Tạo dựng chuỗi liên kết
Ông Lưu Văn Bảy ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) cho biết, khi chính quyền địa phương có chủ trương thực hiện mô hình liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP với loại cây trồng là giống bưởi da xanh, gia đình ông mạnh dạn đăng ký tham gia. “Sau khi được tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, gia đình tôi đang trồng 260 cây giống bưởi da xanh do UBND xã cung cấp trên 10 sào đất vườn. Điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, tôi tin rằng giống bưởi da xanh này sẽ sinh trưởng - phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. Điều tôi kỳ vọng nhất khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất này là sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có đầu ra ổn định trên thị trường” - ông Bảy nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Sơn, thời gian qua địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời trên cơ sở danh mục các sản phẩm OCOP đã được xác lập, chính quyền xã Duy Sơn tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên lựa chọn giống bưởi da xanh để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Ông Thịnh nói: “Để mô hình liên kết sản xuất giống bưởi da xanh mang lại thành công lớn, địa phương đã xây dựng cụ thể đề án, tiến hành khảo sát điều kiện đất đai và lựa chọn những khu vườn có quy mô diện tích tương đối lớn, đảm bảo phù hợp với phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn mở một số lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các chủ thể tham gia mô hình. Đặc biệt, với 120 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp nông nghiệp - nông thôn, UBND xã đã hỗ trợ cây giống bưởi da xanh, các loại phân bón cho 22 hộ dân đăng ký thực hiện chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm OCOP ở 2 thôn Chiêm Sơn và Trà Kiệu Tây”.
Tại Duy Sơn, các hộ dân tham gia trồng giống bưởi da xanh đều ký cam kết tích cực thực hiện hiệu quả mô hình này. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư & phát triển Đất Quảng Star để xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, ông Ngô Phi Thâm - Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, dù đã tích cực triển khai nhưng việc xây dựng chuỗi liên kết đang gặp không ít khó khăn. “Lâu nay phương thức sản xuất của bà con nông dân địa phương chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán. Hầu hết nông sản sau khi thu hoạch được nhà nông trực tiếp đưa ra thị trường tiêu thụ theo kiểu “tự thân vận động” chứ chưa hình thành được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách bài bản, có tính lâu dài. Cạnh đó, nguồn vốn bố trí thực hiện mô hình chưa đáp ứng yêu cầu và đang gặp không ít trục trặc ở khâu giải ngân” - ông Thâm nói. Do đó, theo ông Ngô Phi Thâm, thời gian tới địa phương sẽ linh hoạt đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm định hướng, giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững. Địa phương cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân, doanh nghiệp cùng tìm hiểu và tham gia tích cực vào quá trình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đề xuất cấp trên quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đối với các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP như thủ tục đăng ký sản phẩm, xây dựng nhãn mác, thương hiệu để quảng bá ra thị trường…
HOÀI NHI