Phát triển kinh tế tư nhân: Mạnh dạn phá dỡ mọi lực cản
Hôm qua 28.6, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng tổ chức hội thảo với chủ đề “Kinh tế tư nhân (KTTN) - động lực phát triển kinh tế địa phương”. Các chuyên gia kinh tế nhận định, phát triển KTTN thông qua hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến sẽ là con đường ngắn nhất đưa các địa phương, trong đó có Quảng Nam phát triển đúng hướng.
Kinh tế tư nhân góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế chung của địa phương. Ảnh: H.P |
HỘI thảo đã nghe nhiều tham luận của chuyên gia kinh tế cao cấp, đại diện VCCI tại Đà Nẵng, cơ quan quản lý, đại diện doanh nghiệp tư nhân... Các ý kiến đều tập trung “nội soi tổng quát sức khỏe” của nền KTTN cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng, về quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập cũng như cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
Tâm lý “không dám lớn”
Mấy năm gần đây, KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá (chiếm tỷ trọng 39 - 40% GDP), thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy vậy, yếu kém của KTTN là sức cạnh tranh thấp, quy mô nhỏ, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế rất hạn chế. TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn nhìn nhận, tâm lý mặc cảm, “muốn bé lại” chứ “không dám lớn” là điều đáng sợ nhất của KTTN. Doanh nghiệp tư nhân có xu hướng ngày càng ít lại là điều đáng lo ngại. Điểm yếu nhất của loại hình kinh tế này là thiếu liên kết, thiếu đầu tư cho dài hạn, tư duy còn theo kiểu chụp giựt; vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh còn khá phổ biến. “Tình trạng sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại… còn diễn ra. Nhiều doanh nghiệp tư nhân báo cáo không trung thực, nợ bảo hiểm xã hội, nợ quá hạn ngân hàng, trốn thuế và nợ thuế kéo dài. Thêm nữa, xuất hiện mối quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quan lý nhà nước, hình thành “lợi ích nhóm”, suy giảm lòng tin của nhân dân” - TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát đi thông điệp: 2017 là năm giảm chi phí về thời gian và tiền bạc trong kinh doanh, giảm thủ tục, áp dụng Chính phủ điện tử, giảm chi phí vận tải, phí bến bãi, xuất nhập khẩu, chi phí BOT, logistics... Tuy nhiên, VCCI Việt Nam công bố, chi phí logistics, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch... của Việt Nam cao hàng đầu so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển 1 container từ cảng Hải Phòng đến Hà Nội gấp 3 lần so với chi phí từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Lãi suất ngân hàng ở Việt Nam cũng cao ở mức 7 - 9%, trong khi Trung Quốc 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2 - 3%... Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.Tam Kỳ cho biết, cho dù Nghị quyết 35 của Chính phủ hồi năm ngoái có nêu, mỗi năm doanh nghiệp chỉ bị thanh tra một lần, nhưng thực tế từ đầu năm đến nay có đến 4 cuộc thanh tra của các ngành khác nhau, gây phiền toái. Doanh nghiệp lớn thì bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều, trong khi đó doanh nghiệp nhỏ thông thường lại ít hơn. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao rất nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ không dám lớn và không muốn lớn. Doanh nghiệp lớn kéo theo chi phí bôi trơn, chi phí không chính thức cũng tăng lên.
Cần bình đẳng chứ không cần ưu đãi
“Điều kiện tiên quyết để phát triển KTTN là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với KTTN, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp ngoài nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI”. (Ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty May Tuấn Đạt) |
Tại Quảng Nam, theo số liệu khảo sát của VCCI Đà Nẵng, chi phí bôi trơn, chi phí không chính thức của doanh nghiệp tư nhân năm 2016 tăng cao so với năm 2015, mặc dù chỉ số PCI của tỉnh đứng thứ 2 (sau TP.Đà Nẵng) trong số 12 tỉnh duyên hải miền Trung, và đứng thứ 10 của cả nước. Theo ông Nguyễn Diễn - Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, có 10 chỉ số thành phần để đo lường môi trường kinh doanh cấp tỉnh (gồm yếu tố gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý). Biểu đồ thống kê cho thấy, năm 2016 có 11% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị thanh tra từ 4 cuộc trở lên, doanh nghiệp bị tốn chi phí thời gian nhiều nhất nằm ở lĩnh vực giải phóng mặt bằng về đất đai; kế tiếp là bị nhũng nhiễu về thuế, phí, lệ phí. Có 44% số doanh nghiệp tặng quà cho cán bộ thanh tra, kiểm tra; 50% số doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty May Tuấn Đạt (đóng chân tại TP.Tam Kỳ) cho rằng, doanh nghiệp may mặc của ông cần được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp FDI. Nghịch lý là cùng đứng chân trong một thành phố, nhưng Tập đoàn Dệt may Panko mới vào Khu công nghiệp Tam Thăng thì được Nhà nước giao cho họ hàng trăm héc ta đất và ưu tiên mặt bằng để làm nhà ở cho công nhân, còn công ty ông tìm đất xây nhà ở cho công nhân không được. Bất hợp lý là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chạy theo lợi nhuận, tận dụng lao động giá rẻ, đem thiết bị máy móc cũ kỹ từ nước ngoài qua để khấu trừ thuế, nhiều mặt hàng như may mặc không thể cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Lợi thế của doanh nghiệp may mặc Tuấn Đạt là thu hút 3.000 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân của người lao động hơn 6 triệu đồng (cao hơn doanh nghiệp may mặc FDI). Về thuế thu nhập doanh nghiệp, mỗi năm công ty đóng 22%, đóng góp ngân sách nhà nước hơn 20 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp FDI như Tập đoàn May mặc Panko (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 15 năm. “Điều kiện tiên quyết để phát triển KTTN là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với KTTN, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp ngoài nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI. Nếu Nhà nước thu hút FDI thì phải lựa chọn những mặt hàng nào mà trong nước không sản xuất được hoặc không có thế mạnh cạnh tranh” - ông Doãn đề xuất.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Năm 2016, Quảng Nam có 1.050 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 20% so với năm 2015). Tính đến cuối tháng 3.2017 toàn tỉnh có 5.239 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 38 doanh nghiệp nhà nước, 129 doanh nghiệp FDI và 5.126 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 tăng cao nhất trong 10 năm gần đây, đạt hơn 62.300 tỷ đồng (tăng 14,73% so với năm 2015, trong khi cả nước chỉ 6,3%). |
Khu vực KTTN của Quảng Nam chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong đóng góp ngân sách nhà nước, là nhân tố chính đưa tỉnh có nguồn thu ngân sách đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng và là không nhiều địa phương có đóng góp ngân sách về Trung ương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận, KTTN của tỉnh phát triển mạnh nhờ thông qua cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thời gian qua, nhiều mô hình, cơ quan ra đời hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp như Trung tâm Dịch vụ hành chính công, một cửa liên thông, tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng. Lãnh đạo chính quyền tỉnh cũng cho rằng, mặc dù địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi, cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhưng phần lớn doanh nghiệp với quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Thông qua cuộc hội thảo này, sẽ giúp lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đa chiều, mạnh dạn phá dỡ mọi lực cản để KTTN chuyển dịch mạnh mẽ hơn.
TS. Lê Đăng Doanh và đại diện VCCI Đà Nẵng đều khẳng định, để KTTN của Quảng Nam xoay chuyển tích cực hơn, cần tập trung việc thực hiện đồng bộ giải pháp thông qua các chính sách hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng; đổi mới công nghệ và các giải pháp tài chính, tín dụng. Đồng thời thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết tích cực giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế. Tỉnh cũng cần khắc phục triệt để tình trạng doanh nghiệp lớn chi phối, lấn át doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội. “Phải cải cách thể chế để phát triển kinh tế địa phương. Chính quyền cấp tỉnh phải ban hành cơ chế chính sách thông thoáng, rõ ràng, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” - TS. Lê Đăng Doanh nói.
HỮU PHÚC