Đợi gì ở CPTPP?
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực từ tháng 1.2019. Các diễn ngôn của các nhà hoạch định chính sách đều cho việc ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) là lựa chọn sáng giá để mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để thực thi và nắm bắt vận hội mới vẫn đang là thách thức lớn. Có thể hiểu doanh nghiệp Việt như những tay đua bước vào sân đua toàn cầu nhưng thiếu sự chuẩn bị đầy đủ. Làm sao họ có thể cạnh tranh thành công với các đối thủ nước ngoài khi thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm quản lý và thiếu cả kết nối giữa họ với nhau để tạo sức mạnh cộng sinh?
Không ai có thể làm thay doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh sắp tới. Nhưng họ không thể chiến đấu một mình bởi sự thành bại của họ cũng liên quan đến vận mệnh địa phương, quốc gia. Đó là câu chuyện đáng bàn!
Thaco là một trong số những doanh nghiệp lớn Quảng Nam đã sẵn sàng cho hội nhập.Ảnh: T.D |
RỘNG CỬA THỊ TRƯỜNG
CPTPP có hiệu lực từ 14.1.2019, dường như đã mở toang cửa thị trường, nhưng tận dụng cơ hội này dường như không dễ như mong đợi.
Lợi ích kép
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị đình trệ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi đã hồi sinh trong tên gọi mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 thành viên và trở thành điểm sáng thành công của APEC 2017 tại Đà Nẵng. Sáu nước phê chuẩn đầu tiên là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia. Việt Nam phê chuẩn ngày 12.11.2018 và CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực với Việt Nam kể từ ngày 14.1.2019.
Hiện toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của CPTPP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Không chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm gần 100% thuế quan hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.
Theo nhận định của các nhà hoạch định chính sách, CPTPP hướng đến tự do hóa toàn diện, được kỳ vọng là con đường ngắn nhất để đạt hiệu quả cao nhất. CPTPP sẽ là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và cũng là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế. Các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh. Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thành viên đoàn đàm phán Chính phủ khẳng định, lợi ích thấy rõ nhất là xuất - nhập khẩu trong nội khối CPTPP không phải chịu các khoản thuế, sẽ giúp doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi cung ứng vào các thị trường chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru, thậm chí cả Nhật Bản. Nhưng lợi ích mang tính lâu dài được thể hiện chủ yếu về việc sẽ cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch.
Không dễ tận dụng
CPTPP chắc chắn sẽ mở ra lợi ích kinh doanh cho doanh nghiệp chủ động thay đổi môi trường hay điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Nhưng hiện có 96% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường quy mô nhỏ, thiếu kỹ năng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà, sức ép về các yêu cầu về xuất xứ nội khối, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sức ép giảm thuế, hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh, kiểm dịch thực vật… thì tất cả “diễn ngôn” trên cũng “mới chỉ là cơ hội”.
Cơ quan quản lý, doanh nghiệp miền Trung tham dự hội thảo hội nhập quốc tế tại Quảng Nam hồi thượng tuần tháng 11.2018 đều cho biết cơ hội còn dạng tiềm năng. Tận dụng được lợi thế hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực doanh nghiệp địa phương. Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, Quảng Nam có nhiều lý do để lo ngại khi 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Người sản xuất không biết được thông tin cũng như khả năng tiếp nhận các nguồn gốc giống tốt; yếu kém về công nghệ chế biến; thiếu vốn, thiếu vùng quy hoạch và thiếu doanh nghiệp “đầu đàn”. Một khi hiệp định có hiệu lực những doanh nghiệp nhỏ bé địa phương sẽ không khác gì những ngọn đèn treo trước gió.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khuyến cáo doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ hiệp định mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thể chế để mở rộng thị trường. Quan trọng hơn là tận dụng được thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang “dòm ngó”. Tư duy quản lý, kinh doanh cần được thay đổi. Không chỉ lo xuất khẩu, còn phải chú trọng đáp ứng nhu cầu nội địa, cạnh tranh doanh nghiệp ngoại ngay trên “sân nhà”. Theo ông Khanh, xoài Nhật, thanh long Đài Loan có giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn cháy hàng ở thị trường Việt Nam. Trong khi nhiều địa phương có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu hết và lại nhập về chính các mặt hàng mình đã xuất khẩu. “Doanh nghiệp cần quay lại đấu tranh để giành lấy thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Không thể “ngồi trên đống vàng” lại không tận dụng được” - ông Khanh nói.
CUỘC CHIẾN CỦA DOANH NGHIỆP
Không chỉ là thách thức, CPTPP có hiệu lực được dự báo sẽ là mối đe dọa “hủy diệt” các doanh nghiệp không có khả năng tiếp cận, thay đổi mô hình phát triển.
Sẵn sàng
Liên tục khánh thành các nhà máy sản xuất ô tô Mazda lớn nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á được chuyển giao công nghệ hoàn toàn mới từ Tập đoàn Mazda Nhật Bản, nhà máy Bus Thaco lớn nhất khu vực ASEAN có trong tay một hợp đồng xuất khẩu 1.150 xe bus đã được ký kết và 500 xe sẽ được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan, Philippines… Ngay trong năm 2018, nhà máy sản xuất máy nông nghiệp được chuyển giao công nghệ từ LS Mtron (Hàn Quốc). Hay mở rộng cảng, mở tuyến hàng hải hai chiều Chu Lai – Nhật Bản, Chu Lai – Hàn Quốc, thực hiện chiến lược đưa cảng Chu Lai trở thành cảng container lớn nhất miền Trung… Tất cả điều này khẳng định sau 15 năm, Thaco đã kiến tạo những giá trị cơ bản thiết yếu cho hội nhập, phát triển ngành sản xuất, kinh doanh tối đa tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin số hóa, quản trị sản xuất, kinh doanh theo mô hình “thông minh” xuyên suốt chuỗi giá trị. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương cho hay, hội nhập đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khu vực và thế giới. Thaco có đủ ý chí và quyết tâm nắm bắt thành công cơ hội lớn này.
Không chỉ Thaco, khoảng 100 doanh nghiệp có tiềm lực của Quảng Nam như Tuấn Đạt, Trường Giang, Phước Kỳ Nam, Gỗ Cẩm Hà… cũng đã sẵn sàng đương đầu thách thức hội nhập. Công ty Hữu Toàn Chu Lai đã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, trở thành một trong những doanh nghiệp đầy uy tín, chiếm thị phần xuất khẩu lớn sang Indonesia, Lào, Campuchia… về máy phát điện, máy nén khí và các loại máy nông ngư cơ, nhất là máy phát điện loại lớn sang thị trường Nhật Bản. Đại Dương Kính – một doanh nghiệp hơn 25 năm sản xuất, gia công các mặt hàng kính xây dựng ở Cụm công nghiệp Tây An, Duy Xuyên, ngoài hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008 năm 2013, đã lựa chọn và áp dụng hệ thống bảo trì năng suất toàn diện (TPM) kể từ tháng 6.2017. Ông Nguyễn Trường Ninh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Đại Dương Kính nói công ty đã chủ động kế hoạch sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, làm chủ công nghệ để chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Gỗ Cẩm Hà đã sử dụng kỹ thuật mới đã giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, nâng sức cạnh tranh sản phẩm gỗ xuất khẩu của doanh nghiệp…
Nhiều doanh nghiệp vẫn “bình chân như vại”
Những doanh nghiệp kể trên chỉ là số ít điểm sáng “hiếm hoi” của doanh nghiệp Quảng Nam tự thân nỗ lực chuẩn bị hội nhập. Cho dù sản phẩm may mặc, giày da, các sản phẩm từ gỗ, thủy sản… là những mặt hàng chủ lực Quảng Nam xuất sang các thị trường Colombia, Đan Mạch, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Slovakia... nhưng vẫn chưa thấy nhiều động tĩnh từ các doanh nghiệp ở lĩnh vực này.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ không bình chân như vại thì cũng chẳng làm được gì, bởi trong việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại cho đến nay, doanh nghiệp vẫn đang là… “người ngoài cuộc”. Sự khắc nghiệt của hội nhập đưa đến cho họ nhiều lựa chọn. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & xuất, nhập khẩu Việt Thắng Quảng Nam - Nguyễn Xuân Nhàn nói một cách buồn bã “yếu không thể ra gió”. Hàng nông sản công ty vốn từng xuất sang Nhật Bản, Nga… Nhưng các quy định bắt đầu khó khăn thì chỉ còn cách quay về thị trường nội địa hoặc tìm đến những thị trường dễ thở hơn. Ông Văn Công Mẫn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Việt Quang cho hay, những mặt hàng thủy, nông sản… xuất sang các thị trường này đều phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm không vượt qua được các yêu cầu kiểm dịch, không đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng hóa chất, hàm lượng phụ gia thực phẩm trong sản phẩm sẽ buộc phải khử trùng, tiêu hủy hay tái xuất. Quá nhiều những rào cản kỹ thuật, đầy rủi ro, nên không dễ dàng gì xuất khẩu sang thị trường cao cấp. Doanh nghiệp phải chọn một lối đi khác dễ dàng hơn hoặc chỉ gia công!
DOANH NGHIỆP CẦN PHÁT HUY NỘI LỰC
Không ai có thể làm thay doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh sắp tới nhưng họ cũng rất cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý. Chúng tôi ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu: “Doanh nghiệp sẽ tận dụng được cơ hội”
Không một doanh nghiệp nào bỏ qua cơ hội các hiệp định thương mại mang lại vì điều đầu tiên ai cũng trăn trở tìm ra cơ hội làm ăn, dù chỉ là đối tác, thị trường mới hay một thông tin thoảng qua.
Tinh thần doanh nghiệp Quảng Nam là sẵn sàng đón nhận hội nhập. Không một doanh nghiệp nào có thể thờ ơ khi thuế suất về bằng 0%. Họ đã chuẩn bị cho nhiều dự án đầu tư. Toàn bộ 20 nhà đầu tư dệt may ở Tam Thăng hay các KCN đều phải chuẩn bị đầy đủ để đón đầu cơ hội CPTPP hay các FTA.
Để trụ lại thị trường nội địa, các doanh nghiệp sẽ phải tự thân vận động đằng sau sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách khuyến khích đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh… cạnh tranh theo hướng bình đẳng. Tất cả đều đi trên một lộ trình định sẵn của các nhà hoạch định chính sách và quyết tâm hội nhập của Chính phủ. Nhưng trước hết, tự doanh nghiệp cũng phải chọn kế sách phát triển nếu không muốn mất vốn!
Vấn đề quan trọng của địa phương chính là tạo ra môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư tốt, định hướng được thị trường, cơ cấu kinh tế đúng hướng. Sự tăng trưởng nguồn thu của doanh nghiệp mấy năm qua (gia nhập tỉnh thành điều tiết về ngân sách trung ương) là thành công lớn. Triển vọng của doanh nghiệp hay của Quảng Nam sẽ rất rõ khi định hướng cơ cấu kinh tế rất rõ ràng. Tiếp tục phát triển công nghiệp, dịch vụ, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Cơ hội sẽ nhiều. Doanh nghiệp Quảng Nam cần có niềm tin và cần phát huy hết nội lực để trưởng thành và phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: “Khai thác có trách nhiệm”
Câu chuyện thẻ vàng của EU đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn mà các doanh nghiệp cần lưu tâm. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nắm bắt hết các quy định để tận dụng cơ hội và đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn chất lượng còn phải đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa. Khi xuất khẩu thủy sản, không chỉ đảm bảo rằng đó là sản phẩm sạch mà còn phải đảm bảo cả về quy trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường. Nếu không am hiểu thì rất dễ bị “dính đòn”.
Ngày 1.1.2019, Luật Thủy sản sẽ có hiệu lực. Hạn ngạch đánh bắt sẽ được quản lý chặt chẽ, chỉ đánh bắt đủ trữ lượng còn lại phải tái tạo. Nền sản xuất truyền thống sẽ phải chuyển sang đánh bắt mang tính khoa học, rất cần những con người có đủ năng lực để nhận thức được việc khai thác có trách nhiệm về lượng hải sản đã được quy định những loại thủy hải sản nào được đánh bắt. Không khai thác tận diệt.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: “Nông sản sẽ đủ khả năng cạnh tranh”
Sẽ có rất nhiều cơ hội, song thách thức không ít khi nền nông nghiệp Quảng Nam khá nhỏ lẻ, nên việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất rất khó, giá thành sản phẩm cao, độ đồng đều sản phẩm thấp, mức an toàn vệ sinh thực phẩm bị hạn chế, hơn nữa sản phẩm nông nghiệp không đủ để trở thành hàng hóa mà chỉ bán lẻ nội địa.
Lường trước được vấn đề này nên ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh một số cơ chế nhằm khuyến khích nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, lồng ghép tập huấn cho cán bộ làm công tác nông nghiệp ở cơ sở và nông dân về các cơ hội và nguy cơ cạnh tranh khi hội nhập.
Nếu ý thức được “điểm yếu”, bắt tay ngay vào cải tổ, mở rộng quy mô sản xuất thì không những sản phẩm nông nghiệp Quảng Nam “sống sót” trước CPTPP mà còn có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường khu vực và thế giới.
ĐỊNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Thống kê của UBND tỉnh, với 4.470 tỷ đồng thu xuất nhập khẩu đến cuối tháng 11.2018, các cảng biển Quảng Nam có sản lượng hàng hóa thông quan chủ yếu là hàng khô và nhập khẩu linh kiện ô tô. Nhận định có vẻ thiếu lạc quan này lại là chuyện không hề lạ khi dường như trong suốt nhiều năm qua, xuất khẩu vẫn thuộc khu vực yếu kém nhất trong toàn bộ nền kinh tế Quảng Nam.
Không ít công ty sản xuất đồ gỗ Quảng Nam đã được Công ty Kishwood Industry và Công ty Mky Sankyo tại Fuehou – Shi, Tokyo, Nhật đặt hàng cung cấp mẫu sản phẩm cửa gỗ, nội thất các loại… nhờ vào sự “giúp đỡ” của cơ quan quản lý. Nhưng sự hỗ trợ này dường như vẫn còn quá nhỏ bé so với nhu cầu và khát vọng của doanh nghiệp địa phương.
Tại sao với vùng đất được xem có lợi thế nguồn nguyên liệu tương đối ổn định do được mua từ các tỉnh trong nước hoặc nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Malaysia… với thị trường xuất khẩu tiềm năng như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc, nhưng vẫn không thể tăng trưởng như kỳ vọng? Câu trả lời không khó. Nhiều doanh nghiệp Quảng Nam sau hơn 20 năm gia nhập thị trường thế giới, hạ tầng dự trữ và thông tin thị trường vẫn yếu kém, sản phẩm còn ở dạng thô, thương hiệu yếu. Nông sản được cho là thế mạnh của Quảng Nam đứng trước cơ hội thâm nhập thị trường mới rộng mênh mông. Nhưng hiện tại tiêu thụ vẫn là chuyện nóng khi nông dân luôn nơm nớp lo sợ đầu ra nông sản. Trong khi đó, dân địa phương hàng năm vẫn phải bỏ tiền tỷ để nhập sản phẩm nông nghiệp. Chính quyền hiện đứng trước khó khăn khi giải quyết hai bài toán khó cho ngành nông nghiệp. Đó là kiểm soát năng lực sản xuất, chủ động điều chỉnh theo tín hiệu thị trường, không để xảy ra tình trạng sản xuất thừa, triệt để xóa bỏ tình trạng sản xuất theo phong trào, cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin về dự báo thị trường nông sản và tạo ra các kênh để nông dân có thể tiếp cận được.
Thực tế, không chỉ có những chính sách tiếp thị, kênh phân phối, để vào được các thị trường mới với những khác biệt về văn hóa tiêu dùng, doanh nghiệp Quảng Nam cần hình thành nên các định hướng chiến lược và cả nghiên cứu tư vấn chuyên sâu các ngành hàng chủ lực. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương từng than phiền không thể tìm đâu ra mặt hàng chủ lực để gia tăng xuất khẩu. Chưa có một hoạch định chiến lược, thiếu luận cứ khoa học để đưa ra các định hướng phát triển xuất khẩu cho các nhóm, ngành hàng chiến lược hay ngành hàng có tiềm năng trong tương lai. Doanh nghiệp Quảng Nam không chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu thô và chế biến nhập khẩu mà cả ngành công nghiệp chế biến và mạng lưới tiêu thụ các nguyên liệu phục vụ thị trường nội địa cũng đều do các doanh nghiệp quốc tế chi phối. Quảng Nam ngày càng tụt hậu trong việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nguyên liệu, vốn đầu tư, công nghệ, mạng lưới tiêu thụ…, chắc chắn xuất khẩu vẫn sẽ còn gặp khó khăn.
CPTPP hay các FTA chính là cơ hội để bán được hàng. Nhưng những cuộc đối thoại với doanh nghiệp về những cơ hội hay thách thức hội nhập dường như quá ít ỏi. Chưa có cơ quan nào đề cập những thách thức cụ thể, hướng doanh nghiệp phải làm gì? Thông tin, kết nối và huấn luyện tại chỗ là 3 điều cần thiết (không cần đầu tư nhiều tiền bạc) nhưng vẫn là khoảng trống của doanh nghiệp. Thay vì mở hội thảo chung chung, các nhà quản lý, hiệp hội nên biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin về luật pháp kinh doanh, nội dung cần biết trong các hiệp ước thương mại tự do mới, thông tin thị trường… Kết nối họ thành mạng lưới để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kể cả để cùng khai thác các cơ hội… thì liệu doanh nghiệp có còn thờ ơ với hội nhập nữa hay không?
TRỊNH DŨNG (thực hiện)