Sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu: "Cú hích" cho nông thôn
Đã có nhiều cuộc họp bàn, hội thảo để đưa các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, bao gồm sản phẩm của làng nghề, sản phẩm nông lâm nghiệp, các dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ… để tìm kiếm những thị trường và vị trí thích hợp trong vài năm trở lại đây. Tuy vậy, các thử thách trong cuộc kiếm tìm cơ hội hầu cất cánh những dòng sản phẩm này vẫn còn khá nhiều…
Sản phẩm nước mắm truyền thống được bày bán tại siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ. Ảnh: LÊ QUÂN |
ĐỊNH VỊ SẢN PHẨM
Thỉnh thoảng, lại có những kỷ lục ở các làng nghề được xác lập. Cũng như, mỗi năm các hội chợ kích cầu tiêu dùng hàng Việt lại ưu tiên nhượng vị trí đẹp cho các sản phẩm nông thôn tiêu biểu. Tuy nhiên, xác định vị thế cho các sản phẩm vẫn còn khó…
Tự thay đổi
Anh Nguyễn Văn Ân, Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (thị xã Điện Bàn), cũng là tác giả của sản phẩm “Bộ tách trà Trúc Quảng” đoạt giải A trong cuộc chấm chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2017, cho biết, mình phải mất 2 tuần để vừa lên mẫu tạo hình và điêu khắc cho bộ sản phẩm. “Bộ tách trà Trúc Quảng” được làm khá tinh xảo từ gỗ xá xị, có mùi thơm, là dòng sản phẩm lưu niệm nhưng có thể sử dụng được. Tham vọng của anh Ân là muốn đưa những dòng sản phẩm mỹ nghệ với tính chất lưu niệm trở thành một sản phẩm ứng dụng. Tuy nhiên, ngay trong kỳ Hội chợ Xuân Quảng Nam tổ chức hồi đầu năm 2018 này, rất nhiều người thích thú với bộ sản phẩm của anh, nhưng người mua lại hiếm.
Anh Nguyễn Văn Ân chia sẻ, vì mang tính chất độc bản, nên giá thành của sản phẩm so với giá thị trường của các dòng sản phẩm lưu niệm khá cao, nếu sau này tổ chức sản xuất hàng loạt, thì giá thành sẽ giảm từ 2,5 triệu đồng của bộ đầu tiên này, xuống còn khoảng vài trăm ngàn đồng. Được lựa chọn sẽ là một trong các sản phẩm làm quà tặng lưu niệm xứ Quảng, tuy nhiên, đến thời điểm này, anh Ân nói vẫn chưa làm được bao bì phù hợp để chứa sản phẩm. Thừa nhận điểm yếu của dòng mộc mỹ nghệ lưu niệm của cơ sở mình là ở khâu bao bì và truyền thông, tuy nhiên, với lý do thị trường chưa chuộng, Nguyễn Văn Ân nói, anh cũng chưa mặn mà với ý định phát triển tiếp dòng sản phẩm này.
Trong khi đó, cũng ngay tại xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn), nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển lại mạnh mẽ thay đổi tư duy tiếp cận khách hàng lẫn việc phát triển các dòng sản phẩm ngoài các sản phẩm đúc đồng đã có từ lâu nay. Mới đây, cùng với nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Văn Huy, cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Dương Ngọc Tiển đã bắt tay vào làm một tượng đài tưởng niệm vụ thảm sát Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) bằng đồng. Chưa kể từ khoảng gần 3 năm nay, hai thầy trò nghệ nhân – nghệ sĩ này đã rong ruổi để tìm kiếm “khách hàng” cho các sản phẩm đúc đồng mang tính mỹ thuật khá cao.
Nguyễn Văn Huy nói, sự kết hợp này không phải ngẫu nhiên, anh muốn các tác phẩm điêu khắc của mình đi vào đời sống thực tế, từ tay nghề của những người thợ làng đúc đồng Phước Kiều. Tự thích ứng với thị trường là điều khiến nghệ nhân Dương Ngọc Tiển đồng ý phối hợp cùng Nguyễn Văn Huy – với tài điêu khắc chân dung, để làm ra những sản phẩm phù hợp với thị trường hiện tại. Và để có được sự phối hợp ăn ý phải trải một thời gian dài “trầy trật”. Cũng như vậy, rất nhiều các nghệ nhân với tác phẩm ở nhóm tiểu thủ công nghiệp, sau nhiều năm dài “bảo thủ” với sản phẩm truyền thống, đã tìm cách để làm mới sản phẩm của mình, từ nền tảng của những giá trị xưa. Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thuần (làng đúc đồng Phước Kiều) với những nhạc cụ âm nhạc bằng đồng kết hợp cùng một Việt kiều đã đưa danh Phước Đồng đi xa hơn. Hay từ vùng núi cao Nam Giang, các nghệ nhân dệt thổ cẩm cùng sự giúp sức của nhiều tổ chức quốc tế, đã tự thay đổi sản phẩm của mình, thích ứng với thị trường hiện đại.
Gian nan định vị sản phẩm
Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, hiện Quảng Nam có khoảng 145 sản phẩm nông nghiệp lợi thế (trong lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ), thuộc 6 nhóm sản phẩm, trong đó, từ thực phẩm có 56 sản phẩm, nhóm Đồ uống có 12 sản phẩm, nhóm Thảo dược có 22 sản phẩm, nhóm Vải và may mặc có 2 chuỗi sản phẩm; nhóm Lưu niệm - nội thất - trang trí có 47 sản phẩm, nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 6 sản phẩm. Và trong tương lai, những nhóm sản phẩm này sẽ là cú hích đưa nông nghiệp nông thôn Quảng Nam phát triển theo con đường mới. Tuy số lượng sản phẩm lớn, đa dạng như vậy, nhưng chỉ mới có 28 sản phẩm có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 20,3 % tổng số sản phẩm hiện có. Theo ông Lợi, các lý do trực tiếp dẫn đến điều này có khá nhiều, từ việc tổ chức sản xuất chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, sản xuất theo phong trào, ít hiểu biết về thị trường và đặc biệt là chưa chú trọng khai thác các lợi thế so sánh ở vùng nông thôn, dựa trên các nguồn tài nguyên bản địa như các đặc sản cây, con, công nghệ truyền thống, danh thắng địa phương.
Cũng như vậy, rất nhiều sản phẩm công nghiệp, nông thôn của Quảng Nam chủ yếu sản xuất hàng hóa ở dạng vật phẩm, sản phẩm thô, ít gia tăng giá trị, cũng như chưa tổ chức cách thức sản xuất, phát triển sản phẩm và tiếp thị. Câu chuyện mẫu mã, mạng lưới, thương hiệu sản phẩm hầu như vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về giá, chất lượng và mẫu mã. Câu chuyện này lại nhắc đến một đợt “lao đao” của nước mắm nhà, bởi các chất lượng tiêu chuẩn cũng như thương hiệu của sản phẩm làng nghề vẫn chưa được đề cao. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm Ban quản lý Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) cho biết, từ trước vụ Asen năm 2015, đã ý thức được về thương hiệu, các chỉ số chất lượng sản phẩm, tuy nhiên, phải đến năm 2016, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề mới được các hộ làm nghề tại đây nhận thức mạnh mẽ.
Cùng với những trở ngại ở khâu định vị thương hiệu, các khó khăn về vốn, nhân lực trong khâu thiết kế khiến các dòng sản phẩm công nghiệp nông thôn Quảng Nam không có sự khác biệt, chưa theo được nhịp phát triển với hàng hóa cùng loại cả nước hoặc rộng ra với cả khu vực, dù tiềm năng và lợi thế rất lớn. Ông Nguyễn Hai - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Quảng Nam nhận định, vì các sản phẩm truyền thống sử dụng vật liệu cũ, không bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa cũng như chưa chú trọng khâu nghiên cứu thị trường, thay đổi thiết kế nên việc tham gia vào chuỗi vận hành của ngành du lịch rất khó thành công. “Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp hay nông nghiệp xứ Quảng thể hiện rõ tính truyền thống là một ưu thế nhưng sản phẩm này lại chưa theo kịp với thị hiếu đương đại, nhất là với thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt khi tiếp cận với nhiều quốc gia phát triển khác nhau. Điều này khiến việc xuất khẩu các sản phẩm này gặp nhiều khó khăn, chưa kể vẫn khó thể nào tạo điểm nhấn cho các du khách quốc tế khi tìm tới Quảng Nam” - ông Nguyễn Hai nói. (LÊ QUÂN)
TÌM KIẾM NGƯỜI TIÊU DÙNG
Để sản phẩm địa phương được tiêu thụ mạnh mẽ là hành trình còn khá dài… “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP) - chương trình được kỳ vọng sẽ làm nên một điều khác biệt…
Nguyễn Văn Ân và bộ tách trà Trúc Quảng vừa được UBND tỉnh vinh danh Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ảnh: LÊ QUÂN |
Bà Saeko Noda – chuyên gia kinh tế cộng đồng của Tổ chức Cứu trợ - Phát triển quốc tế (FIDR), tại cuộc tập huấn “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương” vừa diễn ra hôm 27.3, cho rằng, sau khi sản phẩm đã được định danh bằng thương hiệu, thì khâu tìm kiếm người tiêu dùng trở nên đặc biệt quan trọng. Trong đó, việc thuyết phục được người dân địa phương sử dụng chính sản phẩm có xuất xứ từ vùng đất của mình trở thành một việc thiết yếu của khâu tìm kiếm thị trường. Câu chuyện về những người Nhật Bản với chương trình OVOP – Mỗi làng một sản phẩm đã lan truyền cảm hứng tích cực đến những cuộc thay đổi với các làng quê. “Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động ở địa phương để tôn vinh “giá trị của làng” và tiêu thụ sản phẩm như hoạt động “Mỗi làng, Một hội chợ”, “Mỗi cửa hàng, Một báu vật”… Các mặt hàng nông sản phổ biến của địa phương từ chỗ ít được biết đến ngay trên thị trường nội địa như nấm khô, rượu cất sochu từ Lúa mạch, Cam, Chanh… đã trở lên phổ biến và có giá bán khá cao. Người phụ nữ Nhật ở vùng này từ chỗ chỉ quen với công việc nội trợ, sống phụ thuộc vào chồng, đến nay đã rất quen với công việc chế biến nông sản. Doanh thu từ các loại sản phẩm của Phong trào OVOP tăng dẫn đến thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng. Xã hội chuyển biến từ trạng thái sản xuất chung, trạng thái muốn tăng thu nhập cho mọi người sang trạng thái thỏa mãn chung, trạng thái xã hội mà mọi người dân đều cảm thấy hài lòng về cuộc sống của mình”, bà Saeko Noda nói.
Cũng theo bà Saeko Noda, thành công lớn nhất của OVOP tại Nhật là tạo ra niềm tin cho lớp trẻ - những người vốn đã có mặc cảm về sự yếu kém kinh tế của địa phương, về sự phát triển của kinh tế nông thôn nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Từ đó, chính họ lại là người tìm ra những giải pháp khả thi để phát triển quê hương họ, tạo ra tinh thần thi đua trong khu vực nông thôn, làm đổi mới nền công nghiệp địa phương dựa trên chính nền kinh tế và nguồn nhân lực của địa phương đó. Từ đây quá trình phát triển cộng đồng và mô hình “Phát triển nội sinh ở nông thôn” cũng như các hoạt động sáng tạo ở các địa phương khác nhau nở rộ trên toàn nước Nhật. Và đây cũng là điều bà muốn mang đến cho câu chuyện thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương của Quảng Nam. Việc tạo niềm tin là về sản phẩm, sau đó đến niềm tin truyền từ những người tiêu dùng với nhau rõ ràng là điều cần thiết.
Cũng như vậy, PGS-TS Trần Văn Ơn, chuyên gia của OCOP tại Việt Nam, cho biết, trung tâm của OCOP là sản phẩm chứ không phải là điều nào khác. Khi đã có sản phẩm tốt thì việc tìm kiếm khách hàng không còn là điều quá khó khăn. “Phải trả lời câu hỏi sản phẩm là gì, bán với giá bao nhiêu, phân phối ở đâu, lợi ích sản phẩm là gì - cái mà vì có nó khách hàng mới bỏ tiền ra mua. Quảng Nam có nhiều sản phẩm có giá trị về sức khỏe, như nhóm sản phẩm thảo dược, nông lâm nghiệp. Cái thiếu bây giờ là các phương án truyền thông, rồi định hình thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Định hướng thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh việc liên doanh liên kết để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Theo tôi, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng cần hết sức quan tâm đến việc phát triển ngành du lịch theo hướng gắn kết chặt chẽ với các làng nghề, làng quê để đưa được những sản phẩm này đến tay du khách” - ông Trần Văn Ơn chia sẻ. (THƯ QUÂN)
KHƠI NGUỒN SÁNG TẠO
Quảng Nam đang triển khai cùng lúc các chương trình như bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, mỗi xã phường một sản phẩm... nhằm hỗ trợ, tạo động lực cho các làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở thủ công mỹ nghệ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản xuất, tạo đà phát triển kinh tế nông thôn.
