Tam Kỳ: Tiểu thương, người tiêu dùng gặp khó vì ngập lụt

CHÂU NỮ - 10/12/2018 13:10

(QNO) - Nhiều tiểu thương buôn bán tại TP.Tam Kỳ bị tổn thất nặng nề do nước mưa dâng quá cao gây ngập nhiều hàng hóa. Người tiêu dùng cũng gặp khó khăn trong trong việc đi lại, tìm kiếm thực phẩm ngày mưa lũ .

Cơ sở kinh doanh của anh Dương bị ngập lụt gây hư hỏng nhiều vật dụng. Ảnh: THANH THẮNG
Cơ sở kinh doanh của anh Dương bị ngập lụt gây hư hỏng nhiều vật dụng. Ảnh: THANH THẮNG

Tiểu thương lao đao vì ngập, lụt

Anh Lê Dương - chủ cơ vì  sở bán đồ chơi trẻ em và một thiết bị khác tại số 59 (đường Trần Cao Vân, TP.Tam Kỳ) cho biết, cơ sở của gia đình anh cách mặt đường gần 0,5m nhưng bị nước lũ gây hư hỏng rất nhiều vật dụng. Đợt mưa lớn từ chiều ngày 9.12, khiến nước mưa lên rất nhanh cùng với dòng chảy từ hồ điều hòa An Sơn khiến vật trong gia đình anh bị nước cuốn trôi. 

“Chiều hôm qua (9.12) nước lên rất nhanh, gia đình tôi cùng 15 người khác mang các vật dụng lên cao, nhưng vẫn bị hư hỏng rất nhiều. Dòng nước chảy quá mạnh nên nhiều vật dụng bị cuồn theo. Hiện tại thiệt hại khoảng nửa tỷ đồng” - anh Dương nói.

Khu vực gần chợ Tam Kỳ bị ngập lụt nghiêm trọng, có nơi hơn nữa ngôi nhà. Ảnh: THANH THẮNG
Khu vực ngã tư Trần Cao Vân - Phan Châu Trinh bị ngập lụt nghiêm trọng, có nơi hơn nữa ngôi nhà. Ảnh: THANH THẮNG

Ông Nguyễn Mai Sáu - chủ cơ sở kinh doanh giày dép tại khu vực ngã tư Trần Cao Vân - Phan Châu Trinh cho biết, từ tối ngày 9.12 gia đình ông đã đưa giày dép lên cao, tuy nhiên vẫn bị ngập và một số giày dép bị hư hỏng. Theo ông Sáu ước tính thiệt hại gần 100 triệu đồng.

“Nước lên rất nhanh, mực nước trước nhà tôi so với mực nước năm trước 1999 thì cao hơn khoảng 10 cm. Nếu trời tiếp tục mưa, mực nước dâng lên thì sẽ tiếp tục di chuyển đồ đạt lên cao hơn. Đợt này nước lên nhanh bà con trở tay không kịp” - ông Sáu nói.

Theo ghi nhận tại khu vực đường Trần Cao Vân và gần chợ Tam Kỳ có ít nhất 20 cơ sở kinh doanh bị ngập lụt, nhiều cơ sở hàng hóa bị ngập dưới nước. 

Ông Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, nguyên nhân gây ngập năng làm hư hỏng hàng của bà con chủ yếu do lượng mưa quá lớn và lượng mưa liên tục trên 200mm từ ngày 9.12 nên mực nước lên rất nhanh dẫn đến trở tay không kịp.

“Hiện nay khu vực bị nặng nhất chủ yếu là chợ Tam Kỳ vì khu vực này rất thấp, còn các nơi khác họ buôn bán cũng quen rồi. Sau nước lũ rút đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo khắc phục và để bà con tự khắc phục sớm ổn định và tiếp tục buôn bán trở lại” - ông Minh nói.

Đủ thực phẩm                           

Trong số các chợ Tam Kỳ, chợ sau Siêu thị Coop.mart Tam Kỳ bị ngập nên tiểu thương phải di chuyển đến những nơi không bị ngập nước để bán. Nhập về gần 2,5 tạ cá biển nhưng không thể bày bán ở chợ Tam Kỳ, chị Trương Thị Điều phải bán tạm ở cây xăng Hòa Hương. Theo chị Điều, tâm lý người dân sợ mưa lụt dài ngày, thiếu thức ăn nên mua dự trữ với số lượng lớn. Chỉ trong một buổi sáng, chị Điều đã bán hết toàn bộ số cá với giá chỉ nhích hơn ngày thường khoảng 5 nghìn đồng/kg do chi phí vận chuyển tăng: cá ngừ 75 nghìn đồng/kg, cá kình 80 nghìn đồng/kg.

