Quản lý an toàn thực phẩm: Cần phối hợp chặt chẽ

VIỆT NGUYỄN 24/12/2018 02:54

Việc phối hợp giữa các ngành chức năng thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Công tác kiểm soát chất cấm trong bảo quản hải sản nói riêng, thực phẩm tươi sống nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: QUANG VIỆT
Công tác kiểm soát chất cấm trong bảo quản hải sản nói riêng, thực phẩm tươi sống nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: QUANG VIỆT

Lo thực phẩm bẩn

Trong năm 2018, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng làm việc với 6 lò mổ động vật tập trung ở thị xã Điện Bàn, huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Phú Ninh. Các cơ sở đều không cung cấp được hồ sơ bảo vệ môi trường, khu vực giết mổ ứ đọng nước, ruồi nhặng, động vật gây hại tràn lan, chất bẩn ngập ngụa gây mất vệ sinh, không an toàn thực phẩm. Cảnh sát môi trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt hành chính đối với 26 cơ sở gần 263 triệu đồng. Thượng tá Bùi Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường cho biết, cùng với xử phạt, công tác tuyên truyền, vận động đã giúp nhiều người dân nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hạn chế là một số cán bộ không thể tham gia đầy đủ, xuyên suốt đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của đợt thanh tra, kiểm tra. Các đơn vị còn thiếu các trang thiết bị như test nhanh để phục vụ thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đáng lưu ý trong năm 2018 là xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm nặng ở các huyện Phước Sơn, Đại Lộc, Nam Giang và Nam Trà My, trong đó, có 6 người chết vì ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong thời gian đến, các lực lượng công an cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt tình trạng thiếu hợp tác, chống đối, manh động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi bị phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Cũng trong năm 2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, tết, tháng hành động vì an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 14 triệu đồng. Các lực lượng đã tiêu hủy bánh mỳ, bánh sữa chua, bánh đậu không rõ nguồn gốc; đồng thời đình chỉ hoạt động Cơ sở kinh doanh Kim Phát (khối phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) với hành vi sai phạm trong sơ chế hạt dưa, giao địa phương giám sát. Theo ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, qua triển khai, nhận thấy nhiều thách thức như chưa kiểm soát được hóa chất, thuốc thú y thực phẩm; chưa kiểm soát được thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, thực phẩm lậu. Dịch vụ nấu ăn lưu động khó quản lý...

Vào cuộc đồng bộ

Theo Trung tá Hồ Song Ân - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh, điều cần kíp là các ngành chức năng thực hiện chặt chẽ quy chế phối hợp, kịp thời trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nhất là cùng tham gia đầy đủ các lực lượng để thanh tra, kiểm tra đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao. Trong thời gian đến, cần tập trung phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý hình sự đối với các cơ sở, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm cố tình vi phạm, tái phạm, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề cho người tiêu dùng. Theo đó, tập trung vào các lĩnh vực sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh hàng giả về lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Công tác tố giác những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm về an toàn thực phẩm từ quần chúng nhân dân cần được phát huy để giảm thiểu hậu quả về mất an toàn thực phẩm. Ngoài ra, cần nhanh chóng cung cấp thông tin để báo chí phản ánh, tuyên truyền kịp thời.

Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng về phối hợp giữa các ngành chức năng để chấn chỉnh, ổn định an toàn thực phẩm trong năm 2019. Theo đó, ngành y tế cần kiểm soát chặt chẽ đầu vào của các bếp ăn tập thể, khuyến khích sử dụng thực phẩm sạch. Ngành công thương cần tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc tại các chợ để sản phẩm sạch có cơ sở cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, góp phần xóa bỏ thực phẩm bẩn. Ngành công an cần phối hợp chặt chẽ với nông nghiệp trấn áp tội phạm đưa chất cấm vào thực phẩm. Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cần truy xuất nguồn gốc vật tư nông nghiệp, phụ gia thực phẩm bẩn trên thị trường. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản triển khai cơ chế hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng lựa chọn. UBND tỉnh nên tăng cường đầu tư kinh phí, con người, tạo điều kiện phát huy an toàn thực phẩm.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN