Làng nghề vào tết - Bài 4: Nước mắm, bánh tráng lên ngôi
Để có nguồn hàng phong phú, ổn định cung ứng cho tết, các làng nghề truyền thống nước mắm Tam Thanh (Tam Kỳ), bánh tráng Đại Lộc đang nỗ lực đêm ngày để có đủ sản phẩm đưa ra thị trường.
Tin liên quan
|
Sản phẩm nước mắm truyền thống Tam Thanh. Ảnh; T.TH |
Tăng lượng cung ứng
Ở xã Tam Thanh hiện có 40 cơ sở sản xuất nước mắm với quy mô gia đình, quá trình sản xuất đều theo phương thức truyền thống, áp dụng kinh nghiệm gia truyền, không sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản. So với ngày thường, nhu cầu sử dụng nước mắm tăng lên đáng kể vào dịp tết. Để có đủ sản phẩm đưa ra thị trường dịp này, các hộ sản xuất đều chuẩn bị từ mấy tháng trước. Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan (thôn Hạ Thanh 2) cho biết, trong thôn chỉ có vài hộ sản xuất theo hình thức kinh doanh, còn phần lớn người dân làm nước mắm theo kinh nghiệm truyền thống để sử dụng trong gia đình và bà con xa gần, lượng còn dư mới bán ra thị trường, nên sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong năm, bà Loan cung ứng thị trường khoảng 5.000 lít nước mắm truyền thống, đến dịp tết nhu cầu tăng cao, nguồn cung tăng thêm cả nghìn lít, song giá không thay đổi. Nước mắm Tam Thanh có 3 loại: nước mắm nhỉ, giá 65.000 đồng/lít; loại đặc biệt, 55.000 đồng/lít; nước mắm nhứt 45.000 đồng/lít. Cũng như bà Loan, mùa tết năm nay bà Nguyễn Thị Chín (thôn Trung Thanh) bán ra vài nghìn lít nước mắm cho khách hàng khắp nơi, chủ yếu là các mối quen có sẵn; cơ sở bà Trần Thị Cách sản xuất được chừng 500 lít… Nhìn chung, lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường dịp tết ở làng nước mắm Tam Thanh so với ngày thường đều tăng cao ở làng nghề này.
Còn tại Đại Lộc, địa phương nổi tiếng với nghề làm bánh tráng, tết này để có đủ bánh cung ứng cho thị trường lân cận và các vùng Tam Kỳ, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, cả 200 cơ sở sản xuất bánh tráng lớn nhỏ phải làm việc hết công suất. Tháng Chạp năm nay thời tiết mưa lạnh kéo dài ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các cơ sở ở Đại Lộc. Từ đầu tháng Chạp tới nay, cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Nguyễn Văn Bính (xã Đại Nghĩa) cung ứng khoảng 3 tạ bánh mỗi ngày. Để có được số sản phẩm đó, cơ sở của anh Bính phải sử dụng 5 lao động tham gia cật lực vào quá trình tráng bánh, úp bánh, sấy bánh, gỡ và xếp bánh, đóng gói… Bình thường trời nắng, chỉ cần 1 giờ phơi trên vỉ bánh đã khô đều, có thể đưa đi bỏ mối cho khách hàng, thì cả tháng nay chẳng có mấy ngày nắng nên anh Bính phải sử dụng than để sấy bánh, tốn nhiều nhân công và nhiên liệu.
Đóng gói bao bì sản phẩm “Bánh tráng Đại Lộc” ở HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Giữ thương hiệu
Hầu hết cơ sở sản xuất ở làng nghề nước mắm Tam Thanh đều được kiểm định thường kỳ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Gần đây, làng nghề được sự hỗ trợ của UBND TP.Tam Kỳ và chính quyền xã Tam Thanh trong việc mời các chuyên gia hỗ trợ công nghệ làm mắm nhằm giúp sản phẩm bảo quản được lâu hơn, nhưng vẫn giữ yếu tố truyền thống, không sử dụng đến chất bảo quản. Các hộ sản xuất còn được hỗ trợ dây chuyền công nghệ đóng chai, dán nhãn mác, tạo nguồn sản phẩm phong phú, hình thức đẹp đưa rộng rãi ra thị trường. Bước đầu, nhiều hộ sản xuất nước mắm bắt đầu chú trọng tới việc đóng chai, gắn lô gô thương hiệu lên sản phẩm, tiếp thị đến các trường học, siêu thị ở Quảng Nam và Đà Nẵng, số còn lại, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên người dân vẫn giữ cách thức sản xuất của gia đình. Cũng như làng nghề nước mắm, các hộ sản xuất bánh tráng ở Đại Lộc bắt đầu chú trọng đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể, mẫu mã, bao bì, hình thức sản phẩm. Bên cạnh duy trì hai dạng bánh vuông và bánh tròn truyền thống, nhiều hộ bắt đầu thay áo mới cho sản phẩm bằng việc cắt bánh ở dạng vừa phải để dễ đóng gói, vận chuyển và giúp người tiêu dùng dễ sử dụng. Việc quản lý tình trạng sử dụng nhãn hiệu tập thể, kiểm soát chất lượng sản phẩm và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm bánh tráng đang được các ngành chức năng đặt ra.
Nhiều năm qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ái Nghĩa đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh tráng Đại Lộc” và đang nỗ lực xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn, phát triển thương hiệu. Sản xuất bánh tráng chỉ là dịch vụ phụ của HTX, song lại được chú trọng phát triển vì sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Để mở rộng sản xuất, HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa đã bỏ kinh phí đầu tư máy tráng bánh bán tự động, sân phơi, lò sấy, máy hút ẩm chân không, máy tịnh đóng gói; thiết kế, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu với bao bì, gắn nhãn mác, lô gô... Ông Trương Cảm - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết, cả thị trấn có 20 hộ sản xuất lớn nhỏ, riêng cơ sở sản xuất của HTX có 10 lao động tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm. Tương lai, để giữ thương hiệu, HTX sẽ quy tụ xã viên sản xuất lại, khôi phục làng nghề, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể và sẽ kiến nghị xử phạt những cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vùng sản xuất gạo an toàn của HTX đã được quy hoạch trên diện tích cả chục héc ta. Đây là vùng cung ứng gạo an toàn để sản xuất bánh tráng ra thị trường. “Để có bánh ngon, an toàn, bên cạnh các khâu chế biến, bảo quản phải đảm bảo thì nguyên liệu đầu vào cũng phải an toàn. Gạo được chọn tráng bánh phải là gạo ngon, dẻo, giàu tinh bột. Bình quân mỗi tháng HTX cung ứng ra thị trường khoảng 8 tấn bánh, riêng dịp tết, sản lượng tăng cao hơn rất nhiều. HTX đang mở rộng sản xuất, tiếp thị sản phẩm trên thị trường xa gần trong nước, việc tiến tới xuất khẩu bánh tráng sạch cũng đang là định hướng” - ông Cảm nói.
-------------------------
Bài cuối: Nghe những mùi hương
TR.NHAN - H.BA - PH.PHƯƠNG