Các sản phẩm dược liệu từ sâm, quế... giàu tiềm năng phát triển.Ảnh: LÊ QUÂN |
Kích thích sản xuất
Ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam (Sở Công Thương) cho biết, lâu nay hoạt động của các làng nghề, cơ sở công nghiệp nông thôn còn không ít khó khăn như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu theo phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao, mẫu mã đơn điệu, sức cạnh tranh không cao, chưa nhạy bén với cơ chế thị trường... Vì vậy, cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất phát huy những ý tưởng sáng tạo, thiết kế những mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng, có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.
Từ năm 2015 đến 2017, hội đồng bình chọn của tỉnh đều chọn ra mỗi năm 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để trao giải, đưa dự thi cấp khu vực, Trung ương, và đã có 5 sản phẩm đoạt giải quốc gia. Các sản phẩm tham gia bình chọn chủ yếu tập trung vào nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chế biến nông, lâm, thủy sản, đồ uống... Để được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các cơ sở sản xuất phải đạt các tiêu chí: có doanh thu ổn định, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, đáp ứng chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, xã hội, thể hiện tính văn hóa, thẩm mỹ... Ông Phúc nói: “Cuộc thi đã góp phần kích thích nghệ nhân, cơ sở sản xuất đam mê tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, có đặc trưng Quảng Nam để phát triển du lịch, dịch vụ. Các sản phẩm dự thi phần lớn đạt chất lượng cao, có tiềm năng phát triển, mở rộng thị trường và đáp ứng một số tiêu chí cơ bản về doanh thu, kinh tế, kỹ thuật, xã hội, tính văn hóa, thẩm mỹ và bảo vệ môi trường. Đối với các sản phẩm đoạt giải và các sản phẩm có tiềm năng phát triển thì Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại có chính sách hỗ trợ về máy móc thiết bị, phát triển sản phẩm và quảng bá ra thị trường...”. Cũng có thể những tôn vinh này sẽ đem lại hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm của người tiêu dùng. Đây sẽ là một kênh “kiểm định” để tạo niềm tin về sản phẩm cho người tiêu dùng.
Nghệ nhân Bùi Văn Thu - Tổ hợp tác điêu khắc gỗ mỹ nghệ Vân Long (xã Tam An, huyện Phú Ninh), người liên tục đoạt các giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu qua các năm - cho rằng: “Cuộc bình chọn hàng năm đã giúp chúng tôi nhận thức rõ vấn đề, muốn tồn tại thì các làng nghề, cơ sở sản xuất cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm tòi, sáng tạo đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng và mở rộng thương hiệu để mở rộng thị trường. “Sân chơi” này như một cuộc trao đổi kinh nghiệm, qua đó chúng tôi tự tin hơn trong việc sáng tạo các mẫu mã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hướng đến xây dựng các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao hơn bên cạnh dòng sản phẩm thủ công cao cấp. Cá nhân tôi sau khi đoạt giải đã được Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam hỗ trợ máy chạm CMN để xây dựng mô hình sản xuất hiện đại, đem lại hiệu quả rất cao”.
Trọng tâm là phát triển sản phẩm
Theo ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, toàn cầu hóa và việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu các sản phẩm của nông thôn ngày càng phải nâng cao tiêu chuẩn và nâng cao tính cạnh tranh (nhất là sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thủ công), các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải nâng cao trình độ về quản lý, về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và quản lý. Hiện tỉnh gấp rút hoàn thiện đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phê duyệt, đưa vào triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn hiện đại. “OCOP được tỉnh xác định là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Vấn đề trọng tâm là chúng ta phải phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng giá trị, và phải do các tổ chức kinh tế OCOP tại địa phương thực hiện. Đề án sẽ cụ thể hóa mục tiêu, nguyên tắc, sản phẩm chủ lực, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, kinh phí để đảm bảo thực hiện đạt hiệu quả” - ông Lợi nói.
Sản phẩm phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu, là mục đích trọng tâm của OCOP Quảng Nam, bao gồm nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại. Đồng thời phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ), để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Theo ông Lợi: “Để triển khai thành công, tạo được sản phẩm tốt để phát triển, đề án dự kiến sẽ gồm nhiều hợp phần, trong đó các hợp phần quan trọng là hình thành và tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tại cộng đồng, dưới dạng hợp tác xã và doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển sản phẩm; xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực tại cộng đồng tham gia OCOP. Các nội dung này nhìn chung đều mới mẻ trong lĩnh vực phát triển nông thôn ở Quảng Nam. Bởi vậy, cần thiết phải tổ chức đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ OCOP từ tỉnh đến cơ sở”. (TÂM ĐĂNG)