Mơ ngày tơ lụa vàng son...
Đơn thương độc mã một quãng đường dài. Lại nhận lãnh nhiều phần hoài nghi từ thiên hạ. Nhưng cuộc chơi với lụa, đã không còn là của riêng đời ông…
Ông Trần Hữu Phương. Ảnh: X.H |
Trần Hữu Phương - Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu (Duy Xuyên) vẫn thường nhắc mình như vậy, mỗi khi có cơ hội bộc bạch với bất cứ người nào… mê lụa. Người đàn ông khởi giấc mơ mình từ bãi biền nương dâu, và lao theo nó, như một định mệnh.
“Con tằm cô đơn”
Người ta vẫn chưa thể hết hồ nghi, vì đó vốn dĩ là đặc tính của con người, mỗi khi nhìn thấy sự khác biệt. Trần Hữu Phương đón nhận những nghi ngại, từ người trong làng, người của chính gia đình, lẫn chính quyền địa phương từ gần chục năm trước. Cả bây giờ cũng vậy. Khi tơ lụa Mã Châu do doanh nghiệp ông làm ra, đã có chỗ đứng, đã không thể nào đủ nguồn cung cho các bạn hàng quen, ông vẫn bị người ta nghi ngờ. Nhưng đó là chuyện của người đời - họ có quyền cắc cớ khi đã có quá nhiều sự dối trá, lập lờ ngang nhiên tồn tại, khi anh một mình đi con đường quá khác so với số còn lại. Và bản lĩnh của một người thành công là biết đứng trên hết thảy những hoài nghi đó, không bị chính nó đánh gục hoài bão mình, không bị đám đông cuốn mình đi, không bị lợi nhuận ban đầu chi phối. Hẳn, Trần Hữu Phương dựng lại cơ đồ của mình, chính vì đã… mặc kệ như vậy.
Triền miên những năm dài khó khăn, nợ nần, hàng tồn đọng… Ông nói để nhớ lại hết quãng đường đã một mình đi qua, phải căng mình chống chọi những cơn rung giật của ký ức, không biết bao nhiều lần mới hết. Vì nó, quá đỗi khắc nghiệt. Tôi vẫn nhớ một ngày của hơn 8 năm trước, một mình chạy đến làng dệt Mã Châu. Tìm gặp Trần Hữu Phương, khi ấy ông đang chật vật xoay cho ra vốn để duy trì HTX Tơ lụa Mã Châu - tiền thân của Công ty Lụa Mã Châu hiện tại. “Thời gian đó quá khó. Năm người làm nghề lâu năm, quyết sống chết với nghề dệt truyền thống, với cái tên của tơ lụa Mã Châu, mà cầm cố sổ đỏ nhà đất để xoay vốn. Nhưng từng năm một, lần lượt từng người lên ngân hàng rút lại sổ đỏ. Họ sợ bị vỡ nợ. Mình không thể nào trách họ…” - ông Trần Hữu Phương nói.
Còn một mình, ông đứng giữa chồng chất khốn khó, những tưởng có lúc buông tay. Không buộc mình ôm cất cái hoài bão dựng lại thời vàng son của lụa, lúc ấy, ông Phương nói, chỉ mong còn giữ được cái tên lụa Mã Châu, bằng những thớ lụa thiệt “chiết” ra từ quá trình đớn đau của con tằm, nong dâu, mỗi năm, chỉ cần mấy tấc thôi cũng được. Dặn mình phải đi từ những điều nhỏ nhất, phải cẩn trọng với từng khách hàng cất công tìm tới. Từng chút, từng chút một. Trần Hữu Phương nói, cái người từng mang từng khung dệt leo xe khách vào Sài Gòn những năm 1990, đi giới thiệu từng mét lụa ở các chợ miền Nam, thì chẳng còn ngại ngần gì nữa những chuyện như phải đi gõ cửa khách hàng, thiệt thà đi xin hỗ trợ từ chính quyền các cấp. Truyền nhân đời thứ 18 của tộc họ làm nghề lâu đời nhất ở làng dệt Mã Châu, Trần Hữu Phương nói, ông không muốn chết trân nhìn cái danh của làng nghề mình chìm xuống dưới những lớp mịt mờ của thời cuộc. Người ta gọi ông là “con tằm cô đơn”, vì cái giống loài phải cùng bầy đàn của mình rút ruột nhả kén làm tơ, như một giấc ngủ dài, mở mắt ra chỉ còn mỗi mình trên nong. Một mình lăn lộn đi tìm đường sống, với niềm tin gần như duy nhất, tơ lụa sẽ phục hưng ngay trên sân chơi của thời trang đỉnh cao, bởi nó đã vượt ra khuôn thức của những thớ vải đơn thuần.
