Đưa OCOP tiệm cận đời sống
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” đang nỗ lực để tiếp cận gần hơn với người dân các vùng nông thôn xứ Quảng.
Du lịch cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An) - một trong những sản phẩm dự kiến tham gia OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn - bán hàng. Ảnh: J.T |
Thực hiện Chương trình OCOP, UBND tỉnh đã thông qua đề án thực hiện với các mục tiêu dài hạn nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch đặc trưng, nâng cao đời sống người dân. Các địa phương đang tiến hành những bước đầu tiên để nhanh chóng xúc tiến triển khai Đề án OCOP Quảng Nam.
Cộng đồng là chủ thể
Hiện tại, ngành nông nghiệp Quảng Nam đang khảo sát bước đầu và chọn lọc xác định được 130 sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương để hoàn thiện phát triển sản phẩm. Đây cũng là mục tiêu cụ thể của Đề án OCOP Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020.
Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, các sản phẩm tham gia chương trình sẽ tập trung vào các nhóm, ngành hàng, bao gồm nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn - bán hàng. Các sản phẩm được chọn lọc là đặc sản vùng miền hoặc làng xã, sử dụng nguyên liệu, công nghệ địa phương hoặc do người dân địa phương thực hiện. Đây cũng chính là yếu tố cơ bản của OCOP, khi nhà nước sẽ tham gia hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất, kinh doanh chuỗi nông sản bằng nội lực cộng đồng.
PGS-TS. Trần Văn Ơn, chuyên gia Chương trình OCOP, đồng thời là người tham gia viết Đề án OCOP tại Quảng Nam cho biết, OCOP thực hiện đầy đủ các nguyên tắc phát triển cộng đồng, với việc đây là chương trình xuất phát từ người dân. Người dân quyết định tham gia chương trình bằng việc đề xuất ý tưởng về sản phẩm. Dựa trên ý tưởng này, hệ thống OCOP chính thức vào cuộc ở các công đoạn tiếp theo.
“Khi các sản phẩm địa phương được phát triển và thương mại hóa thành công, người dân được hưởng các thành quả như tạo ra thu nhập, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Điều quan trọng nhất là khi người dân là chủ nhân của quá trình phát triển, bằng cách góp vốn vào các hợp tác xã, công ty cổ phần... tại cộng đồng, họ được quyết định các hướng phát triển, chia sẻ lợi ích. Trong khi đó, các nguồn lực cộng đồng được huy động đầy đủ, từ tri thức, công nghệ truyền thống, nguyên liệu địa phương, đến vốn góp, quản trị, quyết định các chiến lược phát triển, phân chia lợi ích có được từ sự phát triển. Với sự tham gia đầy đủ như vậy, người dân là chủ nhân của quá trình phát triển, thay cho thân phận đi làm thuê vẫn thường được nghĩ và diễn ra trong thực tế ngày nay. Và Nhà nước chỉ đóng vai trò là người “tạo sân chơi” (triển khai chu trình) và hỗ trợ cộng đồng những phần còn thiếu và điều phối các nguồn lực, như tăng phần vốn cho sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, “nắn dòng” ngân sách khoa học công nghệ” - ông Trần Văn Ơn chia sẻ.
Từ người trong cuộc
Quảng Nam đang bắt đầu thành lập những nhóm dự án cụ thể, nâng cấp, phát triển sản phẩm thực hiện theo chu trình OCOP thường niên. Các dự án này được cộng đồng đề xuất và làm chủ đầu tư. Chương trình OCOP cấp huyện quản lý đầu tư, chủ trì phối hợp với cơ quan tư vấn, các đối tác để hỗ trợ trong quá trình cộng đồng triển khai dự án; ngân sách nhà nước hỗ trợ theo cơ chế, chính sách hiện hành. Cùng với đó, theo Đề án OCOP được UBND tỉnh phê duyệt, các sản phẩm khi tham gia chương trình sẽ được trưng bày tại những trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, dự kiến đặt tại TP.Tam Kỳ và TP.Hội An.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, Hội An có đến hơn 10 sản phẩm và tổ chức ở nhiều nhóm ngành nghề. Trước mắt, Hội An đề nghị Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn hướng dẫn để các cơ sở sản xuất kinh doanh nắm bắt được tinh thần của chương trình này. “Thành phố cũng đã nghiên cứu địa điểm để bố trí trưng bày giới thiệu và bán hàng OCOP, nhằm đưa các sản phẩm đặc trưng Quảng Nam đến với nhiều du khách” - ông Nguyễn Thế Hùng nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có sản phẩm được chọn lọc để nâng cấp lại băn khoăn về câu chuyện quảng bá sản phẩm thông qua các phiên chợ ngoài tỉnh. Đại diện cơ sở sản xuất kinh doanh Minh Phúc với sản phẩm tinh dầu quế Trà My cho biết, hiện tại họ vẫn chưa nắm được các tiêu chí đánh giá sản phẩm để đạt chứng nhận OCOP.
“Theo tôi được biết, OCOP sẽ ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng ở miền núi chủ yếu là sản xuất kinh doanh cá thể, nên chúng tôi đề nghị mở rộng phạm vi hỗ trợ cho chủ thể OCOP” - đại diện cơ sở Minh Phúc kiến nghị.
Ở nhóm thực phẩm, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) với sản phẩm dầu phụng Đất Quảng cho rằng, để tránh tình trạng phải giải cứu nông sản thường xuyên như hiện nay, xây dựng OCOP là điều cần thiết. “Chúng tôi đang xúc tiến thành lập thêm một hợp tác xã tại Gò Nổi để ứng dụng sản xuất theo chuỗi với các sản phẩm nông nghiệp tại đây. Không chỉ ở sản phẩm dầu phụng, hiện tại dự án khôi phục việc trồng dâu nuôi tằm cũng được triển khai tại địa phương, nên chúng tôi cần sự hỗ trợ để hợp tác xã nhanh chóng ra đời” - ông Thành chia sẻ.
Chương trình OCOP Quảng Nam vẫn đang trong những ngày đầu sắp xếp để tính toán các phương án triển khai đề án thực hiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, với danh mục sản phẩm hiện có, dự kiến lựa chọn hoàn thiện và nâng cấp trong chương trình OCOP, địa phương sẽ ghi nhận ý kiến từ phía cộng đồng để nhanh chóng xúc tiến các hoạt động của chu trình OCOP.
Triển khai OCOP, các nhóm dự án khai thác thế mạnh nông nghiệp - nông thôn của Quảng Nam gắn với phát triển du lịch sẽ hình thành dự án trục văn hóa - nông dược (nông sản, dược liệu) Hội An - Tam Kỳ - Phú Ninh - Trà My. Theo đó, các tiểu dự án như thành lập Công viên nông dược Quảng Nam trên địa bàn huyện Tiên Phước (dự kiến tại xã Tiên Lộc), dự án Vùng dược liệu Trà My trên địa bàn huyện Nam Trà My, Bắc Trà My (được thực hiện dưới dạng dự án tổng thể phát triển dược liệu Trà My gắn với du lịch). Hay các dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng trên địa bàn huyện Nam Trà My; dự án Quy hoạch, xây dựng làng du lịch truyền thống cộng đồng Bắc Trà My (tại thôn Cao Sơn); dự án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng và các dự án về du lịch sinh thái gắn với phát triển các làng nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp. Ngoài ra còn có các dự án nâng cấp, mở rộng chuỗi sản phẩm chủ lực cấp tỉnh như về quế Trà My, đẳng sâm, tiêu Tiên Phước,… Các dự án này do OCOP tỉnh và OCOP huyện (trong phạm vi dự án) thực hiện với sự tham gia của cơ quan tư vấn và các đối tác. Trong khi đó, dự án khởi nghiệp OCOP cũng được hình thành do các hội viên phụ nữ và đoàn viên - thanh niên thực hiện. |
XUÂN HIỀN