Đông trùng hạ thảo trên đất Quảng

KIỀU LY 19/12/2018 08:14

Đông trùng hạ thảo là dược liệu quý và khó nhân giống nhất trong các loài nấm. Thế nhưng mới đây, anh Nguyễn Thành Luận (SN 1992, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đã nuôi trồng thành công và mở ra cơ hội nghề mới có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Thành Luận giới thiệu về đông trùng hạ thảo tại cơ sở nuôi trồng của mình. Ảnh: NAM LY
Nguyễn Thành Luận giới thiệu về đông trùng hạ thảo tại cơ sở nuôi trồng của mình. Ảnh: NAM LY

Hướng rẽ khó khăn

Tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục thể thao TP.Hồ Chí Minh, thế nhưng anh Luận lại tìm hướng hoàn toàn khác với chuyên môn đã học. Đó là tập tành nghiên cứu nuôi cấy đông trùng hạ thảo, là một loại dược liệu chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng rất khó nuôi trồng trong điều kiện khí hậu nước ta. “Tôi thấy các tỉnh khác đều nuôi được đông trùng hạ thảo nên nghĩ mình phải mạnh dạn thử nghiệm. Nếu nuôi thành công thì cung ứng cho người dân tiêu dùng hàng ngày với giá cả hợp lý và cũng mở ra hướng phát triển kinh tế mới” - anh Luận chia sẻ.

Quen biết Trương Quang Ninh có lẽ là điều may mắn nhất trong sự nghiệp của anh Luận. Chính người bạn quê Quảng Ngãi đã giúp đỡ, chỉ dẫn anh Luận trong quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo. “Ra trường, tôi cũng từng thử sức với nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn chưa thực sự say mê công việc. Phải đến khi bén duyên cùng đông trùng hạ thảo tôi mới biết mình đã chọn đúng. May mắn nhất là được Ninh - người bạn thời sinh viên ra tận nhà chia sẻ, hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp. Ninh tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, lại từng nghiên cứu và nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo, đã tạo động lực để tôi hoàn thành ý tưởng khởi nghiệp” - Luận nhớ lại.

Kiến thức và kinh nghiệm mà Ninh truyền đạt, được Luận tiếp thu và lấy đó làm nền móng vững chắc. Rồi anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi thêm trên sách báo, internet… để tiến tới thành lập mô hình vào đầu năm nay. Từ máy móc, con giống đến môi trường sống cho nấm đủ chuẩn độ ẩm, ánh sáng với vốn ban đầu gần 100 triệu đồng được anh Luận xây dựng nhanh chóng. Tháng 10.2018, những con giống đầu tiên dần hình thành; hơn hai tháng sau mầm non vươn lên trong niềm hạnh phúc của người ươm trồng.

Bước đầu thành công

Đông trùng hạ thảo là một loài nấm sống ký sinh trên côn trùng, ở các vùng núi cao so với mực nước biển như Himalaya, Tây Tạng, Vân Nam, Cam Túc... Có hơn 600 loại đông trùng hạ thảo nhưng được biết đến nhiều nhất là Cordyceps Sinensis và Cordyceps Militaris, trong đó Cordyceps Militaris có tính năng vượt trội về dược chất có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo trong thiên nhiên ngày càng cạn kiệt do khai thác quá nhiều và số lượng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nên giá thành rất cao. Một số tác dụng của đông trùng hạ thảo được nhiều người biết đến như: hỗ trợ điều trị ung thư, hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị xạ trị; bảo vệ thận, chống lại sự suy thoái thận, phục hồi tế bào thận; hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể, chống viêm nhiễm, kháng viêm; điều tiết đường huyết, kiểm soát bệnh tiểu đường; bảo vệ phổi...

Đông trùng hạ thảo rất khó nuôi trồng, vì chúng thường sống trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm (độ cao trung bình hơn 4.000m so với mặt nước biển), đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh và môi trường sống phù hợp mới phát triển. Về quá trình vượt qua khó khăn để nhân giống đông trùng hạ thảo thành công, anh Luận cho biết: “Tôi đã nghiên cứu và chọn nhộng tằm làm giá thể để nuôi cấy. Đồng thời chọn giá thể là dịch lỏng được pha chế từ gạo lức, bắp, khoai tây… sau đó cấy giống nấm trên giá thể. Để đảm bảo chất lượng của đông trùng hạ thảo, điều kiện nuôi cấy luôn phải đảm bảo về nhiệt độ và độ ẩm, ánh sáng tương tự các giai đoạn của thời tiết trên độ cao hàng nghìn mét”. Cụ thể, khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng từ 25 độ C và độ ẩm 85%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều và phủ kín bề mặt. Tiếp theo chuyển sang xử lý tại phòng kín có nhiệt độ 18 - 23 độ C, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng. Sau đó chuyển sang phòng nuôi đảm bảo nhiệt độ ổn định 18 - 22 độ C và độ ẩm 85%, chiếu sáng 12 - 14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch.

Mới đây, cơ sở của anh Luận đã thu hoạch được lứa sản phẩm đầu tiên. Ngoài việc phơi, sấy khô sản phẩm, anh Luận còn chế biến thành thực phẩm chức năng giúp mọi người dễ sử dụng hơn với giá 1,5 triệu đồng/hũ (gồm 30g đông trùng hạ thảo và 30g tinh bột nghệ tươi), phần lớn số còn lại, anh dùng để ngâm rượu phục vụ thị trường tết. Mỗi chai rượu của cơ sở có dung tích 0,5 lít, trong đó có 3g quả thể đông trùng hạ thảo khô với giá bán 400 nghìn đồng/chai. Được biết, anh Luận đã đăng ký giới thiệu và bán sản phẩm đông trùng hạ thảo tại Hội chợ Xuân 2019 vào ngày 20 sắp tới.

Với những thành công ban đầu, anh Luận hy vọng thời gian tới sản phẩm đông trùng hạ thảo sẽ đến rộng rãi hơn với người tiêu dùng. Anh Luận chia sẻ: “Nhu cầu sử dụng đông trùng hạ thảo hiện nay rất nhiều nhưng trên thị trường hiện rất khó tìm mua, giá thành cao trong khi đó hàng thật, giả lẫn lộn. Dù mới bắt đầu còn nhiều khó khăn, kết quả sản xuất còn khá khiêm tốn, nhưng mô hình này đã tạo động lực để tôi tiếp tục tìm tòi, phát triển kinh tế ổn định trong thời gian tới”.

KIỀU LY

KIỀU LY