Cấp điện trực tuyến
Với việc đưa toàn bộ các dịch vụ ngành điện lên mạng, cấp điện trực tuyến cho khách hàng có nhu cầu sử dụng điện, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) đã tạo ra bước tiến mới, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Nhân viên Điện lực Tam Kỳ lắp đặt công tơ mới cho khách hàng. Ảnh: T.L |
Cấp điện trực tuyến
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, EVNCPC đã đa dạng hóa hình thức chăm sóc khách hàng qua các kênh như: gọi trực tiếp số điện thoại 1900.1909 của tổng đài Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNCPC; truy cập trang website:wwww.cpc.vn hoặc tương tác qua địa chỉ email:cskh@cpc.vn. Hàng loạt dịch vụ về điện được cung cấp trực tuyến trên các kênh thông tin này đã tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng điện ở 13 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên của EVNCPC dễ dàng truy cập và ứng dụng. Theo đó, EVNCPC đã cung cấp các dịch vụ trực tuyến của ngành điện bao gồm nhóm dịch vụ cấp điện mới (đăng ký mua điện hạ áp, cấp điện trung áp, theo dõi tiến độ cấp điện); nhóm dịch vụ liên quan đến hợp đồng mua bán điện (thay đổi chủ thể, gia hạn - chấm dứt hợp đồng, thay đổi mục đích sử dụng, số hộ dùng chung công tơ). Ngoài ra, còn có nhóm yêu cầu về hệ thống đo đếm (yêu cầu kiểm tra, kiểm định hệ thống đo đếm), nhóm dịch vụ tra cứu thông tin (lịch tạm ngừng cấp điện, lịch ghi chỉ số, thông tin giá bán điện…), báo sự cố mất điện… Đây là một bước đột phá của EVNCPC nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ với mục tiêu mang lại sự thuận lợi nhất cho khách hàng sử dụng điện.
Với dịch vụ cấp điện trực tuyến, khách hàng không cần đến trực tiếp đến các phòng giao dịch của ngành điện như trước nữa mà chỉ cần đăng ký thủ tục trực tuyến qua website hoặc trực tiếp điện thoại đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng (1900 1909) về nhu cầu được cấp điện. Ngay sau khi khách hàng đăng ký, nhân viên ngành điện sẽ chủ động liên hệ khách hàng và chịu trách nhiệm toàn bộ các giao dịch, quá trình thực hiện, cho tới có kết quả cuối cùng. Cụ thể, từ khâu tiếp nhận hồ sơ, trả lời, hợp đồng mua bán điện... đều thực hiện theo cơ chế “một cửa” qua các tổ giao dịch khách hàng của các Điện lực trực thuộc đang quản lý. Như vậy, đối với khách hàng đã đăng ký cấp điện trên địa bàn của tỉnh sẽ không cần phải photo bất kỳ giấy tờ, hồ sơ liên quan. PC Quảng Nam sẽ thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, giấy tờ cấp điện mới của khách hàng trên hệ thống quản lý điện tử. Theo quy định, đối với dịch vụ cấp điện mới từ lưới điện hạ áp, thời gian chỉ còn không quá 3 ngày làm việc đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn và không quá 5 ngày làm việc với khu vực nông thôn, miền núi.
Theo ông Lưu Đức Lợi - Phó Giám đốc PC Quảng Nam, hiện nay Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNCPC đã vận hành tổng đài tin nhắn nội bộ trong toàn Tổng công ty để hỗ trợ việc tiếp nhận và xử lý yêu cầu của khách hàng; bổ sung quy trình tiếp nhận và xử lý phiếu CRM trên smart tivi, thiết bị di động; phát triển ứng dụng gửi email, SMS đến các khách hàng có yêu cầu cấp điện mới; phát triển tính năng tích hợp vào CRM và chuyển tải thông tin khách hàng đăng ký dịch vụ điện năng… nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện.
Tăng cường quản lý hộ phụ
PC Quảng Nam hiện có hơn 380.000 khách hàng sử dụng điện, trong đó có hơn 32.858 khách hàng sử dụng điện có số hộ từ 2 hộ trở lên. Trước đây, công tác quản lý hộ phụ (QLHP) gặp nhiều khó khăn do hồ sơ hộ phụ sử dụng điện chưa đầy đủ các thông tin yêu cầu như: Xác nhận tạm trú của công an chưa ghi đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, nơi thường trú… theo quy định tại Thông tư 52/2010/TT-BCA ngày 30.11.2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú. Bên cạnh đó, việc cập nhật hộ phụ vào hệ thống quản lý khách hàng sử dụng điện chưa đầy đủ như: số hộ khẩu không được rõ ràng, địa chỉ trên hộ khẩu khu vực nông thôn còn chung chung (chỉ ghi thôn, xã); không có số CMND trên hộ khẩu. Chương trình CMIS chưa hỗ trợ tra cứu thông tin giữa các đơn vị quản lý khách hàng khác nhau. Do đó, các Điện lực không kiểm tra được thông tin ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bổ sung hộ phụ của khách hàng. Ngoài ra, các chủ hộ cho thuê, chủ nhà trọ thường không chủ động đăng ký lại số hộ khi giảm người thuê trọ.
Từ tháng 9.2017, PC Quảng Nam triển khai xây dựng chương trình QLHP phục vụ công tác theo dõi, giám sát khách hàng hộ phụ sử dụng điện và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Chương trình cho phép lấy thông tin khách hàng hộ chính có số hộ lớn hơn 2 hộ và cập nhật sang chương trình QLHP. Dựa trên hồ sơ đăng ký hộ phụ của khách hàng, các Điện lực thực hiện cập nhật chi tiết khách hàng hộ phụ cho khách hàng hộ chính. Chương trình còn cho phép cập nhật thông tin tách hộ khi Điện lực tách công tơ cho khách hàng; cho phép quản lý khách hàng hộ phụ theo lý do không tách hộ, khách hàng muốn tách hộ nhưng chưa tách được kèm theo lý do. Dựa trên dữ liệu cập nhật, các Điện lực có thể xem chi tiết khách hàng hộ phụ của đơn vị quản lý; in bản tổng hợp danh sách khách hàng cần áp giá lại trên chương trình CMIS khi có số hộ trên chương trình CMIS sai lệch với số hộ phụ trên chương trình QLHP; tổng hợp tình hình chi tiết thực hiện tách công tơ hộ phụ của đơn vị trong tháng. “Sau gần 3 tháng triển khai áp dụng chương trình QLHP đối với khách hàng sử dụng điện trên địa bàn của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở ứng dụng phần mềm của chương trình CMIS đã giúp cho các Điện lực phát hiện kịp thời khách hàng hộ phụ trùng số CMND, số hộ khẩu trên toàn công ty; theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tạm trú,… góp phần hỗ trợ quản lý chặt chẽ hồ sơ đăng ký hộ phụ của khách hàng tránh tình trạng một cá nhân đăng ký ở nhiều hồ sơ bổ sung hộ phụ” - ông Lợi cho biết.
TRUNG LỘ - ĐÌNH ĐIỆP