Khả quan thị trường đồ gỗ

VIỆT NGUYỄN 02/11/2018 02:32

Hàng hóa dồi dào, đa dạng kiểu mẫu trên thị trường cuối năm đã cho thấy sự vận động mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm gỗ của Công ty TNHH MTV Trầm hương Hùng Duyên. Ảnh: QUANG VIỆT
Sản phẩm gỗ của Công ty TNHH MTV Trầm hương Hùng Duyên. Ảnh: QUANG VIỆT

Cạnh tranh lành mạnh

Chỉ riêng trên đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ) hiện có hơn 10 cơ sở kinh doanh đồ gỗ cao cấp với nhiều sản phẩm được chế tác điêu luyện. Anh Nguyễn Minh Ánh (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) đi mua sản phẩm từ gỗ, cho biết: “Hàng hóa quá nhiều, nhìn ngắm đã thấy choáng ngợp. Chắc tôi sẽ mua bộ salon bằng gỗ hương kiểu dáng cổ điển với giá 30 triệu đồng cho vừa túi tiền để trang hoàng trong những ngày tết sắp đến”. Theo ông Phan Anh (thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam, Thăng Bình) - chủ 2 cơ sở sản xuất đồ gỗ cung cấp hàng hóa cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, muốn đáp ứng được yêu cầu ngày một khắt khe của khách hàng thì cần phải sản xuất hàng hóa chất lượng, bền, đẹp, hấp dẫn. “Tôi đặt ra yêu cầu là khâu thiết kế đồ gỗ phải chuẩn, tinh tế, giàu mỹ thuật. Sau đó, bắt buộc người thợ phải có kỹ thuật lắp ráp, điêu khắc mềm mại. Thị trường Quảng Nam bây giờ, không chỉ có các sản phẩm được làm ra tại chỗ mà hàng hóa ngoại tỉnh cũng nhập về ngày càng nhiều. Muốn tồn tại thì phải học hỏi, đổi mới, thích nghi với yêu cầu của cuộc sống” - ông Anh nói.

Ở một đô thị không quá sầm uất mà có đến hơn 30 cơ sở kinh doanh đồ gỗ như TP.Tam Kỳ, sự cạnh tranh, giành khách hàng là điều rất dễ nhận thấy. Chị Phạm Thị Vân - phụ trách siêu thị đồ gỗ Minh Khải (24 Trần Cao Vân, TP.Tam Kỳ) cho biết, ngoài hàng hóa có sẵn trong nước, cơ sở rất chú trọng nhập khẩu các sản phẩm gỗ cao cấp từ nước ngoài về để tạo lợi thế cạnh tranh. Ở đây, có nhiều bộ bàn ghế được sản xuất từ gỗ mun, pơmu có giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Ở thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước), Công ty TNHH MTV Trầm hương Hùng Duyên lâu nay đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ tiên tiến, xúc tiến thương mại để ký kết thêm các hợp đồng cung cấp sản phẩm gỗ. Doanh nghiệp này phải mua nguyên liệu gỗ khắp nơi về rồi tự thiết kế, tự đào tạo thợ gia công sản phẩm. Cái khó là nguồn lao động không dồi dào nên sản phẩm được làm ra chưa nhiều như kỳ vọng. Thuận lợi lớn là máy móc thiết bị có tính tự động hóa cao nên tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian sản xuất. Anh Đặng Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Trầm hương Hùng Duyên cho biết, do áp lực sản xuất phải đáp ứng được yêu cầu của người dùng nên bắt buộc phải tăng năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định.

Xuất khẩu đồ gỗ

Xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang đòi hỏi doanh nghiệp kinh doanh gỗ phải thường xuyên đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại để tăng sức cạnh tranh. Doanh nghiệp đề xuất Chính phủ ưu đãi thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị chế biến gỗ. Nhà nước cũng cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như trợ sức cho các đơn vị trồng rừng nhằm ổn định giá nguyên liệu, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm từ gỗ.

Công ty CP Cẩm Hà (TP.Hội An) là một trong những doanh nghiệp đã mạnh dạn xuất khẩu các loại đồ gỗ ra nước ngoài. Sản phẩm đặc trưng của công ty này là các loại bàn ghế nội thất được làm từ gỗ kết hợp với kim loại, vải, nhựa trông rất cuốn hút để xuất khẩu sang các nước châu Âu và châu Mỹ. Ông Dương Phú Minh Hoàng - Giám đốc Công ty CP Cẩm Hà cho biết, phải nỗ lực không ngừng để cải tiến mẫu mã, khẳng định thương hiệu, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường nước ngoài. “Chúng tôi có đội ngũ nhân viên thiết kế các sản phẩm gỗ dồi dào, kỹ thuật cao để tạo sản phẩm có nét riêng. Công ty thường xuyên đầu tư thêm máy móc, thiết bị tự động để tăng năng suất, cải tiến, tối ưu hóa sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh cao” - ông Hoàng nói.

Tín hiệu vui là hầu hết doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ cao cấp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tự chủ động hoàn toàn trong việc tìm kiếm thị trường, tìm kiếm khách hàng ở nước ngoài. Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu thế hiện nay của khách hàng tại châu Mỹ là đang dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đối với các nước lân cận ở châu Á, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chiếm thế thượng phong trong giành giật thị phần xuất khẩu đồ gỗ cao cấp sang cả châu Âu và châu Mỹ. “Thị trường tuy có tăng trưởng nhưng đi kèm là việc cạnh tranh giá cả rất khắc nghiệt. Khách hàng thường xuyên yêu cầu giảm giá bán qua mỗi năm để họ cạnh tranh trong khi giá cả và các yếu tố đầu vào trong nước như chi phí điện, nước, giá vật tư, sắt thép, xăng dầu liên tục tăng. Doanh nghiệp gặp khó trong hội nhập, cạnh tranh ngày một gay gắt hơn” - ông Dương Phú Minh Hoàng nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN