Làng trống Lâm Yên vào vụ tết
Những ngày cuối năm, về làng trống Lâm Yên (thôn Ấp Nam, xã Đại Minh, Đại Lộc) từ đầu đường đã thấy rộn ràng không khí tết. Người làm nghề đang tất bật bên những chiếc trống sẽ dự phần vào các lễ hội ngày xuân...
Việc mở hướng đi riêng cho làng nghề đã giúp làng trống Lâm Yên hồi sinh, phát triển. |
Hồi sinh
Ông Phan Văn Hai (70 tuổi), với hơn 50 năm theo nghề, được xem là người có thâm niên gắn bó với nghề làm trống lâu nhất làng. Mùa tết năm nay gia đình ông không chỉ nhận làm trống lẻ mà còn bận rộn với những đơn hàng cao cấp khác, đó là những chiếc mỏ từ gỗ nguyên khối. So với trống, mỏ giá cao hơn, tùy loại lớn nhỏ mà thời gian làm trên dưới 10 ngày. Bình quân một cái mỏ đường kính từ 50 – 70cm có thể bán từ 100 – 150 triệu đồng. Gần 10 năm về trước, khi làng trống lao đao trước sự cạnh tranh, biến động của thị trường, người con trai của ông Hai đang sống ở Kon Tum nảy ra ý tưởng chuyển hướng sang làm mỏ, vì Kon Tum có nhiều loại gỗ mít lớn phù hợp. “Ban đầu nghĩ làm mỏ để đa dạng hóa sản phẩm duy trì làng nghề, nên chỉ làm vài cái chào hàng, khi có khách đặt thì mình tìm cây thuê thợ làm. Nhưng không ngờ khách thích, vài năm gần đây mỏ bán được nhiều, riêng năm 2018 cũng bán được hàng chục cái cỡ lớn, một số đơn hàng đang tiếp tục thực hiện” - ông Hai cho biết.
Sau những ngày ủ dột mưa lạnh, tranh thủ trời nắng ông Hai mang những bó tang trống, da trâu trên gác ra phơi. Ông nói: “Mấy cái ni mình phải chuẩn bị trước để làm cho kịp đơn hàng ra giêng giao các nhà thờ tộc họ cúng xuân”. Theo ông Hai, dù so với mấy năm trước sản phẩm bán ra không mạnh bằng nhưng nếu bám vẫn có thể sống được với nghề. Bình quân một tháng xưởng ông xuất ra thị trường khoảng 10 cái trống. Trong đó, trống đặt hàng đường kính 0,65m, cao 1m trở lên giá 6 triệu đồng, ông có thể thu lãi hơn 1 triệu đồng. “Nhờ nghề làm trống này mà tôi nuôi mấy đứa con đi học đại học. Nói chung, nghề bây giờ đỡ rồi, nên nếu bám nghề đến cùng thì dư sống. Nói thật, bây giờ không sợ mất nghề nữa. Tôi có nghỉ thì 2 đứa con trai và cháu nội cũng tiếp tục theo nghề” - ông Hai cho biết thêm.
Đồng tình với ý kiến ông Hai, ông Phan Văn Lâm (cháu gọi ông Hai bằng chú) chia sẻ, bình quân một tháng ông kiếm được 15 triệu đồng, đủ chi phí cho gia đình ở vùng quê này. “Tôi có 3 đứa con vẫn khuyến khích tụi nó ở nhà làm nhưng tụi nó lại thích làm chuyện khác. Chứ cái nghề này nếu siêng năng thì vẫn kiếm tiền tốt” - ông Lâm nói. Bây giờ ông Lâm chủ yếu sửa trống, công việc này dễ dàng, thời gian ngắn, thu nhập cũng ổn định hơn.
Mở hướng làng nghề
Lịch sử làng trống Lâm Yên tính đến nay cũng hơn 200 năm. Bí quyết tạo nên thương hiệu của làng nghề chính là khâu chọn lựa gỗ để làm tang trống, da trâu không quá già và có độ dày đều nhau. Đặc biệt, khâu bịt trống đóng vai trò rất quan trọng nhằm cho chiếc trống hoàn hảo về độ bền, cũng như âm thanh giòn, vang xa. Đến nay, sản phẩm trống Lâm Yên đã hiện diện khắp nơi. Theo ông Lâm, bây giờ làm trống nhẹ nhàng, tất cả đều có máy móc hỗ trợ, không còn thủ công như xưa nữa. Thị trường, khách hàng cũng dần ổn định. Từ tháng 11, tháng chạp âm lịch là vào mùa làm để bán cho nhà thờ, đây cũng là “vụ” chính, sang tháng 5, 6 trữ hàng cho Trung thu rồi làm trống trường học, khai giảng 2.9. “Tất nhiên, có cạnh tranh, nhưng đó cũng bình thường, quan trọng là mình có sản phẩm tốt, khách hàng quen và hướng đi riêng. Do đó, không chỉ bây giờ mà kể cả sau này, nghề làm trống vẫn tồn tại và sống khỏe” - ông Lâm nhìn nhận.
Tại làng trống Lâm Yên hiện còn khoảng 4 gia đình theo nghề thường xuyên, mỗi người dường như đang tìm lối đi riêng cho mình. Nếu như ông Hai phát triển thêm nghề làm mỏ, ông Lâm chủ yếu nhận sửa trống thì ông Phan Văn Hiệp chuyên làm trống dăm bán cho các chùa chiền. Đó là những cái trống to, tang trống là những cây gỗ rỗng ruột (cây bộng). Tùy thuộc vào vật liệu tang trống, mỗi tháng ông Hiệp có thể làm từ một đến vài cái, ít thì giá 10 triệu đồng, nhiều thì 30 – 40 triệu đồng. Thông thường làm một cái trống dăm sẽ trong vòng 5 ngày, nhưng khó khăn nhất chính là thiếu cây bộng làm tang trống. Tuy nhiên, ông Hai cho rằng, điều đó không đáng lo, vì dù sao làng cũng đã chọn được hướng đi phù hợp để phát triển nghề. “Mấy năm gần đây thì tốt rồi, cứ đà này thì làng Lâm Yên làm sao mất được, mình cứ tập trung làm tốt, giữ uy tín khách hàng, phát triển thêm mẫu mã thì trống Lâm Yên sẽ vang xa, lo gì mai một” - ông Hai tâm sự.
KHÁNH LINH