Bất cập ở chợ Tam Hiệp và Tam Kỳ: Khó khắc phục

VIỆT NGUYỄN 21/12/2018 01:46

Chợ truyền thống Tam Hiệp (Núi Thành) và chợ Tam Kỳ từ lâu đã tồn tại nhiều bất cập trong việc tổ chức, sắp xếp hàng hóa, đầu tư cơ sở vật chất... nhưng đến nay các hạn chế này vẫn chưa được khắc phục.

Tiểu thương chợ Tam Hiệp tràn ra quốc lộ 1 buôn bán. Ảnh: QUANG VIỆT
Tiểu thương chợ Tam Hiệp tràn ra quốc lộ 1 buôn bán. Ảnh: QUANG VIỆT

Manh mún, tự phát

Chợ Tam Kỳ nằm ngay trung tâm của thành phố nhưng hết sức nhếch nhác. Hàng hóa chỉ được bố trí buôn bán ở tầng 1 còn tầng 2 thì bỏ không; rác, mạng nhện dày đặc, bẩn, thiếu mỹ quan. Đường Bạch Đằng ở phía sau chợ bị các tiểu thương lấn chiếm kinh doanh muôn hình vạn trạng các loại hàng hóa từ trái cây cho đến rau, thịt, hàng dân dụng, đặc biệt là hàng hải sản. Mùi tanh, hôi thối bốc nồng nặc, nước chảy lênh láng, rác rến vương vãi. Tuyến đường Phan Đình Phùng ở mặt trước chợ Tam Kỳ nham nhở vật dụng, đồ đạc, hàng hóa, xe cộ, nhất là chất bẩn ngập ngụa, phản cảm. Việc tranh giành khách diễn ra như cơm bữa. Đáng nói, UBND TP.Tam Kỳ đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp đến kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh, đưa vào nền nếp nhưng đâu rồi vào đấy. Bà Vũ Thị Thanh Nga - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết, việc kinh doanh ở chợ Tam Kỳ ngày càng ế ẩm bởi tiểu thương khó vượt qua sức ép từ kinh doanh buôn bán ở siêu thị và chợ online. Các tiểu thương cần thời gian để đưa hoạt động trao đổi hàng hóa vào nền nếp.

Chợ Tam Hiệp (Núi Thành) hết sức nhộn nhịp vào thời điểm này. Không khí kinh doanh “nóng” đến mức các tiểu thương dời không gian bán buôn trong chợ ra khu vực lề và một phần đường của quốc lộ 1. Đi vào bên trong chợ, cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo, rất ọp ẹp, tạm bợ. Các nhà vệ sinh quanh chợ hư hỏng, sơ sài, thiếu mỹ quan. Các tấm mái che của chợ không đảm bảo, nhiều chỗ bị dột, tụ nước quanh các gian hàng, trông rất bừa bộn. Đường vào chợ chật hẹp, trong chợ lại không có các thiết bị, công cụ phòng cháy chữa cháy. Diện tích chợ quá nhỏ, hàng hóa lại nhiều, người mua bán đông nên không khí rất bức bối. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, chính quyền biết việc kinh doanh, buôn bán ở chợ Tam Hiệp lộn xộn, manh mún, tự phát nhưng rất khó để chấn chỉnh.

Cần ổn định

Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam (Bộ Công Thương) cho rằng, không thể một sớm một chiều là có thể chấn chỉnh tình trạng buôn bán không quy củ ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Vừa qua, ngập lụt đã khiến cho phần lớn tiểu thương ở chợ Tam Kỳ bị thiệt hại nặng nề nên rất khó căn cứ vào các khung mà phạt tiểu thương không niêm yết giá trong buôn bán. Theo ông Sơn, là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh nên Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đang đề xuất với UBND tỉnh ban hành cơ chế mới về phối hợp giữa các sở, ngành, qua đó phối hợp chặt chẽ với ban quản lý các chợ, ổn định dần việc kinh doanh, buôn bán theo hướng chuyên nghiệp, nền nếp. Theo đó, sẽ kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt việc buôn bán trái quy định. Cụ thể, thức ăn, thực phẩm được bày bán ở chợ phải được kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc xuất xứ, sạch sẽ, an toàn, đảm bảo chất lượng. Ô nhiễm môi trường ở các chợ phải được các ban quản lý chợ quản lý chặt chẽ hơn, căn cứ theo quy định mà xử phạt, có thể cấm buôn bán. Đặc biệt, hàng hóa phải được niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, tránh gian lận thương mại.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, huyện Núi Thành đang lập dự toán, lên kế hoạch xây dựng khu phố chợ Tam Hiệp thay thế chợ Tam Hiệp xuống cấp trầm trọng, không thể đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Cái khó là nguồn kinh phí của huyện không thể thực hiện tất cả công đoạn mà cần doanh nghiệp phối hợp đầu tư rồi đảm đương việc quản lý buôn bán theo nền nếp, chuyên nghiệp. Ông Thịnh cho rằng, cổ phần hóa hoặc giao cho doanh nghiệp đầu tư, quản lý ở một số chợ thuộc các tỉnh, thành trên cả nước đã cho thấy hiệu quả nổi bật, Quảng Nam cần học tập, áp dụng. Theo đó, xóa bỏ tình trạng kinh doanh nhỏ lẻ kéo dài lâu nay. Sản phẩm ở chợ phải có quy định bắt buộc về ghi nhãn, công bố chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, xóa bỏ nạn ô nhiễm môi trường dai dẳng ở chợ. “Trong quản lý lẫn kinh doanh ở các chợ cần phải thay đổi thói quen, tập quán, không thể chấp nhận ở chợ là lộn xộn được. Địa phương rất cần doanh nghiệp phối hợp đầu tư khu phố chợ Tam Hiệp để xây dựng môi trường, văn hóa kinh doanh, buôn bán hiện đại, bền vững” - ông Thịnh nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN