Doanh nghiệp cần thích ứng với công nghiệp 4.0

VIỆT NGUYỄN 25/06/2018 13:47

Hội thảo Phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) tổ chức tại TP.Tam Kỳ vào cuối tuần qua đã vạch rõ những thời cơ và thách thức, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh định hướng chiến lược quản trị, điều hành, sản xuất phù hợp trong thời gian đến.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần thay đổi để thích ứng và hội nhập với công nghiệp 4.0. Ảnh: V.NGUYỄN
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần thay đổi để thích ứng và hội nhập với công nghiệp 4.0. Ảnh: V.NGUYỄN

Dấu hiệu lạc quan

Quảng Nam đang tập trung vào 3 trụ cột, tạo động lực lớn phát triển kinh tế - xã hội là đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã năng động, khẳng định vị thế và có đóng góp lớn cho tỉnh.

Có thể nhắc đến sự kiện, mới đây Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) khánh thành nhà máy lắp ráp ô tô Mazda thứ 2 tại Khu kinh tế mở Chu Lai, sau đúng 1 năm xây dựng và lắp đặt thiết bị. Đây là nhà máy sản xuất xe Mazda lớn nhất và công nghệ mới nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á, đạt chuẩn toàn cầu của Mazda Nhật Bản.

Sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Thaco đã tài trợ dự án nút giao vòng xuyến 2 tầng giữa quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam với đường trục chính từ cảng Chu Lai đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đưa vào sử dụng trong thời gian đến, tạo kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khu vực phía nam của tỉnh.

“Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng và phát triển công nghiệp 4.0, nhận diện vị thế các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh có thể thấy đóng góp ngày càng to lớn, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm dần, phát triển du lịch, công nghiệp tạo bứt phá mạnh mẽ” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.

Hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh

Đến nay, Quảng Nam có hơn 6.000 doanh nghiệp  đang hoạt động, đứng thứ 3/11 tỉnh, thành về số lượng doanh nghiệp trong khu vực. Năm 2017, tỉnh có gần 1.300 doanh nghiệp được thành lập mới, chỉ đứng sau TP.Đà Nẵng trong tốp 11 tỉnh, thành. Tổng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp thành lập mới tại Quảng Nam đạt 14,1 tỷ đồng/doanh nghiệp, đứng thứ 2/11 tỉnh, thành, cao hơn mức bình quân cả nước là 38,2%. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 167 dự án FDI với tổng vốn thu hút 5,8 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn FDI thu hút, đứng thứ 2 về tổng dự án. Bình quân vốn/dự án của Quảng Nam đạt 34,7 triệu USD, gấp 39 lần bình quân của TP. Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng, rất đáng mừng là trong 5 năm trở lại đây, điểm số PCI của Quảng Nam cải thiện liên tục, năm sau cao hơn năm trước và là một trong số ít tỉnh thành duy trì mức độ cải thiện liên tục này.

Quảng Nam cũng nằm trong tốp 12/63 tỉnh, thành có mức độ cải thiện về PCI so với PCI gốc.

Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tốt cho hoạt động của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, Quảng Nam đã chuyển hóa cơ hội, thu được nhiều thành quả tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất.

“Có thể thấy rằng, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam đã, đang và sẽ là động lực tăng trưởng chính trong thời gian đến” - ông Nguyễn Tiến Quang nói.

Nhận diện tác động

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, khách hàng, đối tác; giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh; dễ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cơ hội huy động, đầu tư và phân bổ vốn hiệu quả; tạo điều kiện để cải cách. Tuy nhiên, thách thức không hề nhỏ, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, dễ mất thị phần; rủi ro lan truyền nếu công ty mẹ của tổ chức nước ngoài gặp khó khăn; rủi ro về dòng vốn luân chuyển nhanh hơn nên dễ khủng hoảng; rủi ro chảy máu chất xám; giảm tính tự chủ, độc lập; phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp trong, ngoài nước gặp khó.

Về cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ có tốc độ thay đổi nhanh chóng, tác động rộng và sâu đến mọi mặt của cuộc sống; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trọng hơn trước; tác động tích cực về lâu dài nhưng trong ngắn hạn sẽ có không ít tác động tiêu cực; kết hợp nhiều công nghệ hoạt động khác nhau, kết nối giữa thực và ảo; thay đổi dòng thông tin, dữ liệu, tri thức và vai trò của cá nhân, doanh nghiệp.

Cơ hội được tạo ra từ cách mạng công nghiệp 4.0 là giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch, quản lý; tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác; tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực; ứng dụng công nghệ hiện đại; cơ hội đổi mới, sáng tạo, đột phá trên cơ sở phân tích sâu dữ liệu lớn.

Còn thách thức là buộc doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh, tổ chức, quản trị và văn hóa kinh doanh. Đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi, đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin và tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. Rủi ro công nghệ thông tin sẽ tăng cao; cạnh tranh tinh vi, khốc liệt hơn.

“Mô hình tổ chức nguồn nhân lực phải được doanh nghiệp thay đổi theo hướng nhanh, gọn, sử dụng đa kênh phân phối, tích hợp để giải quyết công việc. Doanh nghiệp cần có kỹ năng quản lý nguồn nhân lực đa thế hệ, năng suất lao động cần phải tăng cao hơn. Nguồn nhân lực cần phải am hiểu công nghệ, có khả năng đa nhiệm, tự tin, độc lập, có nhu cầu học hỏi lớn” - TS. Cấn Văn Lực nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, doanh nghiệp Quảng Nam cần định vị lại thương hiệu, uy tín của mình trên thương trường để nâng cao năng lực quản trị. Các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ cần chủ động hợp tác, kết nối để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Điều quan trọng là thay đổi văn hóa và mô hình quản lý kinh doanh; cam kết nhất quán với đối tác; quản lý rủi ro kinh doanh số…

“Hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 như con tàu mà ai lên sớm sẽ có lợi thế cạnh tranh và vị thế mới. Mọi doanh nghiệp cần chấp nhận rủi ro trong tầm kiểm soát và chuẩn bị công nghệ, nguồn nhân lực 4.0 để nâng cao vị thế hội nhập sâu rộng” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN