VNPT Quảng Nam: Đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Năm 2017, Viễn thông Quảng Nam (VNPT Quảng Nam) đã nỗ lực đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, vươn lên đứng vị trí thứ 2 toàn tập đoàn về doanh thu viễn thông - công nghệ thông tin (VT-CNTT).
Trao Cờ thi đua xuất sắc của Bộ TT&TT cho các đơn vị thuộc VNPT Quảng Nam. Ảnh: H.L |
Doanh thu tăng trưởng mạnh
Năm 2017, hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT Quảng Nam tiếp tục có bước phát triển. Tổng doanh thu hơn 350 tỷ đồng, đạt hơn 107% kế hoạch giao. Trong đó, doanh thu VT-CNTT đứng thứ 2 toàn tập đoàn trong bảng xếp hạng.
Trong phát triển dịch vụ CNTT, VNPT Quảng Nam đã phát triển được hơn 2.000 hợp đồng kể cả mới và gia hạn đối với dịch vụ VNPT-CA; 815 hợp đồng VNPT-BHXH; nghiệm thu cho 21 khách hàng sử dụng hóa đơn điện tử, chủ yếu gói 200 hóa đơn/năm. Hiện 297 trường học tại Quảng Nam sử dụng phần mềm VNEdu của VNPT, số lượng sổ liên lạc điện tử được ứng dụng tại các trường học tăng 42.797 account. Năm 2017, VNPT tiếp tục ký thêm 17 hợp đồng dịch vụ SMS Brandname, nghiệm thu phần mềm VNPT-HIS tại 7 bệnh viện tuyến tỉnh và 17/19 bệnh viện tuyến huyện…
Về phát triển mạng băng rộng, VNPT đã hoàn thành việc swap và lắp mới 29 trạm MANE chuyển từ Huawei sang Juniper. VNPT cũng hoàn thành mở rộng và nâng cấp mane bổ sung năng lực chuyển mạch, truyền dẫn mạng di động 4G LTE, băng rộng để đảm bảo năng lực và nhu cầu cung cấp dịch vụ cho đến hết năm 2020. Đây cũng là nền tảng để VNPT chuẩn bị hạ tầng mạng IP, kết nối trong nước, kết nối quốc tế sẵn sàng phục vụ lưu lượng IPv6 và công nghệ 4.0…
Theo ông Phạm Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc VNPT Quảng Nam, nỗ lực của VNPT Quảng Nam đã gặt hái được những kết quả bước đầu đáng mừng. Xét về tỷ lệ hoàn thành kế hoạch và tỷ lệ tăng trưởng, VNPT liên tiếp được xếp hạng thứ 4 toàn tập đoàn. Về chỉ tiêu quy mô tăng trưởng, đơn vị cũng đứng thứ 15 toàn tập đoàn.
Bên cạnh những thành quả trên, theo ông Hiệp, VNPT Quảng Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là tình trạng chạy theo việc giảm giá cạnh tranh trên thị trường, số lượng thuê bao trả trước hủy bỏ nhiều, thuê bao trả trước phát sinh cước giảm hơn so với năm 2016. Việc phát triển gói gia đình, văn phòng data đạt kết quả thấp. Việc chăm sóc khách hàng online còn chưa kịp thời, công tác thu thập dữ liệu khách hàng phục vụ chuyển mạng giữ số chưa đạt yêu cầu, còn chậm trễ. Tỷ lệ mất liên lạc tại một số trạm (nhất là khu vực miền núi) vẫn còn cao, thời gian khắc phục sự cố chậm…
CNTT là mũi nhọn
Năm 2017, có 25 sáng kiến, giải pháp khoa học, sáng tạo VNPT trong đơn vị được công nhận và khen thưởng. VNPT Quảng Nam còn thực hiện lắp đặt thiết bị quản lý nhà trạm thông minh (50 trạm) để giám sát điều khiển nhà trạm, giảm nhân lực trong việc ứng cứu xử lý như chạy máy nổ, điều hòa, giám sát cảnh báo, vào ra nhà trạm, điều hành xử lý sự cố. Đây được xem là sản phẩm công nghệ của VNPT Quảng Nam và được tập đoàn đánh giá cao. |
Nhằm chủ động đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chiếm lĩnh thị phần, cùng với chiến dịch tái cơ cấu, Tập đoàn VNPT đã triển khai mạnh chiến lược VNPT 3.0 trên cả nước. VNPT xác định, lĩnh vực CNTT là mảng kinh doanh mũi nhọn của toàn đơn vị. Ông Trần Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc VNPT Việt Nam khẳng định, hiện VNPT trở thành đối tác chiến lược về VT - CNTT với 52/63 tỉnh, thành. Tập đoàn đã triển khai xây dựng thành phố thông minh tại 17 tỉnh/thành. Nhiều giải pháp CNTT của đơn vị được đón nhận rộng rãi như bộ giải pháp Chính phủ điện tử hiện diện ở 61 tỉnh/thành, trong đó có 5 tỉnh/thành triển khai 100% đến xã, phường, 14 UBND tỉnh/thành và Bộ Xây dựng đã kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với trục liên thông quốc gia. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản (VNPT-iOffice), phần mềm Cổng thông tin điện tử (vnPortal), phần mềm giáo dục (vnEdu) của VNPT được ứng dụng tăng mạnh mẽ. VNPT tiếp tục bổ sung hai sản phẩm mới là quản lý lưu trú trực tuyến và hệ thống hỗ trợ nghiệp vụ hội đồng nhân dân các cấp vào bộ giải pháp chính quyền điện tử. Nhiều giải pháp CNTT mới cũng được hỗ trợ đến các đơn vị, doanh nghiệp như: Giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa (VNPT Check), giải pháp quảng cáo thông minh (VNPT SmartAds), dịch vụ lưu trữ (Smart Cloud) và dịch vụ bảo mật (F-Secure SAFE). Thời gian tới, VNPT tiếp tục làm chủ phần thiết bị đầu cuối khách hàng, chủ động đảm bảo an toàn an ninh mạng trên hệ thống. Đơn vị sẽ nỗ lực đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Đặc biệt, VNPT hoàn thành bộ công cụ phân tích khách hàng hiện đại thông qua việc nghiên cứu, phân tích thị hiếu của người tiêu dùng để nghiên cứu, cung cấp dịch vụ tiện ích, nâng cao năng suất lao động, nâng tầm thương hiệu của VNPT trên thị trường khu vực và quốc tế.
VNPT Quảng Nam cũng nằm trong xu hướng phát triển đó. Ông Trần Đoàn Đức - Giám đốc VNPT Quảng Nam khẳng định, cùng với chính sách, chủ trương từ tập đoàn, năm 2018, VNPT Quảng Nam xác định dịch vụ CNTT là mũi nhọn giúp VNPT lấy lại thị phần dịch vụ băng rộng, di động. Để từng bước hoàn thành mục tiêu trên, VNPT tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp về sản xuất kinh doanh, về chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng hạ tầng, mạng lưới và sự hài lòng của khách hàng. Tiếp tục đẩy mạnh cung cấp sản phẩm dịch vụ CNTT của VNPT, tập trung vào các lĩnh vực chính quyền điện tử, dịch vụ công, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyên ngành giáo dục, y tế, BHXH, thuế; hoàn thiện các phần mềm, công nghệ, đẩy mạnh các dịch vụ CNTT có tiềm năng như VNPT - KIOS, VNPT Pharmacy, VNPT Check…
Cũng theo ông Trần Đoàn Đức, VNPT Quảng Nam còn chú trọng nghiên cứu khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới quy trình quản lý, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý sản xuất kinh doanh, nhất là khuyến khích cán bộ công nhân viên phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ý tưởng kinh doanh, nâng chất lượng mạng lưới.
HOÀNG LIÊN