Duy Xuyên thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

HOÀI NHI 28/09/2018 01:53

Duy Xuyên đang tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.

Thịt heo sạch của Hợp tác xã NN&KDDVTH Duy Đại Sơn được huyện Duy Xuyên chọn thực hiện thí điểm Chương trình OCOP năm 2018.  Ảnh: VĂN SỰ
Thịt heo sạch của Hợp tác xã NN&KDDVTH Duy Đại Sơn được huyện Duy Xuyên chọn thực hiện thí điểm Chương trình OCOP năm 2018. Ảnh: VĂN SỰ

Hai sản phẩm thí điểm

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi heo cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng gặp không ít khó khăn do dịch bệnh bùng phát, giá cả thị trường biến động theo chiều hướng xấu khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, nông hộ lâm vào tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trang trại chăn nuôi heo thịt với quy mô 10 - 12 nghìn con/năm của Hợp tác xã Nông nghiệp & kinh doanh dịch vụ tổng hợp Duy Đại Sơn đóng tại thôn Phú Nhuận 2 (Duy Tân, Duy Xuyên) vẫn vững vàng trước sóng gió thị trường. Bởi, ngoài việc ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với rất nhiều nhà hàng, khách sạn và bếp ăn tập thể của các công ty, trường học trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng, Hợp tác xã còn xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm với 7 chuỗi cửa hàng cung ứng thịt heo sạch nên đầu ra luôn ổn định. Ông Võ Ngọc Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp & kinh doanh dịch vụ tổng hợp Duy Đại Sơn cho biết, mô hình chăn nuôi heo thịt thực hiện theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ khâu đầu vào con giống, thức ăn đến việc giết mổ, vận chuyển sản phẩm về cửa hàng đều được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ vậy, đơn vị được tỉnh chọn làm đầu mối sản xuất, giết mổ, cung cấp sản phẩm thịt heo sạch. Theo ông Sơn, xuất phát từ lợi thế đó, khi triển khai Chương trình OCOP, chính quyền huyện Duy Xuyên cùng các ngành liên quan của tỉnh quyết định chọn sản phẩm thịt heo sạch của hợp tác xã để thực hiện thí điểm trong năm 2018 và mục tiêu hướng đến là phát triển hoàn thiện thành sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp huyện, tỉnh.

Trong khi đó, ông Hồ Thanh Vỹ - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thu Bồn đóng tại thôn Gia Hòa (Duy Hòa, Duy Xuyên) cho hay, đơn vị đang chế biến khảo nghiệm trà thảo mộc lá sen và sản xuất, tiêu thụ nấm bào ngư, nấm rơm. Trong đó, trà thảo mộc lá sen đã được các ngành chức năng của huyện Duy Xuyên chọn làm sản phẩm đặc trưng trong việc thực hiện Chương trình OCOP năm 2018. Theo ông Vỹ, trà thảo mộc được khai thác từ lá sen tự nhiên ngay tại vùng tây của huyện, đảm bảo không có hóa chất và phụ gia bảo quản. Đây là loại thảo dược có công dụng thanh lọc cơ thể, giúp giảm mỡ, giảm cân và có tác dụng phòng trị cao huyết áp, bệnh mạch vành tim. “Từ nay đến cuối năm 2018, hợp tác xã của chúng tôi sẽ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì… để tham gia thi đánh giá và phân hạng sản phẩm ở cấp huyện, tỉnh nhằm tạo nền tảng vững chắc tiến đến sản xuất hàng loạt. Với sự đồng hành, quan tâm hỗ trợ về mọi mặt, nhất là nguồn kinh phí từ phía chính quyền địa phương, tôi tin rằng trà thảo mộc lá sen của đơn vị sẽ trở thành sản phẩm được thị trường ưa chuộng trong thời gian đến” - ông Vỹ nói.

Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên chia sẻ, thực hiện Chương trình OCOP, năm 2018 địa phương lựa chọn 2 sản phẩm đặc trưng nêu trên để xây dựng, phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và tạo thành ngành sản xuất hàng hóa. Ông Năm còn cho biết, ngoài nguồn kinh phí 380 triệu đồng hỗ trợ chủ thể tham gia phương án và một số hoạt động liên quan đến quá trình thực hiện chương trình, các ngành liên quan ở huyện Duy Xuyên vừa tổ chức kiểm tra thực tế tại Hợp tác xã Nông nghiệp & kinh doanh dịch vụ tổng hợp Duy Đại Sơn và Hợp tác xã Nông nghiệp Thu Bồn để kịp thời tư vấn, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho 2 đơn vị này phát triển sản phẩm hoàn thiện, đúng như kỳ vọng.

Thúc đẩy phát triển OCOP

Ông Văn Bá Năm cho biết, để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, thời gian tới Duy Xuyên tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Giai đoạn 2018 - 2020, ngoài thịt heo sạch và trà thảo mộc lá sen, Duy Xuyên còn tập trung phát triển thêm nhiều loại sản phẩm thế mạnh. Theo đó, địa phương sẽ tiến hành rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản bản địa, mang tính độc đáo và sản phẩm dịch vụ dựa trên thế mạnh về văn hóa, di tích, thắng cảnh, môi trường để phát triển sản phẩm OCOP. Cùng với tích cực hướng dẫn các chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm, ngành chức năng cũng sẽ tham mưu tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Đặc biệt, định kỳ kiểm tra, giám sát tình hình, kết quả thực hiện để tư vấn, hỗ trợ cộng đồng trong quá trình sản xuất - kinh doanh sản phẩm đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn và từng bước chuẩn hóa theo quy định, hướng đến phục vụ xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - Nguyễn Bốn nói, OCOP là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên chủ trương của huyện là không nóng vội trong triển khai, phải thực hiện bền bỉ và liên tục để thúc đẩy sự sáng tạo của người dân. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm túc chu trình OCOP thường niên; khuyến khích phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, điều hành theo chuỗi liên kết giá trị. “Để thực hiện thành công chương trình này, Duy Xuyên sẽ đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm đạt 3 - 5 sao cấp huyện, tăng cường quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin truyền thông. Mặt khác, lựa chọn, tham gia phân phối sản phẩm OCOP trên các trang mạng, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm phù hợp với quy hoạch, chủ trương của tỉnh, huyện và yêu cầu chung của chương trình” - ông Bốn nói.

 HOÀI NHI

HOÀI NHI