Trái cây ngoại lấn hàng trong nước

VIỆT NGUYỄN 26/12/2018 02:08

Trong khi nông hộ trên địa bàn tỉnh loay hoay xoay xở tìm đầu ra cho dưa hấu, thơm, mít, bưởi... thì nhiều loại trái cây ngoại nhập được bán phổ biến trên thị trường.

Chị Võ Thị Mộng Quyên cân táo Trung Quốc để bán cho khách hàng. Ảnh: QUANG VIỆT
Chị Võ Thị Mộng Quyên cân táo Trung Quốc để bán cho khách hàng. Ảnh: QUANG VIỆT

Chị Võ Thị Mộng Quyên (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) có thâm niên hơn 10 năm kinh doanh tại chợ TP.Tam Kỳ cho biết, người tiêu dùng luôn hỏi các loại trái cây có nguồn gốc từ nước ngoài để mua nên phải nhập về bán. Tại quầy hàng của chị Quyên, có bán táo của Mỹ với giá 80 nghìn đồng/kg, các loại táo, lê, hồng của Trung Quốc được bán với giá 45 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, táo Đà Lạt chỉ bán với giá 35 nghìn đồng/kg. Chị Quyên cho biết, khách hàng không thắc mắc chênh lệch 5 nghìn/kg giữa táo Đà Lạt và táo Trung Quốc. “Táo Trung Quốc bao giờ cũng có mẫu mã đẹp, to hơn táo của Đà Lạt nên hút hàng. Táo Mỹ chỉ được mua bởi số ít người dùng ưa hàng lạ” - chị Quyên nói. Theo quan sát của chúng tôi, các loại trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc đều được dán nhãn bằng chữ Trung Quốc. Táo của Mỹ được dán tem, bao bọc kỹ lưỡng. Qua trao đổi, chị Quyên bảo không biết sự thơm ngon, chất lượng, độ sạch của các loại táo chênh lệch thế nào, hàng hóa có an toàn với người tiêu dùng không. Các loại nho Mỹ, lê Úc, dâu tây Pháp được các tiểu thương của chợ TP.Tam Kỳ bán với giá hơn 100 nghìn đồng/kg.

Tại chợ Hội An, nho từ Bình Thuận bán với giá 70 nghìn đồng/kg, nho không hạt của Úc được bán với giá 80 nghìn đồng/kg, nho từ Trung Quốc bán với giá 65 nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hà Hạnh (phường Sơn Phong, TP.Hội An) cho biết, thích sử dụng nho không hạt của Úc. Đôi khi, để thay đổi, chọn mua nho của Bình Thuận vì tin tưởng chất lượng. “Các loại nho có giá cả chênh lệch không nhiều, tôi chọn mua hàng hóa theo thói quen tiêu dùng. Tôi rất ngại mua hàng Trung Quốc vì lo sợ chất lượng không đảm bảo. Mong ngành quản lý thị trường kiểm tra, xác nhận chính xác nguồn gốc sản phẩm trái cây để người tiêu dùng yên tâm sử dụng” - chị Hạnh nói.

Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), trái cây hay các sản phẩm hàng hóa khác có nguồn gốc từ nước ngoài được bán trên địa bàn tỉnh là rất bình thường vì xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng. Việc mua trái cây trong nước hay nước ngoài do người tiêu dùng lựa chọn. Trái cây ngoại nhập nhiều hay ít trên thị trường không quan trọng mà điều cần lưu tâm là hàng hóa đó đảm bảo chất lượng hay không, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng không và phải được kiểm duyệt của ngành chức năng. Ông Lâm cho rằng, hàng trái cây ngoại vào thị trường nội địa sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Trong xu thế đó, nông dân hay doanh nghiệp bắt buộc phải khẳng định chất lượng trái cây nội địa để xác lập uy tín, thu hút người dùng. “Thị trường luôn rộng mở với các loại trái cây được sản xuất trên địa bàn tỉnh. Ngành công thương luôn tạo điều kiện để các sản phẩm được quảng bá, tiếp thị, khẳng định thương hiệu qua các đợt xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu” - ông Lâm nói.

Các cuộc “giải cứu” dưa hấu, thơm... của nông hộ Quảng Nam diễn ra liên tục trong nhiều năm qua do ế ẩm, dư thừa. Nhiều ý kiến cho rằng, trái cây được sản xuất trên địa bàn tỉnh thua trên sân nhà là chuyện khó chấp nhận được. Việc giành lại thị trường không chỉ phụ thuộc vào năng lực của người nông dân, doanh nghiệp mà đòi hỏi phải tiếp sức của ngành chức năng. Vì thế, Quảng Nam cần định hình lại chiến lược hỗ trợ nông dân sản xuất, điều chỉnh các yếu kém đã phát sinh. Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, đang hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản sạch, trong đó có các loại trái cây để ổn định đầu ra cho hàng hóa. Vấn đề sản xuất sạch luôn được ưu tiên, ngành khuyến nông hỗ trợ nhiều địa phương trồng các loại trái cây theo phương thức VietGAP, đảm bảo chất lượng. Việc này sẽ được tiếp tục nhân rộng trong thời gian đến. “Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đang được triển khai sôi động trên địa bàn tỉnh kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản nói chung, các loại trái cây chủ lực của Quảng Nam nói riêng” - ông Nghi nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN