Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Còn nhiều rào cản (bài 3)
BÀI 3: KHÓ TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT
Cú hích cho một ngành nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều giá trị gia tăng thông qua tích tụ ruộng đất hay mở rộng hạn điền hiện vẫn là điểm nghẽn. Vấn đề này được quan tâm bàn thảo thời gian qua nhưng vẫn chưa thể tìm được một kế sách lưỡng toàn.
Tin liên quan
|
Cánh đồng Cả ở xã Duy Sơn, Duy Xuyên là một trong những khu vực được tích tụ ruộng đất có hiệu quả.Ảnh: T.D |
Tiến trình chậm chạp
Những trụ móng cuối cùng của gian nhà lưới, kính thuộc dự án sản xuất rau sạch 8ha công nghệ cao (3ha giai đoạn 1) đã hoàn tất trên cánh đồng Chiêm Sơn (xã Duy Sơn, Duy Xuyên). Giữa cánh đồng Cả lúa giống xanh rì, vài ba phụ nữ bịt kín mặt gặt bỏ đi những cây lúa lẫn. Ông Phạm Văn Du - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Duy Sơn 2 cho hay dự án rau sạch công nghệ cao này hay cánh đồng 40ha lúa giống cung cấp cho một doanh nghiệp ở Quảng Bình được sản xuất trên phần đất 5% của UBND xã Duy Sơn cho thuê. Nhân lực của HTX đủ sức sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, cung cấp cho thị trường nhưng HTX đang gặp khó. Nông dân địa phương dù không làm gì vẫn muốn giữ lại 1 hay 2 sào đất (từ 500 - 1.000m2) dành cho con cháu, nên không thể dễ tích tụ ruộng đất.
Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng chủ trương tích tụ đất đai có nhưng văn bản pháp lý thì chưa. Hiện đất nhà nước rất ít thì chỉ có liên kết thôi chứ thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp rất khó khăn. Doanh nghiệp chỉ có thể thuê đất, liên kết đầu tư giống, kỹ thuật, phân bón, thu mua sản phẩm cho dân, không thể yêu cầu nhà nước cho thuê đất hết được vì đất nhà nước còn chỉ một phần, số còn lại hộ gia đình đang quản lý, sử dụng. |
Không phải tới bây giờ người ta mới nói chuyện tích tụ ruộng đất hay hạn điền mà trong các diễn ngôn khi bàn về phát triển nông nghiệp, những cụm từ này thường được nhắc đến. Chính sách, pháp luật về đất đai cơ bản đã hoàn thiện, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn… đã được mở rộng, phù hợp về quy mô, điều kiện từng vùng. Song trên thực tế, tốc độ của quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm chạp. Khởi từ xã Bình Đào (Thăng Bình) triển khai thí điểm mô hình tập trung ruộng đất liên kết với Công ty Giống cây trồng miền Nam, tạo ra những thửa ruộng lớn, liền vùng đủ khả năng ứng dụng cơ giới hóa. Các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất khá đa dạng diễn ra tại các địa phương khác. “Sơ khai”, đơn giản nhất là dồn điền, đổi thửa cho liền vùng, liền thửa cho tới thuê đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo thống kê của UBND tỉnh, hiện tổng diện tích dồn điền đổi thửa tại 9 huyện, thị, thành phố là khoảng 18.487ha, chủ yếu trên đất lúa; xây dựng được 300 cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật với tổng diện tích gần 6.000ha, chiếm 32% diện tích đã dồn điền đổi thửa. Số diện tích liên kết doanh nghiệp để sản xuất hạt giống lúa, bắp, đậu xanh 4.300ha, chiếm 23% so với diện tích đã được dồn điền đổi thửa. So với diện tích 41.000ha lúa nước, 25.000ha hoa màu đang được gieo trồng tại Quảng Nam (300.000 nông hộ, bình quân mỗi hộ chỉ sử dụng 1.360m2 đất lúa và 825m2 đất màu), thì diện tích tập trung ấy còn quá nhỏ bé.
Những thương vụ đình đám như Công ty CP Ô tô Trường Hải đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở Thái Bình, đầu tư 1 tỷ USD vào Hoàng Anh - Gia Lai trong lĩnh vực nông nghiệp; hay Vinamilk hợp tác với Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) quy hoạch tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao với 22.000 con trên diện tích 6.000ha có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, “nóng” trên các mặt báo suốt mấy tuần qua khiến Quảng Nam ít nhiều tiếc nuối. Không tiếc nuối sao được khi chính những doanh nghiệp này đã từng khảo sát thị trường nông nghiệp Quảng Nam, nhưng phải rời đi vì địa phương không thể đáp ứng được quỹ đất đủ lớn để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao! Không phải ngẫu nhiên mà tại hội nghị toàn quốc về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại Lâm Đồng ngày 30.7.2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói chính sách hạn điền đã tạo ra sự manh mún, nhỏ lẻ của ruộng đất là nút thắt đầu tiên cần giải quyết. Nhưng muốn tháo bỏ nút thắt hạn điền, phải bỏ được nút thắt tâm lý “sợ tích tụ ruộng đất”, “sợ nông dân mất đất”...
