Khó quản lý giá chợ truyền thống
Không niêm yết giá bán, hét giá... trên trời, chèo kéo khách là thực trạng tồn tại ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhất là dịp tết.
Tiểu thương cần niêm yết giá bán để thu hút khách hàng mua sắm. Ảnh: V.Q |
Không niêm yết giá
Chợ Tam Kỳ những ngày cuối tháng Chạp hàng hóa dồi dào, phong phú mẫu mã và chủng loại. Tại quầy hàng kinh doanh quần áo được bố trí ngay sát cửa ra vào chợ do bà Lê Thị Hoa (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) làm chủ, không hề niêm yết giá bán. Bà Hoa bảo, quần jean tùy loại, cao nhất là 350 nghìn đồng/sản phẩm, rẻ nhất là 250 nghìn đồng/sản phẩm, rất phải chăng. Chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao không niêm yết giá bán hàng thì bà Hoa bảo, ở cả chợ có ai làm vậy đâu. “Muốn tồn tại ở chợ này thì phải bán hàng không niêm yết giá, vì đó là cái chung, ai cũng vậy thôi” - bà Hoa nói. Khi được hỏi chợ này có quy định phải bán hàng theo giá niêm yết thì bà Hoa bảo chỉ nghe hô hào và chưa ràng buộc gì nên thôi. Đến quầy của chị Phượng bán hàng rau quả, hỏi mua cam, chị hô giá 80 nghìn đồng/kg. “Chú mua đi, chỗ khác họ bán giá cao hơn chị đó, ưng ý thì chị bớt cho 2 nghìn đồng/kg” - chị Phượng nói.
Đến chợ Tam Kỳ thuộc loại 1 vì ở trung tâm của thành phố là tỉnh lỵ mà buôn bán hàng hóa còn chèo kéo, hét giá, bán hàng không niêm yết giá nên chúng tôi đã không bất ngờ với thực trạng bán hàng “ăn xổi ở thì” ở các chợ khác thuộc tuyến huyện, đặc biệt là huyện vùng cao. Chưa kể một số chủ cửa hàng còn nặng lời nếu mua bán không vừa ý. Bà Vũ Thị Thanh Nga - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết, từ năm 2016 đến nay, Ban Quản lý chợ Tam Kỳ đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Tam Kỳ triển khai xây dựng mô hình “Quầy hàng văn minh thương mại”. Mục đích thực hiện nếp sống văn minh đô thị, kinh doanh, buôn bán có văn hóa, đưa các tiểu thương đi vào khuôn khổ nền nếp trong trao đổi, bán mua. Theo bà Nga, mô hình đang hoạt động rất thiết thực, 100% tiểu thương của 22 ngành hàng kinh doanh ở chợ đều tham gia, tự nguyện ký kết ghi nhớ, tự giác thực hiện các nội dung. Đó là kinh doanh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, thái độ phục vụ khách hàng lịch sự, nhã nhặn, tạo không khí vui tươi để khách hàng yên tâm, thân thiện mua sắm, qua đó, xây dựng niềm tin để khách quay lại mua sắm những lần sau đó. Tuy nhiên, niêm yết giá bán các mặt hàng và bán hàng đúng theo giá đã niêm yết còn chưa được tiểu thương hưởng ứng vì kinh doanh, buôn bán ở chợ vẫn còn nhỏ lẻ.
Khó vào nền nếp
Theo bà Vũ Thị Thanh Nga, mới đây đã xảy ra trường hợp đáng tiếc ở chợ Tam Kỳ là tiểu thương hét giá rồi “ép khách hàng là sinh viên phải mua hàng dày giép với giá quá cao. Sau đó, khách hàng này đã trình báo với Ban Quản lý chợ Tam Kỳ và sự việc sau đó đã được xử lý theo cách tiểu thương phải nhận lại giày dép và trả lại tiền mua cho khách. |
Niêm yết giá bán và bán hàng theo giá niêm yết đã được quy định cụ thể theo Luật Giá từ năm 2013 và bắt buộc các tiểu thương, người buôn bán phải thực hiện. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, việc này chỉ mới diễn ra ở siêu thị và một số shop hàng bán các mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Cũng theo bà Vũ Thị Thanh Nga, thay đổi tập quán kinh doanh, buôn bán của tiểu thương không phải dễ dàng trong ngày một ngày hai. Nói đi đôi với làm còn khó do quy mô buôn bán ở chợ chưa được nâng tầm. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới Ban Quản lý chợ Tam Kỳ sẽ giám sát, kiểm tra, vận động tiểu thương ký cam kết niêm yết giá bán và bán hàng theo giá đã niêm yết. Các quầy hàng phải gọn gàng, sạch sẽ, hàng hóa phải có nhãn mác rõ ràng. “Chúng tôi sẽ khen thưởng nếu làm tốt và xử phạt theo quy định để kinh doanh, buôn bán ở chợ đi vào nền nếp hơn” - bà Nga cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, sau khi Luật Giá có hiệu lực thi hành, lực lượng quản lý thị trường đã thường xuyên tuyên truyền các hộ kinh doanh, buôn bán niêm yết giá bán, bán đúng giá niêm yết. Ngành chức năng đã ra quân, xử lý một vài vi phạm kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm để răn đe. Đối với các mặt hàng tiêu dùng như quần, áo, dày giép, lực lượng quản lý thị trường cũng hay kiểm tra, nhắc nhở chứ ít khi xử phạt hành chính. “Nếu thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật thì đã xử phạt rất nhiều vụ vì không niêm yết giá và bán hàng không theo giá đã niêm yết là mẫu số chung của hoạt động kinh doanh còn thiếu quy củ, nhỏ lẻ ở các chợ truyền thống. Nhắc nhở là chủ yếu chứ khó có thể nặng tay xử phạt vì phụ thuộc vào thói quen, tập quán, văn hóa ứng xử chung của cộng đồng” - ông Sơn nói. Ngành chức năng cho rằng, không niêm yết giá và bán hàng không theo niêm yết là nguyên nhân chính khiến cho khách hàng dần quay lưng với chợ truyền thống và vào mua sắm chủ yếu ở siêu thị, shop hàng hiện đại hơn.
VIỆT QUANG - VĂN HÀ