Hàng tết tăng giá
Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường là vấn đề đặt ra khi nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá trong thời điểm tết cổ truyền đang đến gần.
Nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên vào dịp tết. Ảnh: V.Q |
Quan sát của chúng tôi tại nhiều chợ trên thị trường Quảng Nam, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng cao. Rau, củ, quả rục rịch tăng giá từ thời điểm đầu tháng Chạp đã đạt ngưỡng cao nhất trong 15 ngày qua. Cà chua được bán lẻ vào thời điểm này ở mức 30 nghìn đồng/kg, tăng hơn 5 nghìn đồng/kg so với thời điểm đầu tháng Chạp. Bà Phạm Thị Thảo - chủ cơ sở bán lẻ hàng rau quả trên đường Hồ Nghinh (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Cà chua nói riêng, trái cây nói chung được chúng tôi mua từ Đà Lạt về bán lại chứ Quảng Nam đâu có nguồn cung. Giá xăng dầu tăng đã khiến chi phí vận chuyển tăng nên phải bán với giá cao hơn chứ không thì lỗ vốn”. Cải bẹ, bí đỏ, cà rốt cũng liên tục tăng giá. Thời điểm đầu tháng Chạp, cải bẹ có giá 20 nghìn đồng/kg đã tăng lên 27 nghìn đồng/kg trong những ngày gần đây. Giá cà rốt hiện tại dao động 22 - 25 nghìn đồng/kg, bí đỏ có giá 20 - 22 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương nhận định, do nhu cầu, thói quen mua sắm, tích trữ hàng hóa của người dân vào dịp tết nên sẽ tạo áp lực lớn lên nguồn cung. Giá cả hàng hóa dịp cận tết truyền thống dự kiến sẽ tăng 15 - 20%, một số mặt hàng như mứt, bánh kẹo, hạt dưa, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thức uống dự kiến sẽ tăng 20 - 25%. “Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh tham gia bán hàng, phục vụ tốt nhu cầu sắm tết của người dân, hạn chế giá cả hàng hóa tăng vọt” - ông Nguyễn Quang Thử nói. |
Giá thực phẩm tươi sống như gà ta, hải sản cũng tăng vọt trong mấy ngày gần đây. Hiện tại, gà đã mổ xong được bày bán với giá 150 nghìn đồng/kg ở các chợ cóc, tăng 20 nghìn đồng/kg trong 2 tuần qua. Trong khi đó, gà thịt được thương lái bán sỉ với giá 130 nghìn đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng được bán với giá 150 nghìn đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg. Đối với cỡ 60 con/kg, tôm thẻ chân trắng có giá bán 220 nghìn đồng/kg. “Giá tôm tăng cao là do thiếu hàng. Quảng Nam đâu có mấy hộ nuôi tôm thành công, chủ yếu tôi mua lại từ vựa tôm ở đồng bằng sông Cửu Long chuyển về nên bán với giá cao trong điều kiện giá điện, giá xăng dầu đều tăng. Nhiều mặt hàng hải sản cũng đột ngột tăng giá, vượt 20 nghìn đồng/kg tính từ thời điểm mùng 1 tháng Chạp” - chị Phạm Thị Hoa, tiểu thương buôn bán hàng hải sản đông lạnh ở chợ Trung tâm thương mại (TP.Tam Kỳ) cho biết. Trong khi đó, gạo bán lẻ đã tăng 10 nghìn đồng/kg lên 13 nghìn đồng/kg. Gạo thơm được bán giá 200 nghìn đồng/bao loại 10kg.
Theo tìm hiểu, mọi năm UBND tỉnh trích ngân sách để triển khai chương trình bình ổn thị trường. Tuy nhiên năm nay, chương trình tạm dừng. Trong khi đó, các chương trình khuyến mãi, bình ổn thị trường chỉ được thực hiện trên địa bàn tỉnh thông qua các nhà phân phối, bán lẻ lớn, tập trung chủ yếu ở siêu thị. Hàng hóa bán lẻ ở các chợ, đặc biệt là chợ cóc, do yếu tố đầu vào tăng cao khi điện, xăng dầu tăng giá đã khiến giá bán ra tăng lên. Hàng hóa nhỏ lẻ ở các chợ này do phải qua nhiều trung gian, mua đi bán lại nên khi đến với người tiêu dùng phải tăng giá để bù lại chi phí. Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), hàng hóa dịp tết mặc dù có tăng thêm về số lượng, chủng loại nhưng do sức mua tăng dồn ở khu vực nông thôn, miền núi nên giá có tăng. Hàng hóa chất lượng cao như gà ta, hàng hải sản chủ yếu phục vụ người tiêu dùng có thu nhập cao nên được dịp tăng giá vào những ngày tết khi tiểu thương “đánh” vào tâm lý xài hàng sang của khách.
Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, giáp tết là thời điểm thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vi phạm có thể sẽ tập trung vào các mặt hàng như thuốc lá, mỹ phẩm, bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, hàng dệt may, hàng điện tử, hàng tiêu dùng thiết yếu. Do vậy, các đơn vị quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tăng cường đấu tranh, ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
VIỆT QUANG