Đưa gạch không nung đến người tiêu dùng

VIỆT QUANG 27/09/2017 12:05

Sản xuất, sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì thế, tìm giải pháp phát triển, đưa gạch không nung đến với người tiêu dùng là điều cấp thiết.

Sản xuất, sử dụng gạch xây không nung trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.Ảnh: V.Q
Sản xuất, sử dụng gạch xây không nung trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.Ảnh: V.Q

Nhiều bất cập

Từ chỗ chỉ có 2 cơ sở sản xuất gạch không nung là Công ty TNHH MTV Thương mại Tâm Phúc Nguyên (Đại Lộc) và Công ty TNHH MTV Sản xuất Nguyên Tâm (Thăng Bình) vào năm 2014 thì đến nay, toàn tỉnh đã có 23 cơ sở sản xuất gạch không nung được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, với tổng công suất đăng ký khoảng 550 triệu viên/năm. Các nhà máy sản xuất gạch không nung đang hoạt động đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thông qua chỉ định của Bộ Xây dựng để phù hợp với QCVN 16:2014/BXD và được Sở Xây dựng tiếp nhận thông báo hợp quy sản phẩm, qua đó đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Theo ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng, sản xuất, sử dụng gạch xây không nung vẫn còn nhiều bất cập, chưa được ứng dụng rộng rãi. Nguyên nhân người tiêu dùng, các chủ đầu tư vẫn chưa mặn mà. Gạch không nung có giá thành cao so với gạch đất sét nung. Đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất gạch không nung có tay nghề còn hạn chế, sử dụng không thành thạo các công cụ chuyên dùng. Doanh nghiệp sử dụng dây chuyền thiết bị của Trung Quốc để chế tạo gạch không nung theo công nghệ Đức là hạn chế khó thay đổi trong thời gian qua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản xuất và sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy nhiều hiện tượng không khả thi. Các công trình sử dụng gạch không nung thường xuất hiện nhiều vết nứt, gây thấm sau một thời gian sử dụng. Có thể lý giải điều này là do bảo quản vật liệu và trát khi xây gặp nhiều khó khăn do loại gạch này hút ẩm nhiều. Đến thời điểm nay, các tiêu chuẩn sản xuất, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc, định mức dự toán, đơn giá xây dựng từ gạch không nung chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ từ các cơ quan quản lý, gây khó khăn trong công tác thiết kế, lập dự toán. “Thi công vật liệu xây không nung đòi hỏi kỹ năng xây, tô khác với gạch truyền thống nên nhà thầu và thợ xây dựng gặp không ít khó khăn trong quá trình thi công. Gạch xây không nung nặng hơn gạch đất sét nung nên thao tác xây dựng của thợ xây khó khăn hơn, năng suất lao động không cao”, ông Trần Minh Thế - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình - Chu Lai (cụm công nghiệp Nam Chu Lai, Núi Thành) cho biết. Còn ông Nguyễn Phước - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An cho rằng, gạch không nung có nhiều ưu điểm như kích thước chuẩn xác, giảm thao tác khi xây, giảm thiểu hao hụt vữa trát, vữa xây, có tính cách âm, cách nhiệt tốt... Tuy nhiên nhược điểm là khi xây tường đã xảy ra hiện tượng nứt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và an toàn công trình.

Tìm giải pháp

ThS. Phạm Văn Quang - Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, với quyết định 567/QĐ-TTg, Chính phủ đã hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển gạch xây không nung. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương chưa có giải pháp cụ thể, khả thi nhằm tăng cường sử dụng gạch xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung theo chủ trương. Trong khi đó, nhận thức của một số nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về gạch xây không nung còn chưa đầy đủ; chưa nghiên cứu, cập nhật các quy định của Nhà nước về việc sử dụng gạch không nung trong công trình xây dựng. Bộ Xây dựng đã tiến hành sơ kết tình hình thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và sẽ tổ chức hội nghị sơ kết trong thời gian tới, dự kiến sẽ kiến nghị Chính phủ một số giải pháp phát triển gạch không nung nói riêng, vật liệu xây không nung nói chung. Đó là tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục thông tin, tuyên truyền phổ biến chương trình phát triển gạch xây không nung đến năm 2020. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc sử dụng gạch xây không nung trong các công trình xây dựng; cần ban hành các chính sách ưu đãi mới để thúc đẩy chương trình phát triển gạch xây không nung.

Ông Trần Xuân Đính - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, gạch không nung có 2 công nghệ sản xuất, gồm ép rung và ép tĩnh. Để gạch không nung đảm bảo chất lượng thì nguyên liệu đầu vào là đá cắt và xi măng phải đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật. Tiếp theo là vấn đề dưỡng hộ gạch. Trong 7 ngày đầu tiên phải thực hiện dưỡng hộ gạch liên tục như dưỡng hộ bê tông. Sau 7 ngày khi gạch lên kệ thì phải dưỡng hộ tiếp, đến khi đủ 28 ngày mới được xuất xưởng, đưa vào sử dụng. Về thi công gạch không nung, khi xây phải đảm bảo mạch vữa dày 1-1,5cm. Phải đảm bảo dưỡng hộ tường xây đúng quy trình, đặc biệt chú ý các điểm tiếp giáp giữa tường với cột, dầm, sàn. Về thị trường tiêu thụ, nhà nước và các ngân hàng nên tạo điều kiện ưu đãi về lãi suất vay, giảm thuế, giảm tiền thuê mặt đất để doanh nghiệp có cơ sở xây dựng giá bán hợp lý hơn, đủ sức cạnh tranh với gạch xây truyền thống... Cũng theo ông Nguyễn Phước, cần phải điều chỉnh thiết kế gạch xây không nung theo hướng hạn chế chủng loại gạch kích thước 19-19-39cm vì loại gạch này vừa khó thao tác xây tường vừa dễ nứt ngang thân gạch. Quá trình bảo dưỡng gạch xây không nung cần kéo dài 2-3 tháng chứ không nên chỉ gói gọn trong vòng 28 ngày. Khi đó, gạch không nung mới hết độ co ngót và tường sẽ không bị nứt.

Theo ông Nguyễn Phú, thời gian đến, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, các nhà thầu, các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ngành xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách, cơ chế phù hợp để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạch xây không nung. Các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý sản xuất, quy trình công nghệ, quản lý kỹ thuật cũng như tăng cường hợp tác đầu tư trong và ngoài tỉnh để sản xuất gạch xây không nung đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, hạ giá thành sản phẩm...

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG