Sản phẩm lưu niệm cho Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm đang là điểm đến yêu thích, nhưng hàng lưu niệm dành cho du khách khi đến tham quan tại đây còn nghèo nàn, đơn điệu. Chính quyền và các ngành chức năng của TP.Hội An đang tích cực tìm hướng khắc phục để góp phần đa dạng hóa dịch vụ du lịch trên đảo, nâng cao giá trị sản xuất và cải thiện thu nhập, đời sống của người dân.
Sản phẩm lưu niệm làm bằng vỏ sò, vỏ ốc ở Cù Lao Chàm. Ảnh: internet |
Những năm qua, ở xã đảo Tân Hiệp có hơn 40 hộ trực tiếp làm các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp với hơn 70 lao động, doanh thu đạt hơn 3,5 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, các sản phẩm có khả năng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách gồm võng cây ngô đồng, vỏ sò, vỏ ốc, các loại hải sản khô, rượu trứng yến... Nhưng rõ ràng, so với tiềm năng sẵn có ở Cù Lao Chàm thì đây là con số khá khiêm tốn về chủng loại lẫn giá trị thu được.
Cơ hội mới
Lâu nay UBND TP.Hội An đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để phát triển sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nói chung và hàng mỹ nghệ nói riêng nhưng Cù Lao Chàm vẫn nghèo sản phẩm lưu niệm. Bằng nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Cù Lao Chàm (như: nghiên cứu duy trì và phát triển nghề đan võng cây ngô đồng, mở lớp đào tạo đan cói nhằm đa dạng hóa sản phẩm lưu niệm) nhưng chưa thực hiện được do điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn, trong khi đó mức hỗ trợ có hạn. Phòng cũng đã tổ chức đưa đoàn cán bộ, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh hàng lưu niệm xã Tân Hiệp đi tham quan học tập kinh nghiệm làm sản phẩm từ vỏ sò, vỏ ốc tại Nha Trang, Vũng Tàu; tuy nhiên việc ứng dụng còn nhiều hạn chế do một thời gian dài trên đảo không có điện, thiếu nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất cao so với giá bán trên thị trường.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý, Cù Lao Chàm đang phát triển mạnh về du lịch, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các mặt hàng lưu niệm phục vụ du lịch, có cơ hội phát triển. Điện lưới quốc gia cũng vừa được cấp ra đảo nên việc hỗ trợ ứng dụng thiết bị máy móc trong một số khâu như: dập vỏ, xe sợi cây ngô đồng; làm sạch, làm bóng vỏ sò, vỏ ốc... sẽ thuận lợi hơn và góp phần nâng cao được năng suất lao động, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đối với nhóm sản phẩm thực phẩm, khi có nguồn điện ổn định, việc đưa phương tiện, thiết bị phục vụ sản xuất ở một số công đoạn để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm cũng được tăng cường như: máy sấy khô, máy xay bột, trộn nguyên liệu...
UBND thành phố đã chỉ đạo chính quyền xã đảo Tân Hiệp phối hợp với ngành chức năng chủ động tìm hướng duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm lưu niệm hiện có để phục vụ du khách. Trước mắt tập trung vào những mặt hàng độc đáo, có triển vọng phát triển; đồng thời tổ chức khảo sát, từng bước nghiên cứu thị trường, triển khai một số sản phẩm khác nhằm đa dạng chủng loại mặt hàng lưu niệm tại Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó, chú trọng đúng mức công tác quảng bá, giới thiệu; đào tạo bồi dưỡng nghề cho lớp trẻ, bảo đảm vệ sinh, cảnh quan môi trường và liên kết hợp tác sản xuất, trình nghề, tổ chức phục vụ cho du khách...
Thương hiệu riêng
Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, từ sau khi tổ chức thử nghiệm sự kiện “Đêm Cù lao” tại xã đảo Tân Hiệp, vài năm gần đây đơn vị tiếp tục triển khai sản xuất thử một số sản phẩm từ nguyên liệu riêng có ở Cù Lao Chàm. Trong đó, tập trung chủ yếu là các sản phẩm ẩm thực và hàng tiểu thủ công nghiệp như: bánh in ngô đồng, tương ngô đồng, hạt ngô đồng rang, nước yến tinh, rong biển tẩm, mứt rong biển, tranh ngô đồng và một số mặt hàng lưu niệm từ sợi vỏ cây ngô đồng, vỏ sò, vỏ ốc, rượu trứng yến, các loại hải sản tươi, khô... Bước đầu, những sản phẩm này được đánh giá cao về chất lượng, tính đặc trưng, mẫu mã bao bì, tạo được ấn tượng tốt đối với du khách.
Gần đây, thực hiện “Dự án đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp vùng sâu vùng xa” thuộc khuôn khổ Chương trình đối tác phát triển của JICA tại Việt Nam, chính quyền TP.Hội An phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước triển khai chương trình phát triển sản phẩm trà lá lao ở Tân Hiệp. Bước đầu, chương trình hỗ trợ cho 36 hộ làm nghề khai thác, kinh doanh trà lá lao mỗi hộ một máy dập miệng túi (thay cho việc dùng đèn cầy hoặc đinh bấm như cách bà con đang làm), 50 bao bì bằng giấy kraft đóng gói kèm theo nhãn dán, đồng thời hướng dẫn bà con cách thức sử dụng máy, đóng gói sản phẩm. Trên nhãn dán có logo thương hiệu, thông tin về thành phần, ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm bằng song ngữ Việt - Anh. Việc đóng gói sản phẩm bằng túi giấy góp phần giảm rác thải khó phân hủy, bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện “Nói không với túi ny lon” ở xã đảo. Không chỉ hỗ trợ phương tiện, chính quyền thành phố và xã đảo còn gặp mặt, trao đổi với bà con về việc khai thác bền vững nguồn lá lao, các lưu ý về an toàn vệ sinh, nâng tầm sản phẩm trà lá lao thông qua việc nâng cấp hình thức bao bì đóng gói.
ĐỖ HUẤN