Làng nghề vào tết - Bài cuối: Nghe những mùi hương

LÊ QUÂN - ĐĂNG NGUYÊN 09/02/2018 09:48

Mùi hương trầm thoảng trong từng ngôi nhà. Mùi tươi rói của các loài hoa được bày biện từ đầu ngõ. Tết, bắt đầu bằng những mùi hương, có lẽ vậy…

Người làng nghề Quán Hương tranh thủ phơi hương ngày hửng nắng. Ảnh: Q.NG
Người làng nghề Quán Hương tranh thủ phơi hương ngày hửng nắng. Ảnh: Q.NG

Tin liên quan

  • Làng nghề vào tết - Bài 3: Giữ vị xuân xưa
  • Làng nghề vào tết - Bài 2: Sắc xuân ở Hồng Lư
  • Làng nghề vào tết - Bài 1: Dậy hương An Lạc
  • Làng nghề vào tết - Bài 4: Nước mắm, bánh tráng lên ngôi
  • Làng nghề vào tết

Và chúng tôi tìm về những nơi góp thêm mùi hương cho tết xứ Quảng, ở làng Quán Hương (Thăng Bình), ở các làng hoa các xã Duy Trung, Duy Thành (Duy Xuyên), Cẩm Hà (Hội An) để được nghe mùi tết…

Vọng mùi hương quế, hương trầm

Như mọi mùa tết đã qua, làng Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) tháng ngày này chộn rộn khắp mọi ngõ ngách. Tết với người làm hương, đã từ những ngày mùa hè. Bởi hàng bán tết phải được chuẩn bị ngay từ những hôm nắng ráo, khi cây hương được phơi phóng dưới cái nắng vàng nhất. Nhưng vụ sản xuất hương tết, không vì thế mà bớt đi cái hối hả, tất bật. Người cuốn, người phơi, người pha mùi cho hương… làm rộn ràng cả ngôi làng. Bà Nguyễn Thị Hà, hơn 16 năm làm nghề tại làng Quán Hương cho biết, lượng hàng bán tết năm nào cũng tăng gấp đôi so với ngày thường. “Hầu như năm nào tháng gần tết cũng thu được cả 100 triệu đồng, trong khi các tháng bình thường khoảng 50- 60 triệu đồng. Năm ni thời tiết ảnh hưởng khá nhiều, nhưng nhà tôi vẫn đủ sản phẩm để bỏ bạn hàng, vì đã tranh thủ lo xa từ những tháng trước” - bà Nguyễn Thị Hà nói. Từ 3 giờ sáng, chồng bà Nguyễn Thị Hà đã chuẩn bị xong sản phẩm của gia đình để chờ xe đến chất hàng đi các tỉnh Tây Nguyên. Ông Võ Tấn Hiếu - Trưởng ban Quản lý Làng nghề truyền thống Quán Hương chia sẻ, trước đây người dân làng nghề thường làm hương thủ công theo phương pháp xe hoặc nhúng bột lên que tăm, sau này việc sản xuất chuyển dần qua sử dụng máy đạp chân, và đến nay hầu hết sử dụng máy điện. “Việc sử dụng máy điện giúp tăng năng suất, rút ngắn nhiều thời gian sản xuất. Vậy nên dù thời tiết bất lợi, các hộ vẫn có đủ sản phẩm giao cho bạn hàng và bán tết” - ông Hiếu nói.

Cúc đại đóa là một trong những loài hoa được nhiều người lựa chọn trưng bày vào dịp tết.  Ảnh: Q.NG
Cúc đại đóa là một trong những loài hoa được nhiều người lựa chọn trưng bày vào dịp tết. Ảnh: Q.NG

Nghề làm hương tại làng Quán Hương thu hút mọi lứa tuổi tham gia, từ thanh niên là lực lượng lao động chính đến các cụ già và trẻ nhỏ. Để kịp giao các đơn hàng ở xa, những ngày này người dân Quán Hương còn tranh thủ làm tới 1 - 2 giờ sáng. Mùa nắng họ đã tranh thủ làm trữ lại, mùa mưa chỉ làm những công đoạn trong nhà, như ngồi máy, cốp hương, để lượng hàng đối lưu không bị thiếu nguồn cung cho bạn hàng khắp cả nước. Hương trầm, hương quế, hương vòng hay cả các loại hương pha bột giá bình dân của làng Quán Hương được người tiêu dùng đón nhận vì chất lượng cũng như mẫu mã. Đa số sản phẩm của làng đều được làm từ những nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng, bột hương được làm từ hai hỗn hợp chính gồm bột quế Trà My (một loại đặc sản của vùng đất xứ Quảng) và bột vỏ cây bời lời đỏ ở vùng Tây Nguyên, chính vì vậy thẻ hương có mùi thơm ngát, tốc độ cháy chậm và không gây hại tới sức khỏe. Để đảm bảo thương hiệu, chất lượng hương, ở làng nghề hiện nay đã có gần 10 hộ đầu tư máy móc, cung ứng nguyên liệu tại chỗ cho các hộ sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hà cho hay, từ trước tết năm ngoái gia đình đã đầu tư máy móc nên lượng hương làm ra mỗi ngày lên đến gần 2 tạ, tuy nhiên vẫn không có chuyện hàng tồn kho. Ngay sau tết, các hộ trong làng đã lo chuẩn bị nguyên liệu để bắt đầu một năm sản xuất mới.

Nhộn nhịp các vùng hoa

Làm nên phong vị tết, không thể thiếu sắc màu của các loài hoa. Tết đã về ngay từ trước ngõ, bởi những chậu cúc, mai và đủ các loại hoa khoe sắc. Ở một số vùng hoa lớn trên địa bàn tỉnh, từ Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ…, không khí nhộn nhịp, tất bật tại các nhà vườn đã bắt đầu từ những ngày đầu tháng Chạp. Dù thời tiết năm nay gây không ít khó khăn, nhưng theo chia sẻ của anh Trương Như Sơn - chủ vựa hoa lớn tại xã Duy Trung (Duy Xuyên), các chủng loại hoa phục vụ thị trường tết năm nay vẫn đa dạng hơn so với mọi năm. “Vựa hoa của tôi năm nay có hơn 100 nghìn chậu hoa các loại. Trong đó có nhiều loại hoa treo trang trí giống mới như: cúc sao băng, mai địa thổ… Vào thời điểm này, đa số loại hoa đã khoe sắc và được vận chuyển đến nhiều địa phương khác nhau cho các tiểu thương tham gia trưng bày” - anh Sơn nói.

Hiện nay, tại các tỉnh phía nam, tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt nên đa số vườn hoa đều nở sớm hơn so với dự kiến. Đây được xem là một trong yếu tố tác động đến nguồn cung cũng như giá cả của thị trường hoa tết năm nay. Tuy nhiên, đối với những nhà vườn lớn tại Quảng Nam, do phần lớn đều có các đơn đặt hàng từ trước nên giá cả không biến động nhiều. “Có thể tại một số thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh, hoa nở sớm, giá sẽ giảm, điều này cũng có thể là tín hiệu vui đối với các nhà trồng hoa quy mô vừa và nhỏ. Còn các nhà vườn lớn, họ đã có sẵn khách hàng, đơn đặt hàng nên cũng không bị ảnh hưởng gì” - anh Trương Như Sơn chia sẻ thêm. Trong khi đó, tại các vườn mai lớn trên địa bàn tỉnh, nhờ được chăm sóc kỹ càng để “đến hẹn” lại bắt đầu cho búp và nở trúng tết. Ông Nguyễn Ích (Cẩm Châu, Hội An) sở hữu những chậu mai có tuổi đời hơn 40 năm. Những “lão mai” này, theo ông Ích, vì giá khá cao người dân lựa chọn dịch vụ “cho thuê” hơn là mua hẳn. Mỗi chậu mai có giá cho thuê 8 - 10 triệu đồng/chậu trong thời gian 15 ngày, từ 25 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Với các loại hoa treo, nhiều nhà vườn ở Hội An chia sẻ, năm nay có thêm các sắc hoa lạ, hứa hẹn sẽ được người tiêu dùng đón nhận vì sự độc đáo, lạ mắt, giá cả phải chăng.

Từ khắp ngả đường, hoa đã khoe sắc thắm, cho một mùa tết tươi vui…

LÊ QUÂN - ĐĂNG NGUYÊN

LÊ QUÂN - ĐĂNG NGUYÊN