Sâm Ngọc Linh bán ở chợ phiên
Phiên chợ sâm núi Ngọc Linh được tổ chức hàng tháng tại huyện Nam Trà My, đến nay đã là phiên chợ lần thứ 7. Chất lượng sâm cũng như giá cả sâm cao ngất ngưởng khiến nhiều người băn khoăn. Chung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, để làm sáng tỏ điều mà nhiều người quan tâm.
Sâm Ngọc Linh là mặt hàng được ưa thích, mang lại doanh thu cao ở mỗi phiên chợ sâm hàng tháng tại huyện Nam Trà My. Ảnh: N.D |
- Thưa ông, sâm Ngọc Linh được bày bán trong mỗi phiên chợ có sự hoài nghi về chất lượng do việc thẩm định thật- giả bằng vị giác và mắt thường chứ chưa có máy móc nào. Theo ông, việc thẩm định như thế có chính xác?
- Ông Hồ Quang Bửu: Trước hết, tôi khẳng định ngay rằng, những củ sâm Ngọc Linh được bày bán ở phiên chợ là sâm thật 100%. Nếu phát hiện ra trường hợp nào sâm giả, cá nhân tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Trước tiên là sẽ hoàn trả lại tiền cho người đã mua phải sâm giả. Nhiều người cho rằng, việc thẩm định bằng vị giác và kinh nghiệm của những người trồng sâm lâu năm có thể xảy ra sai sót. Tuy nhiên, những người có hơn 30 năm trồng và gắn bó với cây sâm, có nhắm mắt họ cũng nhận biết mùi vị của nó ra sao, hình thù thế nào, tam thất hay sâm Ngọc Linh đều phân biệt được. Thậm chí, máy móc đôi khi còn xảy ra sự cố, nhưng họ thẩm định bằng mắt, bằng mùi vị... là hoàn toàn chính xác!
Để hiểu rõ hơn về những công đoạn đưa sâm Ngọc Linh xuống núi để bán ở mỗi phiên chợ, tôi sẽ giải thích rõ hơn. Những củ sâm trước khi vào mỗi phiên chợ hàng tháng sẽ phải trải qua 3 lượt kiểm tra khắt khe. Lần thứ nhất, là khi người dân tuyển chọn những củ sâm từ vườn của mình để bán trong đợt đó phải qua sự kiểm tra của tổ kiểm định ngay tại làng. Lần thứ hai là trước khi vào phiên chợ phải qua thẩm định của tổ kiểm định một lần nữa. Và lần cuối cùng là khi vừa bày bán tại các gian hàng, tổ kiểm định phối hợp với ngành công thương, chính quyền địa phương và các chuyên gia thẩm định lại một lần nữa. Vậy nên, sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ là sâm thật 100%.
- Tuy nhiên, việc người mua lo ngại không phải là không là có cơ sở. Vậy huyện đã có phương án nào để khẳng định được thương hiệu của sâm Ngọc Linh?
- Ông Hồ Quang Bửu: Tất nhiên, đây là giai đoạn đầu nên buộc phải nhờ đến tổ kiểm định như hiện nay, còn về lâu dài chắc chắn sẽ có máy móc thử ADN của sâm tham gia việc này. Về vấn đề này, UBND huyện đã có kiến nghị với tỉnh cũng như Bộ Khoa học - Công nghệ để sớm có máy móc thẩm định chất lượng sâm một cách công khai, chính xác nhằm bảo vệ cho thương hiệu sâm Ngọc Linh. Được biết, Bộ Khoa học - Công nghệ đã chấp nhận và sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống này trong thời gian tới. Còn trước mắt, mặt hàng sâm Ngọc Linh được bày bán ở phiên chợ mỗi tháng sẽ có con chip điện tử để kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc của sâm. Khi khách hàng quét mã có sẵn ở trong mỗi bao bì sản phẩm sẽ biết được sản phẩm đó mua ở đâu, nếu có sự cố cũng dễ dàng phản hồi với chính quyền địa phương.
- Thời gian qua, cũng có một số thông tin về việc phát hiện những củ sâm tự nhiên với giá bán “khủng” trước mỗi phiên chợ sâm. Ông nghĩ gì về điều này?
- Ông Hồ Quang Bửu: Việc tìm được những củ sâm tự nhiên khủng, trị giá cao ngất ngưởng là chuyện cũng bình thường. Cái đó thuận mua, vừa bán. Chưa có trường hợp nào mua những gốc sâm khổng lồ đó mà kiện là sâm giả cả. Còn việc đẩy giá sâm lên cao, theo tôi nghĩ đó là quy luật tự nhiên. Cái gì quý thì giá thành cao. Như ở Hàn Quốc, sâm chất lượng không bằng mình, nhưng họ bán cao gấp nhiều lần. Như hiện nay, sâm Ngọc Linh xứng đáng với giá đó vì giá trị của chính bản thân nó, có tốt người ta mới tìm đến để mua nhiều như thế.
Riêng việc kiểm soát việc mua bán tự phát ngoài phiên chợ, chúng tôi cũng đã có khuyến cáo, làm việc với các cơ sở này để giữ gìn thương hiệu của mình, tránh tình trạng sâm giả xâm nhập vào thị trường. Các khách hàng cũng cần chú ý, tìm đến những thương hiệu nổi tiếng để mua các mặt hàng sâm, tránh việc mua phải sâm giả đang trà trộn vào trên thị trường.
Vâng, xin cám ơn ông!
Sau 7 phiên chợ sâm Ngọc Linh, thu gần 35 tỷ đồng Kết thúc phiên chợ sâm núi Ngọc Linh lần thứ 7 (4.2018), các hộ kinh doanh bán hơn 4,9 tỷ đồng, thu hút hơn 2,5 ngàn lượt khách đến tham quan và mua sắm. Phiên chợ có 6 gian hàng trưng bày giới thiệu cây sâm Ngọc Linh do 13 hộ trồng sâm tại 8 chốt có sản phẩm sâm củ của xã Trà Linh tham gia bày bán tại phiên chợ; hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh như sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu. Có 10 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh, quế, dược liệu; 10 xã trên địa bàn huyện tham gia và bày bán các sản phẩm cây dược liệu (trong đó có 30 sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu). Ngoài ra, huyện Tây Giang tham gia phiên chợ trưng bày, buôn bán các mặt hàng đặc trưng như rượu ba kích, rượu đẳng sâm, hàng nông sản... Phiên chợ có hơn 2.500 lượt người đến tham quan, mua sắm. Như vậy, qua 7 phiên chợ (bắt đầu từ giữa năm 2017), ước tính người dân nơi đây bán được gần 350kg sâm Ngọc Linh, thu về gần 35 tỷ đồng, trong đó mặt hàng sâm Ngọc Linh chiếm khoảng 97% doanh thu. Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với bà con vùng sâm, từng bước nâng cao uy tín của phiên chợ và thương hiệu sâm Ngọc Linh đối với người tiêu dùng cả nước. “Qua 7 lần tổ chức phiên chợ, chưa có lần nào phát hiện sâm giả trà trộn vào trong phiên chợ gây mất uy tín. Huyện cũng đã có kiến nghị với các ngành chức năng sớm đưa máy móc vào để kiểm định chất lượng sâm trong những phiên chợ lần tới để khách hàng mua sâm yên tâm hơn” - ông Bửu nói.(TUỆ LÂM) |
NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện)