Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường
Ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Mậu Tuất 2018.
Đông đảo khách hàng mua sắm ở Co.opMart Tam Kỳ trong chương trình “Tự hào hàng Việt năm 2017”. Ảnh: C.N |
Mưa gió kéo dài trong những ngày qua không khiến cho sức mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh giảm sút. Theo quan sát của chúng tôi, lưu thông các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, ga không có dấu hiệu chững lại. Ngoại trừ các mặt hàng rau củ quả có giá tăng đôi chút do khan hiếm bởi tàn phá của đợt bão lũ vừa qua, các mặt hàng tiêu dùng khác vẫn không biến động giá. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu triển khai kế hoạch dự trữ, bổ sung hàng hóa để đảm bảo đầy đủ số lượng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Nguồn cung không thiếu
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, đơn vị sẽ dự trữ đa dạng chủng loại hàng hóa và áp dụng phong phú các hình thức khuyến mãi để đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. “Thời điểm cuối năm 2016, chúng tôi dành ra 70 tỷ đồng để mua sắm, vận chuyển hàng hóa về phục vụ nhu cầu của người dân. Năm nay, chúng tôi sẽ tăng thêm khoảng 10% vốn phục vụ khách hàng thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Mức khuyến mãi có thể lên ở một số mặt hàng như bánh, kẹo, mứt, cây ăn quả, hàng hải sản” - bà Lai nói. Theo ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam, từ nay đến dịp Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều chương trình xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến quảng bá, giới thiệu, mời chào khách hàng mua sắm. Theo đó, sẽ có ít nhất 2 hội chợ, đặc biệt là Hội chợ Xuân Quảng Nam dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 30.1.2018. Người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh sẽ có cơ hội tìm hiểu, mua sắm các mặt hàng cần thiết phục vụ cho nhu cầu dịp tết.
Sở Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Phòng Kinh tế, Kinh tế - hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố; Chi cục quản lý thị trường tỉnh; các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo gửi về Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương. Nội dung báo cáo đánh giá tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, báo cáo giá cả hàng hóa theo mẫu. Theo đó, sẽ có 3 đợt báo cáo định kỳ vào trước ngày 27.11.2017, trước ngày 25.12.2017 và trước ngày 1.2.2018; ngoài ra các đơn vị phải báo cáo đột xuất khi ngành chức năng yêu cầu. |
Thời điểm này, Phòng Kinh tế, Kinh tế - hạ tầng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đang khẩn trương tham mưu cho địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và Tết Mậu Tuất. Ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, đang chủ động nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn để kịp thời báo cáo UBND huyện, qua đó có các biện pháp ổn định thị trường. Dịp cuối năm, Thăng Bình sẽ tổ chức chợ tết với các mặt hàng truyền thống như hoa, cây cảnh, bánh kẹo, trái cây, nước mắm, hương… để thuận lợi việc lưu thông hàng hóa, kinh doanh, mua sắm của người dân cũng như điều hành quản lý của ngành chức năng. “Chúng tôi đã phối hợp với Trường Cao đẳng Lương thực Đà Nẵng triển khai 4 lớp tập huấn, trang bị kỹ năng quảng bá, bán hàng ở các làng nghề truyền thống. Đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia trưng bày, buôn bán các sản phẩm đẹp, lạ, an toàn phục vụ nhu cầu mua sắm, thưởng ngoạn của người dân. Các ban, tổ quản lý chợ cũng đã xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp trật tự, vệ sinh, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thực hiện văn minh thương mại để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân” - ông Hòe nói.
Ổn định thị trường
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm và Tết Mậu Tuất 2018. Theo đó, sẽ mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngành chức năng tập trung vào các hoạt động đấu tranh chống vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết; xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng đầu cơ, găm hàng, ép giá hay tung tin thất thiệt, đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo các loại trái phép.
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh cần chủ động rà soát, đánh giá nguồn cung hàng hóa, nhu cầu của người tiêu dùng ở từng thời điểm, qua đó đảm bảo tiến độ sản xuất, dự trữ nhằm cung ứng đủ, kịp thời các nguồn hàng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức xúc tiến thương mại, mở các chuyến bán hàng về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nhất là các vùng chịu thiệt hại nặng về bão lũ, qua đó cung ứng sớm, đầy đủ, giá cả hợp lý các hàng hóa cho người dân. “Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong dịp cuối năm và tết truyền thống. Doanh nghiệp cũng cần phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để ngành chức năng và chính quyền các cấp phối hợp hỗ trợ, xử lý” - ông Thử nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT