Thị trường đồ dùng trẻ em: Hàng ngoại chiếm ưu thế
Hiện nay, thị trường đồ dùng trẻ em tại TP.Tam Kỳ với mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài chiếm ưu thế và được các bà mẹ lựa chọn.
Hàng ngoại được bày bán trong một cửa hàng đồ dùng trẻ em. Ảnh: K.LY |
Dạo một vòng quanh siêu thị, các chợ và tuyến đường lớn tại TP.Tam Kỳ như Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Hùng Vương… nơi có nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng dành cho trẻ em, có thể dễ dàng nhận thấy những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài chiếm ưu thế trên các quầy hàng. Chị Doãn Phi Yến, chủ cửa hàng kinh doanh đồ mẹ và bé Milo Baby Care (đường Phan Châu Trinh) cho biết, ban đầu, cửa hàng chủ trương kinh doanh hàng Việt theo tiêu chí “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Tuy nhiên, có rất nhiều bậc phụ huynh muốn mua hàng ngoại cho con. “Người tiêu dùng có tâm lý chuộng hàng ngoại hơn hẳn hàng trong nước. Từ những loại thiết yếu như sữa, quần áo đến những hàng hóa phụ trợ như bánh ăn dặm, kem bôi trị nẻ, siro trị ho… cũng phải là hàng Mỹ, Anh, Nga… Để đáp ứng nhu cầu của khách, chúng tôi phải nhập hàng ngoại về. Xu hướng đó khiến những mặt hàng này đã chiếm phần lớn số lượng hàng hóa của shop”. Cũng theo chị Yến, thực tế, những sản phẩm hàng Việt vẫn bán được nhưng số lượng không nhiều, chỉ bằng một phần ba so với số lượng hàng ngoại bán ra mỗi tháng. Nguyên nhân được đưa ra là các doanh nghiệp trong nước dù có cải tiến, đầu tư sản xuất tới đâu thì cũng không tránh khỏi “hạn chế” chung của các dòng sản phẩm Việt là chưa được quảng bá mạnh mẽ, chủng loại không đa dạng, bao bì, mẫu mã chưa thực sự bắt mắt… Bên cạnh đó, tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh vẫn tin rằng hàng ngoại, hàng đắt tiền thì chất lượng cao hơn nên sẵn sàng chọn mua.
Theo Tổng cục Hải quan, vừa qua có tình trạng lợi dụng chính sách thuế ưu đãi với mặt hàng quà biếu, quà tặng nhập khẩu từ nước ngoài để nhập về trốn thuế. Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng, đảm bảo tiêu chuẩn định mức miễn thuế hàng hóa nhập khẩu đúng quy định. Đồng thời yêu cầu các đơn vị cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan để phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại của các đối tượng nhập cảnh. Trước đó, từ đề xuất của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo 5 bộ: Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, Y tế, Công an về việc tăng cường quản lý hàng hóa, quà biếu, tặng từ nước ngoài vào Việt Nam.T.B (theo vietnam+) |
Sự chênh lệch giữa hàng nội và hàng ngoại được thể hiện ở nhiều dòng sản phẩm, từ sữa, bỉm, thực phẩm chức năng đến đồ chơi, quần áo… Những mặt hàng tã giấy, bình sữa kháng khuẩn, hóa mỹ phẩm cho trẻ em hầu hết là hàng ngoại nhập từ Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ… hoặc của các thương hiệu nước ngoài sản xuất, đóng gói tại Việt Nam như sữa Nan (Nga), sữa Aptamilk (Anh), sữa Meji (Nhật)… Bỉm Merries, Goon, Pampers (Nhật), Huggies (Mỹ),… Quần áo hiệu Zara (Tây Ban Nha), H&M (Thụy Điển), Topshop (Anh)… mặc dù giá bán cao hơn so với các mặt hàng cùng loại trong nước từ 30% lên đến 50% nhưng vẫn bán rất chạy.
Thói quen và tâm lý mua đồ ngoại, đồ đắt tiền vô hình trung đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận gia đình trẻ. Nhiều mẹ “bỉm sữa” mặc dù thu nhập trung bình, nhưng vẫn sẵn sàng chi hàng triệu đồng mua đồ ngoại cho con dùng thì mới an tâm. Nắm bắt được tâm lý đó, nên các cửa hàng và các trang mạng trực tuyến chuyên bán hàng xách tay, hàng ngoại nhập thi nhau nở rộ, trong đó có nhiều địa điểm không có sự quản lý của cơ quan chức năng, chất lượng các sản phẩm không được đảm bảo, bảo hành, Theo ghi nhận của chúng tôi, trong số các loại hàng hóa có mặt tại nhiều cửa hàng, vẫn xuất hiện nhiều mặt hàng thiếu tem nhập khẩu, tem kiểm định. Vì vậy, giá cả vẫn do các chủ cửa hàng quy định, nhiều sản phẩm nhập lậu không có nhãn tiếng Việt kèm theo khiến người sử dụng không nắm bắt được hướng dẫn sử dụng, phương pháp sử dụng, thời gian bảo quản sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hương (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Đang có con nhỏ nên tôi hiểu tâm lý chung của bậc cha mẹ là luôn dành điều tốt đẹp cho con. Nhưng dùng hàng ngoại không phải lúc nào cũng tốt. Chẳng hạn như cùng một loại siro ho nhưng siro ho Prospan của Đức, Pháp, Úc có giá dao động 150 - 400 nghìn đồng/hộp được nhiều mẹ tìm mua; trong khi đó tôi chỉ mua cho con loại siro ho Astax Việt Nam với giá chỉ 60 nghìn đồng/hộp nhưng cũng rất hiệu quả”.
KIỀU LY