Chọn đất làm ăn
Hiện Hàn Quốc là quốc gia đứng số 1 về số lượng dự án đầu tư FDI tại Quảng Nam. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, Quảng Nam có lợi thế về quỹ đất, giá thuê đất rẻ, hạ tầng tốt, chính sách đầu tư thông thoáng...
Nhà máy dệt may Panko tại KCN Tam Thăng.Ảnh: T.D |
Ồ ạt đầu tư
Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng thực sự “bùng nổ” với những dự án đầu tư lớn, được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá mới cho vùng đông Tam Kỳ, có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngành dệt may. Song không mấy người biết về sự khác biệt của KCN này. Chỉ 4 tháng sau ngày khởi công, Hiệp hội Dệt may Hàn Quốc (hơn 6.000 doanh nghiệp thành viên) đã chọn KCN này để đầu tư các dự án đầy tham vọng của mình. Nhà máy dệt may Panko do Tập đoàn Panko làm chủ đầu tư (70 triệu USD) và nhà máy dệt, phụ liệu Ducksan Vina do Công ty Ducksan Enterprise làm chủ đầu tư (10 triệu USD) của Hàn Quốc đã “mở hàng” cho KCN. Tiến độ đầu tư quá nhanh của các dự án đã khiến ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (chủ đầu tư KCN) bất ngờ, buộc phải từ chối nhiều dự án ngành may của các nhà đầu tư khác, chỉ nhận các dự án nguyên phụ liệu, chờ ổn định cho các nhà đầu tư hiện tại mới tính tiếp.
Lợi thế chuyên biệt về quỹ đất, giá thuê đất rẻ, hạ tầng tốt, chính sách thông thoáng, KCN Tam Thăng đang trở thành một trong những nơi tập trung nhiều dự án phụ trợ lĩnh vực dệt may nhất miền Trung. Ngoài KCN Tam Thăng, tại Tam Anh (Núi Thành) Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc cũng đang có tham vọng đầu tư xây dựng một KCN Tam Anh - Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư hơn 525 tỷ đồng, hướng đến một thành phố công nghiệp - đô thị - dịch vụ tổng hợp, công nghiệp dệt, nhuộm, may, thời trang và phụ kiện mang đậm nét văn hóa Hàn Quốc. Theo thống kê của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, hiện Hàn Quốc là quốc gia có số lượng dự án đầu tư FDI nhiều nhất tại Quảng Nam với 31 dự án, tổng vốn khoảng 250 triệu USD. Những cái tên không còn xa lạ trên thị trường xuất khẩu hay nội địa và cộng đồng thương giới Quảng Nam như Seo Nam (kinh doanh và điều hành nhà máy chế biến thủy hải sản), Woochang Việt Nam (đầu tư, quản lý và điều hành kinh doanh may xuất khẩu), Shin Chang Vina (sản xuất và gia công trang thiết bị y tế), YS VINA (gia công hàng may mặc xuất khẩu, sản xuất trang phục), Sedo Vinako (sản xuất dụng cụ cắm trại, lều và các sản phẩm may mặc), Rio Quảng Nam (sản xuất sợi chỉ), One Woo (sản xuất hàng may mặc), Hutecs Vina (sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng), Gift by Design (in ấn và sản xuất túi giấy), Narae (sản xuất, chế biến nông phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch)… Chưa có một con số thống kê cụ thể lượng hàng hóa xuất khẩu từ các doanh nghiệp Quảng Nam sang Hàn Quốc là bao nhiêu từ 155 doanh nghiệp xuất khẩu đang hoạt động, nhưng dễ nhìn thấy việc xuất khẩu hàng dệt may, túi xách thời trang hiện tại chủ yếu là từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Quảng Nam.
Mở cuộc làm ăn lâu dài
Panko - tập đoàn dệt may khép kín khởi nghiệp từ năm 1984 đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar, đã chọn Quảng Nam sau khi đầu tư tại Bình Dương. Hiện nhà máy sản xuất tại Tam Thăng có 4.500 công nhân làm việc, thời gian tới sẽ mở rộng đầu tư, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho 15.000 công nhân. Không chỉ vậy, Tập đoàn Panko còn có 3 khu nhà ở dành cho công nhân. Theo Chủ tịch Panko Choi young Joo, trước khi chọn Quảng Nam, Panko đã xem xét rất nhiều vùng đất tiềm năng khác, nhưng nhận thấy Quảng Nam là một địa điểm hội tụ đầy đủ các điều kiện, tiềm năng để phát triển một nền công nghiệp vững mạnh và lâu dài nên đã quyết định đầu tư. Không chỉ dừng ở nhà máy dệt may, Panko còn có kế hoạch phát triển khác, đóng góp thêm cho sự phát triển Quảng Nam bằng việc bắt đầu xây dựng khu phức hợp dịch vụ thương mại, các công trình cơ sở giáo dục - đào tạo, sân thể thao và các công trình khác tại khu dân cư lân cận KCN Tam Thăng.
Ông Nguyễn Văn Chúng nói nhiều doanh nghiệp may Hàn Quốc mong muốn có cơ hội đầu tư vào Quảng Nam. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá khá cao về môi trường đầu tư, lao động tại địa phương. Ông Mindu - Giám đốc dự án Fashion Garments (một doanh nghiệp Hàn Quốc đã có kinh nghiệm đầu tư 23 năm qua ở Việt Nam) đánh giá cao về 500 lao động địa phương đang làm việc cho công ty (khoảng 7.500 người khi dự án hoàn thành) về trách nhiệm, hiểu biết và ứng dụng nhanh các kỹ thuật công nghiệp. Một nhà đầu tư khác là Byung-Tae, Kim (Giám đốc Sedo Vinako ở Đông Yên, Duy Trinh, Duy Xuyên, doanh nghiệp Hàn Quốc, xuất khẩu 100% mặt hàng lều, bạt, túi xách…) nói môi trường đầu tư kinh doanh Quảng Nam hiện vẫn hấp dẫn. Doanh nghiệp đã nhận được nhiều hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nên đã quyết định mở rộng dự án đầu tư giai đoạn 2, thu hút thêm 1.500 lao động. Theo các chuyên gia kinh tế, giữa bối cảnh kinh tế thế giới đang bị suy thoái, các tập đoàn đa quốc gia đang cắt giảm danh mục dự án đầu tư ra nước ngoài, trong khi đó các quốc gia và địa phương đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút FDI thì việc Quảng Nam thực sự lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư tiềm năng Hàn Quốc chính là nhờ sự năng động trong vận dụng cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh và đề ra các chính sách thu hút phù hợp.
TRỊNH DŨNG