Hơn 12 giờ trưa 10.12, vẫn còn khách mua thực phẩm tại chợ Thương mại. Ảnh C.N
Hơn 12 giờ trưa 10.12, vẫn còn khách mua thực phẩm tại chợ Thương mại. Ảnh: C.N

Chị Đỗ Thị Sung - tiểu thương chợ Thương mại cho hay, sáng 10.12, do đường đi bị chia cắt, số tiểu thương bán thịt ở chợ này giảm chỉ còn một nửa ngày thường nên các quầy bán thịt đều khá đông người mua. Giá thịt heo vẫn giữ mức như ngày thường, cỡ 90-95 nghìn đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, có cũng có người tăng giá lên 5 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, các loại cá sông, tôm vẫn giữ giá. Thậm chí, một số người thu hoạch tôm nuôi chạy lũ nên bán với giá rẻ, dao động từ 50 nghìn đồng đến 130 nghìn đồng/ kg, tùy loại.

Rau, củ, quả các loại không về kịp nên mặc dù giá tăng vẫn không có hàng để bán. Chị Nguyễn Thị Thương (khối phố Phương Hòa Nam, phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) phân trần, sáng nay chị đi chợ trễ nên không mua được rau ngon, mà giá lại khá đắt: Bình thường 7 nghìn đồng/bó cải sáng nay tăng giá lên 10 nghìn đồng.

Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương chợ Thương mại cho biết, rau muống tăng từ 5 nghìn đồng/bó lên 10 nghìn đồng/bó. Các loại củ quả cũng tăng giá mạnh (bầu 15 nghìn đồng/ký tăng lên 20 nghìn đồng/kg; khổ qua tăng từ 12 nghìn đồng lên 17 nghìn đồng/kg). Chị Hà tiếc rẻ, giá tăng nhưng vẫn không có đủ hàng để phục vụ nhu cầu người mua.

Do chung quanh nước ngập nên trong ngày 10.12 khách mua hàng ở Siêu thị Coop.mart Tam Kỳ không nhiều. Khách chủ yếu mua mua mì tôm, thực phẩm ăn liền, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh.

Khách hàng mua thực phẩm tươi sống tại Siêu thị CoopMart Tam Kỳ sáng 10.12. Ảnh C.N
Khách hàng mua thực phẩm tươi sống tại Siêu thị CoopMart Tam Kỳ sáng 10.12. Ảnh: C.N

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Siêu thị Coop.mart Tam Kỳ cho biết,  doanh nghiệp  dự trữ hàng hóa đầy đủ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và bán với giá không đổi. Ngày 10.12, hàng thực phẩm tươi sống của siêu thị có thịt gà, vịt và rau củ quả phong phú, chỉ thiếu thịt heo, thịt bò.

Ngay trong sáng 10.12, siêu thị nhập thêm về một lượng lớn rau, củ, quả; giá vẫn không tăng; thậm chí siêu thị còn giảm giá một số mặt hàng tươi sống để phục vụ khách hàng như giá cà chua VietGAP Đà Lạt giảm gần 4 nghìn đồng/kg, còn 34.800 đồng/kg; bắp cải VietGAP Đà Lạt giảm gần 5 nghìn đồng/ký, còn 24 nghìn đồng/kg.

Không để dân chịu đói, rét

Ghi nhận của Báo Quảng Nam onine vào chiều ngày 12.10. Hiện nhiều ô tô, xe gắn máy đã bị chết máy, ngập nước trên các tuyến đường Chương Dương, Lam Sơn của khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ). Không ít xe ô tô đã bị ngâm nước sâu, hỏng hóc máy, trầy xước, bong tróc… Ngoài ra còn có nhiều ngôi nhà bị ngập trong nước.

Ở các khu vực dọc đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học của TP.Tam Kỳ, người dân hỗ trợ nhau cùng khiêng vác, vận chuyển đồ đạc lên cao, đặc biệt là bếp núc để còn nấu ăn cho người thân qua lũ.

Tại khu vực Cồn Thị (phường Phước Hòa) nước dâng ngang ngực, nhiều người dân tự bơi trong nước lũ. Nhiều hộ than vắn thở dài vì tài sản đã bị ngâm trong nước mà không cách nào xoay xở để mang ra bên ngoài vì nước chảy xiết.

Từ ngàu chiều ngày 9 đếm 10.12, các ngành chức năng của TP.Tam Kỳ phải di chuyển nhiều nơi bằng nghe thuyền để cứu hộ, di dời nhiều gia đình người dân ở các xã Tam Thăng, Tam Phú đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, không chỉ người dân mà cán bộ, lãnh đạo của địa phương đều thức trắng đêm đồng hành cùng người dân xoay xở với lũ bất ngờ lên nhanh. Công tác di dời người dân đặt lên hàng đầu vì an toàn tính mạng, không thể để người dân chịu đói, rét, thiếu lương thực, thực phẩm, đặc biệt là phải đến nơi trú ẩn an toàn. (VIỆT NGUYỄN)

CHÂU NỮ - THANH THẮNG

CHÂU NỮ -