Nông sản vùng cao xuống phố

ĐĂNG NGUYÊN 22/10/2018 03:19

Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của người dân thành thị, nhiều hộ đồng bào vùng cao đã bắt đầu mở hướng đưa các mặt hàng nông sản về xuôi, phục vụ khách hàng theo chuỗi giá trị sản phẩm sạch.

Nhiều nông sản vùng cao chế biến thành các sản phẩm đặc trưng rất được người dân ở thành thị ưa chuộng. Ảnh: Đ.N
Nhiều nông sản vùng cao chế biến thành các sản phẩm đặc trưng rất được người dân ở thành thị ưa chuộng. Ảnh: Đ.N

Tin vào chất lượng

Thời gian gần đây, khi người tiêu dùng - nhất là ở khu vực thành thị - nghi ngờ thực phẩm bày bán tràn lan trên thị trường không đảm bảo an toàn, họ chuyển sang xu hướng sử dụng “đồ quê”, “đồ nhà làm”, đặc sản vùng cao khi xuống phố càng được ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Thảo, một tiểu thương ở thị trấn P’rao (huyện Đông Giang) chia sẻ, vài năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu của khách hàng đối với nông sản vùng cao, cùng với việc quảng bá sản phẩm dược liệu đảng sâm, ba kích tím, nấm lim xanh, chị còn thu mua và cung ứng ra thị trường các sản vật đặc trưng khác của đồng bào miền núi như ớt ariêu, chè dây razéh, khổ qua rừng… Những loại nông sản này đều được sơ chế để người mua có thể bảo quản sử dụng lâu dài.

Để tạo tương tác với khách hàng, chị Thảo tận dụng mạng xã hội facebook để đưa lên các clip quảng bá, giúp người xem dễ dàng nhận biết nguồn gốc sản phẩm, quá trình sơ chế và yên tâm hơn khi đặt mua sản phẩm. Trong đó, yếu tố sạch và đảm bảo chất lượng sản phẩm, cũng như nguồn gốc rõ ràng luôn được chị Thảo ưu tiên hàng đầu. “Sản vật miền núi vốn đã sạch và giàu giá trị dinh dưỡng. Vì thế, để mở rộng thị trường giúp nông sản vùng cao có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng ở đồng bằng, khu vực thành thị, bên cạnh chú trọng chất lượng sản phẩm, việc quảng bá cũng cần phải thực hiện tốt để đầu ra luôn ổn định” - chị Thảo nói.

Cũng như chị Thảo, nhiều tiểu thương vùng cao bây giờ đã bắt đầu mở rộng thị trường nông sản từ các vùng lân cận xuống một số đô thị như Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng... Những sản vật này được các hộ đồng bào miền núi trồng xen canh tại đất rẫy, hoặc đất nà, sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên nên đảm bảo yếu tố “hàng sạch” và chỉ có ở miền núi. Chị Nguyễn Thúy Nga, một hộ dân chuyên bán các mặt hàng nông sản ở huyện Nam Trà My cho hay, thời gian gần đây, từ nhu cầu của khách hàng đối với sản vật vùng cao, chị đã lặn lội tìm kiếm nguồn cung ứng từ đồng bào địa phương để phục vụ người mua. Ban đầu, chị Nga chỉ bày bán vài bó rau rừng, ớt hiểm, cùng vài nải chuối... dọc tuyến đường lên trung tâm Tắk Pỏ. Khi nhu cầu của khách hàng tăng lên, chị đã mở rộng bán thêm một số sản vật khác như ốc đá, ếch núi, cá suối, sâm đất, giúp người mua dễ dàng chọn lựa sản phẩm. Khách hàng của chị Nga, ngoài cán bộ miền xuôi công tác tại địa bàn huyện Nam Trà My, còn có khách vãng lai, thậm chí là đồng bào địa phương. “Sau vài lần mua, họ tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của mình nên tiếp tục ủng hộ. Thỉnh thoảng, cũng có một số khách hàng ở TP.Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hội An đặt mua, thông qua mạng xã hội facebook” - chị Nga cho biết thêm.

Mở rộng thị trường

Cơ hội phát triển từ các mặt hàng nông sản vùng cao trong những năm gần đây đã giúp chị Nguyễn Thị Thảo, cùng một số tiểu thương ở huyện vùng cao Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My có động lực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thông qua việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh tại các kỳ hội chợ triển lãm, nhiều tiểu thương vùng cao bắt đầu liên kết thăm dò thị trường thành phố, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn hơn. Như chị Thảo, ngoài cơ sở sản xuất đặt tại thị trấn P’rao, thời gian gần đây chị cũng đã mở thêm cơ sở bán hàng tại TP.Tam Kỳ và TP.Đà Nẵng, bước đầu mở rộng thị trường đưa nông sản vùng cao xuống phố.

Những năm gần đây, từ nhu cầu của khách hàng, chính quyền nhiều địa phương miền núi cũng đã liên kết tìm đầu ra cho nông sản, giúp đồng bào có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, ngoài mở rộng phát triển diện tích mô hình cây dược liệu ba kích, đảng sâm, địa phương còn khuyến khích người dân trồng xen canh các loại nông sản đặc trưng để phát triển kinh tế gia đình. Do đặc thù khí hậu mát mẻ, Tây Giang khá thuận lợi trong việc phát triển các loại cây dược liệu và hoa màu. Nhiều nông sản như thơm, chuối, kiệu, bắp,… cũng được đồng bào bày bán tại các phiên chợ, phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Khi nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, cộng với đường sá thuận lợi, nhiều mặt hàng nông sản vùng cao bắt đầu xuất hiện ở thành thị, mở ra tín hiệu lạc quan trong việc đưa chuỗi giá trị nông sản sạch miền núi đến với người tiêu dùng khắp nơi.

ĐĂNG NGUYÊN

ĐĂNG NGUYÊN