Làm du lịch bền vững để khởi nghiệp

QUỐC TUẤN 04/09/2017 08:07

Với nền tảng kiến thức bài bản về du lịch bền vững cộng với mong muốn giúp cộng đồng địa phương gần hơn với du khách nước ngoài, Nguyễn Thị Phương Lan đã sáng lập dự án Cultures Connect để khởi nghiệp.

Du khách trải nghiệm làm chiếu cùng người dân địa phương thông qua sự kết nối của dự án Cultures Connect. Ảnh: Q.TUẤN
Du khách trải nghiệm làm chiếu cùng người dân địa phương thông qua sự kết nối của dự án Cultures Connect. Ảnh: Q.TUẤN

Đam mê với du lịch bền vững

Quê gốc ở Hưng Yên, sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên nhưng Phương Lan lại chọn Đà Nẵng để sinh sống và lập nghiệp. Sau khi theo học đại học chuyên ngành liên quan đến du lịch tại Hà Nội trong 5 năm, Phương Lan ra trường và có một thời gian làm các dự án du lịch cộng đồng tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam trước khi tiếp tục sang New Zealand để du học ngành du lịch cộng đồng từ năm 2012 đến 2014. Từ những năm tháng làm việc, học tập, trải nghiệm trong ngành du lịch, cô gái này nhận ra rằng vẻ đẹp thực sự của du lịch ở vùng đất miền Trung đối với du khách chính là tìm hiểu, hòa mình với cộng đồng dân cư địa phương.

Phương Lan suy nghĩ rằng phải làm một dự án gì đó quy củ hơn để có thể thực hiện khao khát làm du lịch cộng đồng bền vững của mình và đó là lý do ra đời dự án Cultures Connect. Cultures Connect, được hiểu nôm na là dự án về du lịch cộng đồng nhằm kết nối du khách quốc tế với người bản địa Việt Nam thông qua các hoạt động văn hóa gắn liền với đời sống hàng ngày và thông qua sự kết nối của nhóm bạn trẻ Cultures Connector làm giảm thiểu rào cản ngôn ngữ giữa du khách và người dân. Nhờ việc hướng về cộng đồng, Cultures Connect đã đạt được giải nhì tại Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng 2016, sau đó được chọn vào ươm tạo trong khóa 2 của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng.
Hướng đến lợi ích cho cộng đồng

Trong khoảng hơn một năm qua từ khi dự án hình thành và phát triển, Phương Lan và các cộng sự hướng đến các địa điểm có tiềm năng du lịch cộng đồng tại Đà Nẵng và đặc biệt là Quảng Nam. Tại Quảng Nam, các “Connector” đã đưa du khách nước ngoài trải nghiệm tại làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu (TP.Hội An), làng hương Quán Hương (Thăng Bình) và hiện tại đang xúc tiến việc tìm hiểu thông tin du lịch, kết nối với người dân địa phương tại làng bích họa Tam Thanh để mở rộng hoạt động. Phương Lan chia sẻ, các tour trải nghiệm với Cultures Connect gói gọn trong ngày, đơn cử như việc trải nghiệm tại làng rau Trà Quế sẽ diễn ra trong vòng 1 buổi, du khách sẽ bắt đầu hành trình tại Đà Nẵng từ sáng sớm sau đó đến làng rau uống nước hạt é, đạp xe ngắm cảnh, nghe giới thiệu về rau, ra vườn làm nông dân để thu hoạch, tự nấu ăn và cưỡi trâu.

Mục tiêu hàng đầu của dự án này không phải là lợi nhuận mà là lợi ích thực sự mang lại cho cộng đồng. Phương Lan cho biết: “Khoảng 60% nguồn thu từ mỗi đợt trải nghiệm sẽ được chia sẻ cho người dân địa phương, 20% dành cho chi phí vận chuyển và 10% sẽ dành cho các cộng tác viên kết nối”. Hiện tại, dự án có gần 20 cộng tác viên thường xuyên là sinh viên các trường đại học trên địa bàn  Đà Nẵng.

Có hai điều mà du khách sẽ thực sự hài lòng khi trải nghiệm cùng Cultures Connect, là cảm xúc chân thật mà họ được trải qua tại các vùng miền, làng quê và đặc biệt hơn nằm ở chỗ du khách sẽ cảm thấy chi phí họ bỏ ra thực sự có ích và được trang trải đến cộng đồng cư dân để các bên đều có lợi chứ không chỉ chảy vào túi các đơn vị làm du lịch. “Cultures Connect sẽ cố gắng duy trì hoạt động theo cách riêng của mình chứ không nhất thiết phải chạy theo thị trường hay một xu thế nào đó, đây là một dự án đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ để kiểm định tính hiệu quả và hy vọng nó sẽ được duy trì được tín hiệu tích cực này trong thời gian dài tới” – Phương Lan bộc bạch.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN