Làng nghề sản xuất nước mắm Tam Ấp

TƯỜNG QUÂN 17/05/2018 13:05

UBND tỉnh vừa công nhận làng nghề sản xuất nước mắm Tam Ấp, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), đánh dấu sự khôi phục và mở rộng phát triển của làng nghề ở vùng quê ven biển này.

Nước mắm Tam Ấp, Tam Thanh tạo nên các sản phẩm du lịch tại địa phương. Ảnh: T.Q
Nước mắm Tam Ấp, Tam Thanh tạo nên các sản phẩm du lịch tại địa phương. Ảnh: T.Q

Theo lời kể của các cụ cao niên ở thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh), nghề sản xuất nước mắm Tam Ấp có từ lâu đời nhưng đến thời kỳ Pháp thuộc mới được đưa ra tiêu thụ rộng rãi trên thị trường và nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tại thời điểm này, đa số người dân trên địa bàn xã tham gia làm nghề nước mắm. Từ năm 1950 đến năm 1970, nghề chế biến nước mắm Tam Ấp phát triển mạnh. Cụ bà Trần Thị Thành lúc còn trẻ đã cùng gia đình làm nước mắm cho biết: “Thời trước, người dân Tam Ấp, nay là thôn Trung Thanh, có nhiều hộ làm nước mắm bằng cách muối nguyên liệu cá trong các thùng to bằng gỗ và lấy nước mắm nhỉ, rồi đựng trong các chum vại. Sau đó vận chuyển đi tiêu thụ bằng đường bộ khắp Tam Kỳ, Tiên Phước và ngược sông Thu Bồn, Vu Gia đến các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức, Đại Lộc. Nghề nước mắm thời ấy đã giúp cho người dân chúng tôi có cái ăn cái mặc”.

Giai đoạn 1965 - 1975, khi chiến tranh ác liệt, các cơ sở nước mắm Tam Ấp bị bom đạn phá hủy. Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, nghề nước mắm tại xã biển này được khôi phục nhưng phát triển không mạnh bằng các năm trước. Những năm 1990 - 2000, thị trường tiêu thụ nước mắm phát triển với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu nước mắm đóng chai nên nước mắm Tam Ấp dần dần bị mai một. Đến năm 2001, địa phương đã xây dựng một hợp tác xã chế biến nước mắm nhưng sau đó giải thể do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường. Nhiều hộ dân cũng phải bỏ nghề. Năm 2012, tổ hợp tác nước mắm Tam Thanh được thành lập với 80 hộ dân tham gia làm nghề. Thời gian này, nước mắm Tam Thanh được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu. Tháng 6.2017, các hộ sản xuất nước mắm trong tổ hợp tác đã thành lập Hợp tác xã Nước mắm Tam Thanh gồm 12 thành viên. Ông Đỗ Đình Đồng - Trưởng ban công tác mặt trận thôn Trung Thanh cho biết: “Hiện nghề nước mắm Tam Thanh đã được xây dựng nhãn thương hiệu sản phẩm với nhiều cơ sở nổi tiếng như cơ sở nước mắm Ngọc Lan, nước mắm Ngọc Loan, nước mắm Cô Chín, cơ sở của các bà Lê Thị Vân, Lê Thị Đoàn, Lê Thị Thuyên, Phan Thị Sang, Võ Thị Hồng… Sản lượng nước mắm bán ra thị trường tăng lên qua từng năm. Năm 2016 là 200 nghìn lít, năm 2017 là 210 nghìn lít”.

Ông Mai Đình Lợi - Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết, làng nghề nước mắm Tam Ấp được tỉnh công nhận có ý nghĩa quan trọng để địa phương mở rộng quy mô sản xuất, gắn phát triển du lịch. Đồng thời có thể áp dụng các phương pháp truyền thống và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Nước mắm Tam Ấp cũng là một trong hai sản phẩm của Tam Kỳ thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới.

TƯỜNG QUÂN

TƯỜNG QUÂN