Cuộc tìm về bản ngã
Đôi khi người ta không cần đi quá xa để tìm điều mới mẻ, đặc biệt với đời sống của thời trang. Cuộc thăng hoa của nó, vẫn là những chuyến đi ngược, bởi tự thân những vẻ đẹp xưa cũ đã dán nhãn trong đó rất nhiều hàm ý cho một cuộc đời đương đại. Là bởi, giới sành mặc tự hiểu với nhau về những kẻ khoác áo tơ lụa trong những bữa tiệc đình đám. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã không ngại ngần để chất liệu lụa và thổ cẩm được tung tẩy hết mình trong những cuộc diễn của đẳng cấp quốc tế. Bởi đó, mới là Việt Nam. Lụa Việt có sắc thái riêng, giá trị riêng mà không một chất liệu nào đối sánh được với nó. Ở đó, có cái tên lụa Mã Châu mà nhiều người từng ngậm ngùi tiếc nuối. Nhà thiết kế Minh Hạnh, trong khá nhiều lần về Hội An, đã tìm tới với Công ty Lụa Mã Châu, đưa hoa văn cùng yêu cầu để Trần Hữu Phương tìm cách làm sản phẩm cho bà. Đó cũng là một trong nhiều lý do để ông Phương cố níu lại cho bằng được cái danh tơ lụa Mã Châu.
Sông nước Mã Châu. Ảnh: LÊ VẤN |
Bây giờ, người đàn ông tuổi ngoài 50 này hiểu về tơ lụa trên thị trường hơn ai hết ở Mã Châu. Ông mày mò ngày đêm tìm cách để không còn cảnh còng lưng bên khung cửi mới có làm ra lụa nữa. Đã có nhiều cải tiến để năng suất dệt lụa đạt hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ ngày một tăng. Chính phủ Hàn Quốc nhìn ra những nỗ lực của một người dân làm nghề, quyết định hỗ trợ việc thiết kế logo, bao bì dành cho sản phẩm cũng như đã tài trợ kinh phí để ông Phương cải tiến máy dệt của mình theo hướng làm ra các khổ vải lớn hơn cùng hoa văn in dập.
“Tôi đã đi giữa bão và bước đầu thành công. Từ lúc tôi tập trung gia sản để mở công ty, khoảng 700.000 mét lụa được sản xuất, tất cả đều được bán sạch” - người nghệ nhân làng lụa lên tiếng. Ở Mã Châu, ông Phương bây giờ không còn là “con tằm cô đơn” nữa, nhiều người đã trở lại nghề, chung tay cùng ông Phương khôi phục nghề dệt truyền thống. Biền dâu giờ dần mở rộng, con tằm đã biết nhả tơ thay vì lên bàn nhậu. Hơn nữa, một thương hiệu Nhã Silk - chắp cánh cho tơ lụa Mã Châu, từ một người cùng tộc của làng, đã mang những thớ lụa từ Mã Châu đi xa hơn. Trần Hữu Như Anh, người họ hàng của Trần Hữu Phương, ở đầu cầu Sài Gòn, làm nên Nhã Silk trên tinh thần nguyên liệu của vuông lụa Mã Châu. Những thớ lụa trở thành áo dài, thành khăn choàng, nên vật phẩm tặng du khách... đều có nguồn gốc từ lụa Mã Châu, được đón nhận nồng nhiệt.
Thời trang xoay vòng với những cuộc trở lại ngoạn mục của từng trào lưu trong một thế giới ưa chuộng sự sáng tạo. Và người ta nói với nhau, sử dụng tơ lụa trong các mẫu mã chính là một cuộc hành hương tìm về bản ngã. Vì họ tự biết những giá trị ẩn sâu trong lớp vải lụa, có như thế nào mới đủ sức làm hàng cống phẩm từ thuở rất xưa. Và sự quay về với “cố quận”, với bản sắc không chỉ được tái hiện trong đời sống của thời trang. Đó còn là tinh thần của rất nhiều đứa con xa, muốn quay về làng - như Yến, như Oanh - hai cô con gái của ông Trần Hữu Phương. “Tôi chỉ giỏi làm lụa chứ không giỏi kinh doanh, quản lý sản xuất. Thế là hai con tôi đã giúp việc đó. Tôi hạnh phúc vì các con yêu nghề của tổ tiên nên tự về quê chứ tôi chưa mở lời hay khuyên bảo. Tôi không còn lo lụa Mã Châu thất truyền nữa” - ông Phương nói. Chính những người trẻ năng động với vốn liếng hiểu biết về cách làm thương hiệu, về thương trường, đã giúp cha mình đưa sản phẩm tơ lụa Mã Châu vươn xa đến rất nhiều thị trường. Họ sát cánh với Trần Hữu Phương, để mở các cửa hàng trưng bày, liên hệ với nhiều tổ chức để tham gia với các dự án khôi phục làng nghề truyền thống, tạo lập trang web xúc tiến thương mại với nhiều đối tác khác nhau tại nhiều thành phố, thậm chí ở nước ngoài.
Và người ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng hay đúng hơn là mơ về một ngày vàng son của tơ lụa xứ Quảng, khi mỗi ngày, những vuông lụa càng được chú ý, những biền dâu được đầu tư, con tằm được chăm chút. Hẳn đây cũng là niềm vui của người đã không bỏ cuộc, vì tin rằng, đâu đó, lúc nào cũng có những người muốn đi tìm những giá trị chỉ của riêng người Việt, do người Việt làm nên, để mang đi khắp bốn bể.
XUÂN HIỀN