Giải pháp nào cũng khó
“Sau dồn điền đổi thửa sẽ là tích tụ ruộng đất. Đây là chủ trương tất yếu phải thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất hiện đại theo hướng hàng hóa. Quảng Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh) |
Đất đai vẫn là yếu tố quan trọng nhất của nông nghiệp. Cho dù áp dụng kỹ thuật hiện đại đến mấy vẫn phải cần có đất. Một khi không chấp nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai sẽ khó nói đến chuyện tích tụ ruộng đất một cách minh bạch, không thể phát triển quy mô sản xuất. Ông Hồ Quang Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói hai năm rồi, không biết bao nhiêu doanh nghiệp lên rồi bỏ đi hết vì khi hỏi về cơ chế tích tụ ruộng đất, nhưng không có đủ đất. Không biết bao nhiêu kiến nghị tháo gỡ cho việc tích tụ ruộng đất để đón nhà đầu tư vẫn không thể thực hiện được, nên thu hút đầu tư vào địa phương vẫn giẫm chân tại chỗ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói sau dồn điền đổi thửa sẽ là tích tụ ruộng đất. Đây là chủ trương tất yếu phải thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất hiện đại theo hướng hàng hóa. Quảng Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất.
Đầu tư vào trồng trọt Quảng Nam không còn nhiều hy vọng. Trong khi những giải pháp tích tụ ruộng đất bằng thuê quyền sử dụng đất, góp vốn, chuyển quyền sử dụng đất, liên kết… trên thực tế đều không dễ thực hiện. Ông Phạm Văn Du - Chủ tịch HĐQT HTX Duy Sơn 2 nói thuê đất xã viên 1 sào trả 50kg lúa/vụ và họ sẽ làm nhân công trên chính mảnh ruộng của mình, nhưng họ chưa chịu và cuộc đàm phán này vẫn chưa ngã ngũ. Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam tại Cụm công nghiệp Nam An Sơn (Quế Thọ, Hiệp Đức) đang gặp phải vấn đề nan giải. Doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh cho quy hoạch 30.000ha vùng nguyên liệu, nhưng khi khảo sát, phần lớn đất đai đã được dân sử dụng, kể cả chiếm dụng, không thể làm gì được. Theo ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam chủ trương tích tụ đất đai ở địa phương rất khó khăn. Đất đã giao cho dân thì khó lấy lại và doanh nghiệp không có đất sử dụng. Ông Hùng kiến nghị có chính sách cụ thể để doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp muốn tích tụ đất đai không phải để làm chủ sở hữu mà Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp, doanh nghiệp giao lại và tổ chức cho dân sản xuất. “Doanh nghiệp chủ động cho dân ứng vốn, hỗ trợ giống chất lượng, kỹ thuật, và dân sản xuất theo kế hoạch, doanh nghiệp cam kết thu mua lại với giá sàn, cao hơn cả giá thị trường. Đó là cách thức tốt nhất để giao cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, bảo đảm nguyên liệu ổn định cho nhà máy. Nhưng đến cách ấy vẫn gặp khó khăn” - ông Hùng nói.
Câu chuyện liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cũng lắm bi hài. Đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu doanh nghiệp, kể cả FDI đầu tư vào nông nghiệp liên kết thu mua sản phẩm nông dân ở Điện Bàn, Đại Lộc hay Phú Ninh chế biến ớt, dứa, nguyên liệu sợi, bông vải, mía… đã sớm phải “bỏ của chạy lấy người” vì thiếu nguyên liệu. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho hay không chỉ ở Quảng Nam, bất cứ doanh nghiệp nào đầu tư vào nông nghiệp cũng thực sự không dễ dàng. Những hợp đồng nông nghiệp giữa doanh nghiệp - nông dân hiện nay chưa có thể chế pháp lý tốt để bảo vệ quyền hợp đồng hai phía khi giá nông sản lên xuống thất thường, dễ xảy ra tình trạng “bội ước”. Ông Tuấn nói cần mở rộng, tiến tới xóa bỏ hạn điền, kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp hoặc quy định cụ thể về tiếp tục sử dụng đất sau khi hết thời hạn và hạn chế các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp...
___________
Bài cuối: Thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp
TRỊNH DŨNG