Gian nan chống gian lận thương mại

NGUYỄN QUANG VIỆT 15/01/2018 09:27

Nạn buôn bán hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại “nóng” lên khi tần suất, mức độ lưu thông hàng hóa gia tăng vào thời điểm trước tết. Lực lượng chức năng đang ráo riết triển khai các biện pháp ổn định thị trường, nhưng trong quá trình kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều khó khăn...

Lực lượng quản lý thị trường xử lý một vụ kinh doanh hàng lậu.
Lực lượng quản lý thị trường xử lý một vụ kinh doanh hàng lậu.

Nhiều bất cập

Sau nhiều ngày theo dõi, mật phục, lực lượng liên ngành gồm các cán bộ biên phòng và hải quan vừa bắt quả tang Nguyễn Viết Thắng (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đang vận chuyển 25kg pháo nổ từ Lào về Việt Nam, sắp đi qua Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Nam Giang. Qua đấu tranh với chứng cứ không thể chối cãi, ngành chức năng đã xử phạt đối tượng 60 triệu đồng về hành vi “mang trái phép vào lãnh thổ Việt Nam các loại pháo”. Vận chuyển, kinh doanh pháo luôn diễn ra với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi vào thời điểm cận tết. “Các lực lượng chức năng cần bám sát địa bàn, trinh sát theo dõi và kiên quyết đấu tranh, xử lý nạn buôn bán trái phép pháo từ Lào vào Việt Nam. Kinh doanh pháo lậu liên quốc gia thu lợi lớn, các đối tượng rất nguy hiểm nên các cán bộ biên phòng, hải quan cần sát sao hơn khi những ngày tết cổ truyền đang đến gần” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.

Kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thường diễn ra vào thời điểm này, trong khi chế tài xử lý vẫn còn nhiều bất cập. Ông Đoàn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường nói: “Các xử phạt hành chính đối với buôn bán hàng lậu còn ít tính răn đe. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để xử lý vấn nạn này còn thiếu rõ ràng. Văn bản không quy định rõ số lượng, giá trị hàng hóa và mức độ xử phạt cụ thể. Xử phạt không nặng đôi khi lại gây phản ứng ngược như là “bao che” cho các tình tiết vi phạm pháp luật”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, thiếu công cụ, thiết bị, máy móc hỗ trợ gây rất nhiều khó khăn cho lĩnh vực đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu. “Thời điểm này, mặt hàng rượu nói riêng, an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung đặt ra rất nhiều vấn đề cấp thiết. Chúng tôi mới chỉ có thể kiểm tra (test) nhanh chứ chưa có công cụ hỗ trợ cụ thể hơn nên nhiều khi lúng túng, khó xử lý đến nơi đến chốn. Vấn đề hậu kiểm đặt ra nhưng chưa dễ giải quyết” - ông Nguyễn Văn Văn nói.

Theo Sở Y tế, nhiều khi mới chỉ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thì các đối tượng chống đối, đe dọa với hành vi rất nguy hiểm. “Khi quan sát, giám sát, điều tra độc lập phát hiện có dấu hiệu sai phạm thì chúng tôi tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất. Lúc đó, không có kế hoạch cụ thể nên các lực lượng công an, quản lý thị trường không có mặt để hỗ trợ. Có lý do là lo có kế hoạch thanh tra kỹ càng thì dễ bị lộ” - ông Nguyễn Văn Văn nói.

Cần đồng bộ hơn

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kết quả xử phạt 241 triệu đồng đối với 51 vụ vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng lậu trong năm qua là ít ỏi. Phạm vi bao quát của ngành nông nghiệp trải trong 5 lĩnh vực với nhiều vấn đề gay gắt là trồng trọt và bảo vệ thực vật (phân bón, thuốc trừ sâu...); chăn nuôi và thú y (thức ăn gia súc, thuốc thú y giả...); lâm nghiệp (vận chuyển, kinh doanh gỗ lậu...); ngành thủy sản (vật tư thủy sản giả) và quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản (hàn the trong thực phẩm). Nếu như đội ngũ thanh tra của ngành nhiều hơn thì số vi phạm bị xử lý đã có thể tăng thêm trong năm qua. Từ các vấn đề đặt ra thì cần phải kiện toàn 3 vấn đề là bổ sung, đào tạo cán bộ; kiện toàn bộ máy hoạt động và đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành và liên ngành.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo phạm vi quản lý của ngành đang được các lực lượng quyết liệt vào cuộc. Vấn đề khoáng sản rất phức tạp, doanh nghiệp kinh doanh có dấu hiệu khai báo không đúng trữ lượng, hàng hóa khai thác để gian lận thuế và không trang bị đầy đủ điều kiện lao động, sản xuất gây sập hầm lò, thiệt hại về người. Các lực lượng giao thông đường thủy, cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế liên tục phát hiện, truy bắt, xử lý nhiều vụ về khai thác cát sạn trái phép. Lâm tặc cũng manh động chống trả rồi “bỏ của chạy lấy người” khi vận chuyển gỗ lậu bị vỡ lở. Vấn nạn bảo kê, cho vay nặng lãi cũng đang xảy ra nguy hiểm ở các địa bàn thành thị. “Đối với việc phối hợp để cùng nhau xử lý các vấn đề về kinh doanh hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, chúng tôi rất sẵn sàng liên kết với các sở, ngành liên quan” - Đại tá Nguyễn Đức Dũng nói.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, trong năm 2018 các cơ quan cần chủ động đẩy mạnh tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh đối với người và phương tiện ở các biên giới, cửa khẩu, các đường tiểu ngạch, cảng biển. Các cơ quan căn cứ nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch “tác chiến” độc lập và phối hợp chặt chẽ với nhau để hoàn thành tốt hơn công việc chung. “Đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả là lĩnh vực đặc thù đòi hỏi phải sâu về chuyên môn nghiệp vụ, quyết liệt về ra quân truy bắt, xử lý. Các ban, ngành cần thu thập, điều tra, phát hiện các thủ đoạn mới của tội phạm để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhân dân tin tưởng giao cho” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT