Ảnh: QUANG VIỆT

Khó tồn tại

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho rằng, sẵn sàng đón nhận mọi sản phẩm nước mắm trên địa bàn tỉnh đến mở quầy hàng buôn bán nếu đảm bảo chất lượng. Theo quan sát của chúng tôi tại siêu thị này, chỉ có 2 sản phẩm nước mắm đã khẳng định thương hiệu vào kinh doanh là nước mắm Cửa Khe và nước mắm Tam Thanh. Hai sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chứng nhận nhãn hiệu. Sự khác biệt của sản phẩm nước mắm khi buôn bán ở siêu thị và các chợ là giá trị kinh tế thu được chênh nhau đến vài nghìn đồng/lít. Nhiều khách hàng cho biết, rất muốn mua, sử dụng các thương hiệu nước mắm đã chứng nhận nhãn hiệu được bày bán ở siêu thị với giá cao thay vì mua ở các chợ, các làng nghề truyền thống dù giá thấp hơn vì yên tâm chất lượng thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, nước mắm Duy Hải có tiếng thơm lâu đời nhưng đầu ra bấp bênh vì sản phẩm chưa được chứng nhận nhãn hiệu, chưa được xác nhận thương hiệu. Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô khá lớn như “Sĩ Liên” hay “Duy Trinh” ở thôn An Lương (Duy Hải) chưa chú trọng quảng bá thương hiệu, không mặn mà tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm dù được xã, huyện khuyến khích.

Chỉ riêng tại huyện Thăng Bình, trong khi nước mắm Cửa Khe rộn rã sản xuất, vận chuyển cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh thì nước mắm Bình Minh vốn nổi tiếng không kém lại đang bế tắc. Nhiều hộ sản xuất nước mắm ở thôn Hà Bình (Bình Minh) than vãn không tiếp cận được thị trường, chỉ có vài người dân quê thỉnh thoảng tới hỏi mua về dùng, nhu cầu rất ít, sức mua yếu nên dễ bỏ nghề. Chị Nguyễn Thị Huệ - chủ hộ sản xuất nước mắm ở thôn Hà Bình cho biết, nguyên liệu sản xuất nước mắm là cá cơm có giá rất cao nên nhiều khi bán nước mắm bị lỗ. Theo UBND xã Bình Minh, do sản xuất nhỏ lẻ nên nước mắm ở Bình Minh có giá cao, trong khi đó thị trường tràn ngập các loại nước mắm từ bình dân đến hảo hạng với giá rẻ hơn nên các hộ không cạnh tranh nổi, làng nghề tụt hậu, nguy cơ tàn lụi rất lớn. Tương tự, nước mắm Điện Dương cũng có tiếng trong quá khứ nhưng đang rơi vào quên lãng vì không cạnh tranh nổi trên thị trường.

Cần bảo hộ

Theo ông Trương Anh Thùy - Trưởng phòng Khuyến công (Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam - Sở Công Thương), trước đây ngành có hỗ trợ một số thiết bị, máy móc lọc nước mắm cho các hộ sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn nhưng không phát huy hiệu quả bởi người dân muốn duy trì cách sản xuất thủ công. Đó là một trong những điểm yếu khiến cho các làng nghề sản xuất nước mắm ngày càng khó cạnh tranh trên thị trường bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Một điểm yếu khác là người dân không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào, nếu thiếu cá cơm họ thay thế bằng loại cá khác không đạt chất lượng. “Nước mắm được sản xuất trên địa bàn tỉnh mới chỉ thông thương trên thị trường trong nước. Nhiều tỉnh, thành khác chú trọng xuất khẩu nước mắm thay vì quẩn quanh thị trường nội địa. Vấn đề là chúng ta chưa quan tâm nhiều đến chuyện thương hiệu nước mắm, chưa thấy tầm quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm nước mắm để đầu tư bài bản, quy mô, quy củ hơn” - ông Thùy cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thống đề xuất, các cơ quan chức năng của tỉnh, nhất là Sở KH-CN cần tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nước mắm. Trước mắt, ngành chức năng cần có các dự án, mô hình mẫu về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu sản xuất nước mắm triển khai thí điểm rồi nhân rộng trên toàn tỉnh làm cơ sở để sản phẩm nước mắm được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ông Thống cho rằng, trong xu thế hội nhập mà người dân vẫn giữ kiểu sản xuất nước mắm cũ kỹ là quá lạc hậu và lãng phí. Để nâng cao giá trị kinh tế thu được từ nước mắm thì tỉnh cần có cơ chế thu hút đầu tư để doanh nghiệp liên kết với người dân sản xuất nước mắm bài bản, khoa học. Công tác xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh để mở rộng thị trường.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN